Gia tăng áp lực lên điều hành tăng trưởng kinh tế
Để giữ nhịp tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khó khăn Thiếu đơn hàng, sản xuất công nghiệp sụt giảm, ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế |
“Ổ gà” trên đường phục hồi
Không chỉ tăng trưởng GDP của cả nền kinh tế ở mức thấp, mà một thông tin đáng chú ý, đó là vẫn có tới 5 địa phương đạt mức tăng trưởng GRDP âm trong quý I/2023. Trong số 5 địa phương này, một số địa phương là trung tâm sản xuất của cả nước.
Chừng nào sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, dịch vụ chưa thể phục hồi hoàn toàn, thì chưa thể kỳ vọng tăng trưởng GDP sẽ bứt tốc. Ảnh: Đức Thanh |
Cụ thể, Quảng Ngãi giảm 1,07%; Vĩnh Phúc giảm 2,47%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 4,75%; Quảng Nam giảm 10,88%; và Bắc Ninh giảm 11,85%. Nếu so với tốc độ tăng trưởng GRDP của năm ngoái, mới thấy sự sụt giảm của các địa phương này đáng lo như thế nào.
Năm ngoái, GRDP theo giá hiện hành của Bắc Ninh đạt tới trên 248.376 tỷ đồng, đứng thứ 9 cả nước và đứng thứ 4 ở khu vực Đồng bằng sông Hồng. Cả năm, tốc độ tăng trưởng GRDP của địa phương này là 7,39%.
Trong khi đó, con số mà Vĩnh Phúc đạt được là trên 152.000 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng 9,54%, cao nhất trong giai đoạn 2014-2022. Đây cũng là địa phương đóng góp không nhỏ cho sản xuất công nghiệp và tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Không quá khó để nhận ra, có một sự khác biệt khá lớn trong “bảng tổng sắp” về tốc độ tăng trưởng của các địa phương trong cả nước. Nếu 3 năm qua, tăng trưởng âm thuộc về các địa phương dựa nhiều vào dịch vụ, du lịch để phát triển, thì quý I năm nay, điều này lại thuộc về các trung tâm công nghiệp của cả nước.
Số liệu từ Cục Thống kê Bắc Ninh, Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh này đã giảm 18,7% trong quý I/2023. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 18,8%, riêng ngành trọng điểm sản xuất của tỉnh - sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học - giảm tới 19,6%.
Ngoài 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng âm, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng đã chỉ ra các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm có tốc độ tăng GRDP ở mức thấp và nguyên nhân cũng do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp. Đó là Bình Dương chỉ tăng trưởng 1,15%, còn TP.HCM “khiêm tốn” ở mức 0,7%.
Khi mà ngay cả đầu tàu kinh tế TP.HCM còn tăng trưởng thấp như vậy, cũng dễ hiểu vì sao tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước trong quý I chỉ ước đạt 3,32%, thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng 5,96% của quý I/2011; hay 6,25% của quý I/2015; 7,78% và 7,09% của quý I các năm 2018-2019. Tốc độ tăng trưởng của quý I năm nay chỉ cao hơn tốc độ tăng trưởng 3,21% của quý I/2020, năm bắt đầu có dịch Covid-19 và thấp hơn tới 2,28 điểm phần trăm so với kịch bản đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,6%).
Tất cả xuất phát từ nhu cầu thế giới sụt giảm và ngay cả nhu cầu trong nước cũng không phải đã hoàn toàn phục hồi, dẫn tới sản xuất công nghiệp giảm mạnh, xuất khẩu giảm. “Ổ gà” lớn nhất trên con đường phục hồi của nền kinh tế chính là ở đó. Động lực tăng trưởng lớn nhất của cả nước đã “âm” tới 0,82%, đã kéo tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế giảm 0,28 điểm phần trăm. Động lực tăng trưởng đã suy giảm sức mạnh.
Trong khi đó, tiến trình phục hồi của nền kinh tế không thể hoàn toàn dựa vào khu vực nông nghiệp và dịch vụ. Nông nghiệp, dù là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, nhưng khó có thể kỳ vọng tốc độ tăng trưởng đột phá. Dịch vụ, du lịch cũng là một “ẩn số”, bởi khả năng phục hồi đến đâu của khu vực này còn chờ các quyết sách của Quốc hội, của Chính phủ trong thời gian tới, nhất là trong thu hút du khách quốc tế. Quý I/2023, dù khách quốc tế đến Việt Nam tăng gấp gần 30 lần so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Hơn nữa, việc khu vực dịch vụ tăng 6,79% trong quý I năm nay, đóng góp 95,91% vào mức tăng chung của nền kinh tế, cũng phần nào là vì quý I các năm trước, khu vực này tăng trưởng thấp, do ảnh hưởng của Covid-19. Cụ thể, quý I/2020, khu vực dịch vụ chỉ tăng 3,27%. Con số này của quý I/2021 và quý I/2022 lần lượt là 3,34% và 4,58%.
Quý II/2022, khu vực dịch vụ tăng trưởng tới 8,56%, sau quyết định mở cửa thị trường vào ngày 15/3/2022 của Chính phủ. Con số này đưa khu vực dịch vụ tăng 6,6% trong 6 tháng đầu năm ngoái. Trên nền tăng trưởng cao như vậy, khó có thể kỳ vọng, quý II và 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng của khu vực dịch vụ tiếp tục ở mức cao. Và do đó, sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Chừng nào sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chưa thể vượt qua “ổ gà”, khu vực dịch vụ chưa thể phục hồi hoàn toàn, thì vẫn chưa thể kỳ vọng tăng trưởng GDP sẽ bứt tốc.
Gia tăng áp lực điều hành
Ngay sau khi Tổng cục Thống kê công bố tăng trưởng GDP quý I/2023 ước chỉ đạt 3,32%, Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và các thị trường toàn cầu của Ngân hàng UOB đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống còn 6% trong năm nay, thấp hơn mục tiêu 6,5% mà Chính phủ Việt Nam đặt ra. Lý do là tăng trưởng GDP thực tế trong quý I/2023 giảm sâu xuống mức 3,32%, từ mức 5,92% trong quý IV/2022 và rất thấp so với dự báo chung.
Tại Việt Nam, nhu cầu trong nước dự kiến bị ảnh hưởng do lạm phát có thể tăng cao hơn trong năm 2023 (bình quân 4,5%), khiến sức mua của các hộ gia đình bị xói mòn. Lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến đầu tư tư nhân. Trong điều kiện sức cầu bên ngoài yếu đi, đóng góp từ xuất khẩu ròng vào tăng trưởng được dự đoán là số âm (-0,6 điểm phần trăm). - Ngân hàng Thế giới |
Cần phải nhắc lại rằng, chỉ cách đây ít ngày, khi đưa ra báo cáo về kinh tế toàn cầu, chính UOB đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam là 6,6%. Vậy nhưng, sau kết quả của quý I được công bố, UOB đã thay đổi dự báo của mình. “Quý I/2023 khởi đầu ở mức thấp có thể ảnh hưởng đến kết quả tăng trưởng của cả năm. Do đó, UOB hạ dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 của Việt Nam xuống mức 6% so với dự báo trước đó là 6,6% và so với dự báo chính thức là 6,5%”, các chuyên gia của UOB nhận định.
Tuy nhiên, dự báo trên được UOB đưa ra dựa trên giả định rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ phục hồi lên mức 5,9% trong quý II/2023, trong khi nửa cuối năm phải đạt tốc độ tăng trưởng trung bình là 7,4%, khi nhu cầu toàn cầu phục hồi và khi các hoạt động dịch vụ trong nước được đẩy mạnh.
Ngân hàng Thế giới (WB), trong báo cáo cập nhật kinh tế đưa ra hồi giữa tháng 3/2023, cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam xuống 6,3%, thay vì 6,7%, bằng với dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Còn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra con số 6,2%. Ngân hàng HSBC hồi đầu năm dự báo Việt Nam tăng trưởng 5,8% trong năm nay.
Nhưng tất cả các dự báo trên được đưa ra khi số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023 của Việt Nam chưa được công bố. Rất có thể, sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh, giống như UOB. Ngay cả kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023, nhiều khả năng cũng sẽ được các cơ quan hoạch định chính sách cập nhật, để kịp thời đưa ra các biện pháp điều hành phù hợp.
Dự báo kinh tế năm nay sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí khó khăn, thách thức còn nhiều hơn cơ hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong các báo cáo trình Chính phủ trong những tháng đầu năm, đều nhấn mạnh rằng, áp lực điều hành tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát ngày càng cao. Giờ đây, sau các kết quả của quý I/2023, áp lực này chắc chắn sẽ tiếp tục gia tăng.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, để tăng trưởng cả năm đạt được 6,5%, thì các quý còn lại phải đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 7,5%. Và như Báo Đầu tư đã thông tin, chính Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã phải nhấn mạnh về sự “gập ghềnh” của con đường phục hồi kinh tế của Việt Nam. Theo bà Nguyễn Thị Hương, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vẫn phải dựa trên ba trụ cột là tiêu dùng cuối cùng, đầu tư và xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn hiện nay, trong khi xuất khẩu kéo theo đó là sản xuất công nghiệp phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới, thì theo các chuyên gia kinh tế, có thể trông chờ nhiều nhất vào thúc đẩy đầu tư công và việc thực thi Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.
Mặc dù vậy, cái khó là giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt kỳ vọng. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến hết quý I/2023, ước giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 9,69% kế hoạch và đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (11,88%).
Tuy xét về số tuyệt đối, giải ngân vốn đầu tư công trong quý I năm nay vẫn cao hơn cùng kỳ năm ngoái 10.000 tỷ đồng, song có lẽ, như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo mới đây, các cấp, ngành phải coi giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng và tập trung đẩy mạnh.
Liên quan đến các động lực tăng trưởng của năm 2023, các chuyên gia của WB đặt nhiều kỳ vọng vào khu vực dịch vụ. Thậm chí, WB còn dùng cụm từ “đánh thức tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng” khi nói về cơ hội của kinh tế Việt Nam. Nhưng chính WB cũng cho rằng, dù du lịch tiếp tục phục hồi, nhưng tăng trưởng khu vực dịch vụ “sẽ chậm lại do hiệu ứng xuất phát điểm thấp hậu Covid-19 yếu dần”.
Một cách rất rõ ràng, kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn rất lớn. Sức ép điều hành tăng trưởng càng lớn hơn. Có thể, sẽ có những biện pháp điều hành, những quyết sách mới được đưa ra tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2023, diễn ra trong tuần này.