Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quyết tâm nâng hạng TTCK Việt Nam, hút mạnh dòng vốn ngoại
Sếp doanh nghiệp mua bán cổ phiếu tuần qua: Ồ ạt mua lớn, bán khủng Khuyến nghị cổ phiếu hôm nay 28/2: TNG, HPG và QNS Chứng khoán hôm nay 28/2/2024: Năng lượng, thép tiếp tục duy trì sắc xanh |
Sáng nay (28/2), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 diễn ra tại Hà Nội.
Thủ tướng nhấn mạnh: Phát triển kinh tế thì không thể thiếu TTCK. Ảnh: VGP |
Thủ tướng khẳng định, TTCK là một kênh đầu tư linh hoạt, hấp dẫn của các tổ chức và cá nhân đầu tư, đồng thời là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.
Không những vậy, TTCK góp phần quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội, nhất là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.
Dấu ấn 24 năm hình thành, phát triển
Về những kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ, thứ nhất, thể chế, cơ chế, chính sách phát triển TTCK được từng bước xây dựng, rà soát, hoàn thiện, bổ sung phù hợp theo từng thời kỳ và trình độ, yêu cầu phát triển, với chủ trương, đường lối của Đảng, các luật của Quốc hội, nghị định của Chính phủ.
Thị trường chứng khoán từ những ngày đầu giao dịch đến nay đạt được nhiều kết quả nổi bật. Ảnh: VGP |
Thứ hai, TTCK đã không ngừng hoàn thiện về cấu trúc và hiện đại hóa. Cơ cấu của thị trường từng bước được hoàn thiện, từ chỗ chỉ có thị trường cổ phiếu đến nay đã có thêm thị trường trái phiếu Chính phủ và TTCK phái sinh.
Nếu như ngày đầu giao dịch (28/7/2000), TTCK chỉ có 2 doanh nghiệp niêm yết, 6 công ty chứng khoán thành viên thì đến cuối năm 2023 đã có gần 2.300 doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch và 82 công ty chứng khoán hoạt động.
Bên cạnh đó là sự phát triển cả về năng lực chuyên môn nghiệp vụ, năng lực tài chính, chất lượng dịch vụ của hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán.
Ngày nay, nhà đầu tư có thể ngồi bất cứ đâu, giao dịch bằng bất kỳ thiết bị thông minh nào và sử dụng các các công cụ phân tích đa dạng, phong phú, tiện dụng trên nhiều nền tảng.
Thứ ba, thị trường không ngừng phát triển về quy mô, khả năng huy động vốn cho doanh nghiệp. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng trưởng tích cực từ 0,22% GDP năm 2000 lên 33,52% GDP năm 2010 và 58,1% GDP năm 2023.
Số lượng nhà đầu tư tăng từ 3 nghìn tài khoản năm 2000 lên hơn 7,29 triệu tài khoản, tương đương 7,5% dân số vào năm 2023. Đồng thời, chất lượng, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của các nhà đầu tư ngày càng được nâng cao.
Giá trị giao dịch bình quân (gồm cả cổ phiếu, trái phiếu) tăng từ gần 11,7 nghìn tỷ/phiên năm 2016 lên khoảng gần 24,4 nghìn tỷ/phiên năm 2023, trong đó tính riêng giao dịch cổ phiếu đã có nhiều phiên giao dịch vượt con số 1 tỷ USD.
Thứ tư, TTCK ngày càng phát triển theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế, đáp ứng các tiêu chí quan trọng của các tổ chức xếp hạng trên thế giới. Quy mô vốn hóa đạt gần 200 tỷ USD, lớn hơn nhiều thị trường châu Á như: Philippines, Qatar, Kuwait... hay châu Âu như: Hy Lạp, Czech, Hungary... Thanh khoản trung bình đạt gần 700 triệu USD, tương đương Indonesia, Malaysia, Singapore và chỉ đứng sau Thái Lan trong khối ASEAN.
Thứ năm, công tác giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm được tăng cường. Nhiều vụ việc nổi cộm trên thị trường được điều tra, xác minh, làm rõ, quyết liệt xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Từ đó, góp phần nâng cao tính minh bạch, công bằng của thị trường và củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Với những gì đã đạt được, nhiều nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp, bao gồm các quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới đánh giá rất cao sự tiến bộ cũng như tiềm năng, dư địa phát triển của TTCK Việt Nam.
Quyết tâm nâng hạng TTCK lên mới nổi
Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng cũng chỉ ra vẫn còn những vướng mắc mà thị trường chứng khoán cần khắc phục nhanh chóng.
Đó là vấn đề về xây dựng đồng bộ và hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và hoạt động của thị trường ngày càng phát triển mạnh mẽ nhưng phải đảm bảo tính an toàn, minh bạch và bền vững.
Không những vậy, còn xảy ra tình trạng làm giá, thao túng chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư và niềm tin thị trường.
Đáng chú ý, chuẩn mực và đạo đức của một bộ phận cán bộ thực thi công vụ có vấn đề, chuẩn mực kế toán, chế tài xử lý xử phạt chưa nghiêm minh, kịp thời.
Thêm nữa, thông tin công bố của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư chưa bảo đảm tính chính xác.
Cùng với đó là vấn đề đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác vận hành và quản lý đối với TTCK, để đưa công nghệ số, công nghệ 4.0 thúc đẩy TTCK…; vấn đề giải quyết các điểm còn vướng mắc để nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Thủ tướng kỳ vọng thị trường chứng khoán tăng dần đều, ổn định, bền vững, thay vì tăng giảm đột ngột: “Tới năm 2025 đặt mục tiêu trở thành thị trường mới nổi, góp phần thực hiện mục tiêu thu hút khoảng 25 tỷ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm, tương đương đầu tư trực tiếp”.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, chủ thể có liên quan thị trường chứng khoán; mong muốn thị trường chứng khoán Việt Nam, phát triển lành mạnh, bền vững, tiến kịp, đi cùng thế giới; chia sẻ với những khó khăn của các chủ thể liên quan trên thị trường chứng khoán trong 2 năm khó khăn vừa qua; mong muốn chung sức, đồng lòng để tăng tốc phát triển thị trường chứng khoán trong năm 2024 và bứt phá trong năm 2025.
Thủ tướng cũng khẳng định, thị trường chứng khoán Việt Nam là một loại thị trường bậc cao, một cấu phần quan trọng của thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta nói chung.