Giải pháp hữu hiệu nào 'thúc' công nghiệp hỗ trợ dệt may phát triển?
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ điện tử đứng trước cơ hội “vàng” Cần làm rõ vai trò của địa phương trong phát triển công nghiệp hỗ trợ |
Dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, ngành quá tập trung vào gia công và phó mặc nguyên vật liệu cho chuỗi cung ứng ngoài nước, trong đó chủ yếu là nhà cung ứng Trung Quốc, Hàn Quốc do đó chưa tăng được tỷ lệ nội địa hoá.
Đáng nói, thị trường kinh doanh giao dịch mua bán nguyên phụ liệu dệt may tại Việt Nam hầu như không có. Chỉ có một vài chợ bán nguyên phụ liệu hộ gia đình phục vụ cho kinh doanh nhỏ lẻ của thị trường nội địa. Hiện 60 - 70% số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ của ngành dệt may phải loay hoay tự đi tìm nguồn cung nguyên liệu hoặc phải chạy theo sự chỉ định của khách hàng.
Trên thực tế, thượng nguồn chưa phát triển kịp khâu hạ nguồn trong ngành dệt may không phải là câu chuyện mới, thậm chí đã diễn ra rất nhiều năm. Bản thân doanh nghiệp trong ngành đã rất nỗ lực nhưng chưa thành công trong việc phát triển chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu.
Dù nỗ lực đầu tư nhưng công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may chưa phát triển kịp nhu cầu. (Ảnh minh hoạ) |
Nói về điều này, ông Trương Văn Cẩm- Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, thời gian qua, một số doanh nghiệp trong ngành đã xúc tiến lập các trung tâm nguyên phụ liệu nhưng việc triển khai chưa thành công. Năm 2004, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã có đề xuất gửi Bộ Công Thương xây dựng 2 trung tâm nhưng chưa thành hiện thực. Công ty CP May Sài Gòn 2 cũng dành hẳn một xưởng để làm trung tâm nguyên phụ liệu nhưng sau vài tháng phải đóng cửa do không hiệu quả.
“Các trung tâm đó không thành công do sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương không đồng bộ. Nói giao đất nhưng thời gian rất lâu. Với dệt may, đến nay sản xuất nguyên phụ liệu, đặc biệt là vải rất yếu. Việc sản xuất vải để đưa vào trung tâm để trưng bày chưa thực hiện được do vải không có, doanh nghiệp quan tâm cũng ít. Tỷ lệ gia công cao nên khách hàng thường chỉ định lấy nguồn nguyên phụ liệu ở nước ngoài khi đặt hàng. Đây là vấn đề khiến các trung tâm nguyên phụ liệu chưa thành công”, ông Cẩm phân tích.
Từ kinh nghiệm triển khai của một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, ông Cẩm kiến nghị cơ quan chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế chính sách, nguồn lực, đất đai giúp các doanh nghiệp ổn định đầu tư, chuyển giao công nghệ cũng như đẩy mạnh việc giao dịch giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước để hỗ trợ các trung tâm nguyên phụ liệu phát triển.
Mặt khác, để phát triển được nguồn nguyên phụ liệu trong nước, ông Trương Văn Cẩm cũng cho rằng, cần có cơ chế “thúc” doanh nghiệp FDI tham gia vào quá trình này. Việt Nam hiện đang có khoảng 3.500 dự án FDI trong ngành dệt may, tổng mức đầu tư khoảng trên 37 tỷ USD. Thời gian gần đây một số dự án FDI lớn trong lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu dệt may đã được cấp phép đầu tư.
Không khó có thể nhận thấy, nhiều dự án FDI trong lĩnh vực nguyên phụ liệu có đầu tư sản xuất tại Việt Nam, tuy nhiên đầu ra của sản phẩm hoặc là dành cho nội bộ sản xuất hoặc dành cho chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. Không nhiều nguyên phụ liệu được cung cấp cho doanh nghiệp dệt may trong nước.
Sẽ không có vấn đề gì nếu như các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam ký kết không đòi hỏi gắt gao về quy tắc xuất xứ. Cùng đó là những quy định chặt chẽ về truy xuất nguồn gốc, sử dụng nguyên liệu tái chế, nguyên liệu xanh thân thiện với môi trường từ các quốc gia nhập khẩu lớn hàng may mặc của Việt Nam đang dần đi vào thực thi.
Trong bối cảnh đó, nếu không sớm giải quyết được vấn đề nguyên phụ liệu những lợi thế, ưu đãi từ các FTA lẽ ra các doanh nghiệp dệt may trong nước được hưởng sẽ dễ dàng rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, do thiếu một đầu mối kết nối cung – cầu khiến các doanh nghiệp phải loay hoay tự tìm nguồn cung nguyên liệu, hoặc chạy theo chỉ định của nhãn hàng. Điều này không chỉ tiềm ẩn rủi ro mà con đường “thoát gia công” của ngành dệt may còn khó khăn.
Để giúp ngành dệt may Việt Nam phát triển được chuỗi cung ứng, chủ động nguyên phụ liệu, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ ban hành những cơ chế nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước tăng cường liên kết kinh doanh, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác trong sản xuất nhằm “thúc” công nghiệp hỗ trợ dệt may phát triển. Cùng đó, khuyến khích đầu tư FDI nhưng cần xây dựng, bổ sung các nguyên tắc ưu đãi, nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, bảo vệ môi trường, tài nguyên và tiết kiệm năng lượng phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới.