Chứng khoán Việt 2024: Chờ "cơn sóng" lớn
Chứng khoán “rực lửa”, nhà đầu tư nên làm gì? Chứng khoán “lên thác xuống ghềnh”: Chuyên gia lưu ý gì? Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam |
Thị trường chứng khoán Việt vừa trải qua một năm 2023 đầy biến động, đặt ra nhiều thách thức cho nhà đầu tư. Tuy vậy, áp lực căng thẳng nhất có thể đã qua đi, tín hiệu tích cực đã xuất hiện, nhiều người có thêm lý do để lạc quan hơn trong năm 2024.
Chứng khoán 2024 - mây đen dần tan
Theo chuyên gia chứng khoán TS. Nguyễn Hồng Điệp, thị trường chứng khoán có thể được xem như một tấm gương phản chiếu của nền kinh tế. Trong năm 2023, dù thị trường đã có những dấu hiệu phục hồi nhất định, nhưng vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư. Điều này là hợp lý vì thị trường cần một khoảng thời gian để thẩm thấu và xử lý thông tin về quá trình tái cấu trúc của nền kinh tế.
Tuy vậy, TS. Nguyễn Hồng Điệp cho rằng những tín hiệu tích cực cũng đã xuất hiện. Theo đó, khối ngoại dù thường xuyên bán ròng mạnh, thanh khoản trên thị trường vẫn duy trì ở mức cao, khoảng 12.000 - 14.000 tỷ đồng/phiên trong suốt quý cuối năm. Đây có thể được coi là dấu hiệu tích cực, cho thấy niềm tin và sự quan tâm của nhà đầu tư trong thời kỳ biến động. “Điều này chứng tỏ thị trường tích lũy tích cực chờ đợi cơn sóng lớn của năm 2024 - 2025”, TS Điệp nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi thực hiện nghi thức đánh cồng khai trương giao dịch chứng khoán năm 2024. Ảnh: HNX |
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng khá lạc quan khi đưa ra dự báo tích cực về thị trường chứng khoán năm 2024. Các yếu tố quan trọng được ông Long nhấn mạnh là sự phục hồi của kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ mở rộng và cải thiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, việc tiếp tục duy trì lãi suất thấp sẽ mở ra triển vọng tích cực giúp dòng vốn thẩm thấu sâu hơn vào nền kinh tế. “Duy trì lãi suất thấp có thể mang lại động lực tích cực cho phục hồi kinh tế và tăng trưởng trên thị trường chứng khoán thông qua sự thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Long nhận định.
Đồng quan điểm, chuyên gia Lê Anh Tuấn - Chứng khoán Dragon Capital - cũng đưa ra đánh giá tích cực về triển vọng của thị trường chứng khoán năm nay. Ông Tuấn cho rằng, có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ thị trường, từ chính sách tiền tệ, sự ổn định về vĩ mô đến động lực tăng trưởng. “Thị trường đã có sự hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết để phát triển, chỉ còn chờ "ngọn gió đông" duy nhất là sự tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp”, ông Lê Anh Tuấn nói.
Tương tự, nhóm chuyên gia chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ cho mức định giá của thị trường trong năm 2024. Việt Nam được kỳ vọng sẽ là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực giai đoạn hậu đại dịch COVID-19 và tiếp tục duy trì sức hút lớn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp (FDI) và gián tiếp (FII). Theo chuyên gia VCBS, chỉ số VN-Index có thể đạt đỉnh tại vùng 1.300 điểm trong năm 2024. Tuy nhiên, thị trường có thể có những nhịp điều chỉnh giảm mạnh xen kẽ giữa những nhịp tăng điểm.
Dưới góc nhìn thận trọng, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá thị trường chứng khoán năm 2024 sẽ biến động mạnh với nhiều "con sóng" ngắn. Mặc dù những áp lực căng thẳng nhất đã qua đi, nhưng con đường phục hồi kinh tế vẫn còn gập ghềnh. Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ quan điểm rằng, những "cơn sóng" lớn trên thị trường chứng khoán chỉ đến khi kinh tế vĩ mô thực sự khởi sắc và doanh nghiệp có sự tăng trưởng lợi nhuận.
Theo ông Hiếu, nền kinh tế Việt Nam độ mở lớn, điều này mang lại cơ hội thị trường và sự linh hoạt trong quản lý kinh tế, nhưng đồng thời cũng đưa ra những rủi ro lớn, đặc biệt là khi kinh tế thế giới đang gặp khó khăn. Ông nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh này, nhà đầu tư cần thận trọng và tiếp tục theo dõi, đánh giá cẩn thận các yếu tố trước khi đưa ra quyết định “xuống tiền”. “Biến động mạnh cùng những khó khăn trên chặng đường phục hồi kinh tế đòi hỏi sự nhạy bén và tinh tế trong chiến lược đầu tư”, chuyên gia chia sẻ.
Hướng đến phát triển minh bạch, bền vững
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chia sẻ, thị trường tài chính đang trở nên ngày càng minh bạch và ổn định. Đây là những yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư, tạo niềm tin từ cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Tính đến ngày 29/12/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.129,93 điểm, tăng hơn 12% so với cuối năm 2022. Theo ông Chi, thanh khoản trên thị trường cổ phiếu đạt trên 17.500 tỷ đồng/phiên. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu ước đạt gần 6 triệu tỷ đồng, tăng 13,6%, với 739 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết và 862 cổ phiếu đăng ký giao dịch.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán phái sinh vẫn duy trì ổn định với khối lượng giao dịch bình quân đạt 236.867 hợp đồng/phiên. Huy động thông qua hoạt động đấu thầu trái phiếu đạt hơn 305.000 tỷ đồng, tăng 54,9% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường giao dịch trái phiếu thứ cấp cũng ghi nhận giá trị đạt gần 6.000 tỷ đồng/phiên.
“Năm 2024, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ cùng với các bộ, ngành chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam cùng các công ty con và Tổng công ty Lưu ký và bù trừ Chứng khoán Việt Nam tập trung mọi nỗ lực để triển khai phát triển thị trường chứng khoán bền vững”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Theo bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong năm 2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao năng lực hệ thống, chủ động theo dõi, giám sát đối với thị trường, phát huy vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường chứng khoán theo quy định pháp luật.
"Thị trường chứng khoán sẽ có những bước phát triển bền vững, tiếp tục thể hiện được vai trò là kênh dẫn vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế", bà Vũ Thị Chân Phương nhấn mạnh.