Giải pháp hữu hiệu bảo vệ người tiêu dùng
Người tiêu dùng cần chủ động hơn trong bảo vệ quyền lợi của mình - Ảnh: Cấn Dũng |
Nhiều hoạt động thiết thực
Sở Công Thương Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị Triển khai Kế hoạch “Ngày quyền của Người tiêu dùng (NTD) Việt Nam” năm 2019 của TP. Hà Nội. Theo kế hoạch, lễ hưởng ứng “Ngày Quyền của NTD Việt Nam 15/3” năm 2019 sẽ được tổ chức tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) vào ngày 16/3. Ngay sau lễ mít tinh, Tuần “Doanh nghiệp tri ân NTD” sẽ diễn ra từ ngày 17-22/3 tại 100 điểm bán hàng trên địa bàn Thủ đô. Tiếp đó, từ 19-23/4 sẽ diễn ra sự kiện “Ngày hội sản phẩm hàng hóa vì NTD” với quy mô 50 gian hàng tại siêu thị BigC. Tại đây, NTD sẽ được hưởng nhiều ưu đãi khi tham gia các hoạt động giao dịch hàng hóa như: Tăng thời gian bảo hành, hỗ trợ bảo dưỡng, bảo trì miễn phí các sản phẩm, được tăng điểm tích lũy khi mua sắm, được nhận thêm quà tặng và giảm giá cho các sản phẩm đến 50%. Đặc biệt, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức 3 buổi tập huấn tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi NTD tại các trường THPT với sự tham gia của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD (Bộ Công Thương).
Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết: Đây không phải là lần đầu tiên Sở Công Thương Hà Nội tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của NTD Việt Nam, năm 2018 sự kiện này đã thu hút 70 doanh nghiệp (DN) tham gia; Tổng đài 024.1081 đã giải đáp 3.912 cuộc gọi (tăng 20% so với năm 2017) về luật và các thông tin liên quan đến chương trình.
Trên thực tế, mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi NTD ra đời, được tuyên truyền và tổ chức thực hiện từ nhiều năm nay, tuy nhiên tình trạng vi phạm quyền lợi NTD đã và đang xảy ra phổ biến, ngày càng phức tạp hơn với hậu quả để lại nghiêm trọng hơn. Thậm chí, có rất nhiều NTD im lặng bỏ qua, cũng có rất nhiều trường hợp lại chưa biết nếu bị xâm phạm quyền lợi thì khiếu nại ở đâu, làm như thế nào để bảo vệ mình.
Ông Nguyễn Thanh Hải chia sẻ, qua khảo sát của Sở Công Thương, vẫn còn nhiều người chưa biết đến các quyền của NTD như: Quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định pháp luật. Đặc biệt, vẫn còn nhiều NTD chưa biết phải phản ánh, khiếu nại qua các kênh giải quyết quyền lợi của mình ở đâu, ngoài phản ánh đến nơi bán sản phẩm.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm
Sự phát triển của công nghệ thông tin và tốc độ "phủ sóng" nhanh của internet đã, đang hỗ trợ hiệu quả đối với sự phát triển của thương mại điện tử ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Đồng thời, cho phép một số DN có thể thu thập gần như toàn bộ thông tin của NTD trong quá trình giao dịch, tham khảo thông tin trên mạng internet. Tuy nhiên, không ít DN sử dụng các thông tin này để gọi điện, nhắn tin, gửi email với những mục đích khác nhau, trong đó nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thậm chí mang tính chất lừa đảo NTD.
Đáng chú ý, tình trạng NTD trở thành NTD “bất đắc dĩ” khi nhận được đơn hàng từ các website thương mại điện tử mặc dù họ không thực hiện đặt hàng trên các website đó cũng đã được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cảnh báo mới đây.
Theo đó, các đối tượng thường gửi bưu kiện đến địa chỉ nhà riêng NTD (với đầy đủ thông tin cá nhân như họ tên, số điện thoại, địa chỉ nhà riêng…) khi họ không ở nhà, do đó người nhà nhận thay mà không xác nhận lại với họ về việc có đặt mua sản phẩm hay không. Thông thường, các đơn hàng này có giá trị nhỏ nên người nhà khi nhận hàng hộ đã trả tiền cho bên vận chuyển mà không kiểm tra sản phẩm. Ngoài ra, sản phẩm nhận được không đúng như mô tả tại vận đơn giao hàng.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo người nhận hàng cần thận trọng, xác nhận kỹ với người nhà về việc có đặt hàng tại webiste thương mại điện tử hay không; kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi thanh toán để đảm bảo sản phẩm đúng như mô tả tại vận đơn giao hàng. Bên cạnh đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng yêu cầu các website thương mại điện tử và các đơn vị hỗ trợ vận chuyển rà soát lại quy trình giao hàng và xác nhận đơn hàng, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng.
Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2018, lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ là trở ngại lớn thứ 2 với NTD Việt Nam khi mua sắm trực tuyến, chỉ xếp sau lo ngại sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo
Để quyền lợi NTD được bảo vệ tốt hơn nữa, nhất là trong kỷ nguyên công nghệ số 4.0, ông Nguyễn Thanh Hải cho biết, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, thực thi văn bản pháp luật về quyền của NTD, xây dựng ý thức chủ động bảo vệ bản thân của NTD khi giao dịch, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi NTD.
Trong đó, việc triển khai các chương trình về "Ngày Quyền của NTD Việt Nam" sẽ là giải pháp hữu hiệu, nhằm tuyên truyền, phổ biến, thực thi văn bản pháp luật về quyền của NTD để tạo cho họ chủ động và ý thức tự bảo vệ bản thân khi tiêu dùng.
TP. Hà Nội cũng kêu gọi cộng đồng DN, các hiệp hội, ngành hàng tham gia tổ chức các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD trực tiếp, tri ân NTD tại các siêu thị, trung tâm thương mại, các hệ thống dịch vụ và cửa hàng cung ứng sản phẩm.
Bên cạnh đó, thành phố yêu cầu các cơ quan quản lý phải có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, thực thi bảo vệ quyền lợi NTD theo quy định của pháp luật. Các tổ chức, DN cần ý thức đầy đủ về quyền và trách nhiệm của DN trong hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa, nhằm bảo đảm quyền lợi của NTD theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Việc thực hiện công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NTD được lan tỏa đến tất cả các cấp ủy, chính quyền, DN sẽ thúc đẩy tiêu dùng ngày càng nhiều hơn, từ đó thúc đẩy sản xuất và kinh tế phát triển. |