Giá rau tại chợ tăng ‘đột biến’, siêu thị cam kết không tăng giá
Rau xanh vẫn tăng giá từng ngày do thiếu nguồn cung
Sau ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), mưa lớn ở thượng nguồn đổ về khiến mực nước sông Hồng vẫn tiếp tục dâng cao và xấp xỉ mức báo động 3. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, trong 12- 24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh, đạt mức báo động.
Theo đó, giá các mặt hàng thực phẩm tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều biến động. Cụ thể, giá các mặt hàng rau, củ, quả ghi nhận mức tăng mạnh sau bão.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, tại một số chợ truyền thống tại Hà Nội như chợ Linh Lang, Bưởi, Nguyễn Công Trứ, Ngọc Hà vào sáng ngày 11/9 cho thấy, không có nhiều các loại rau ăn xanh và đa phần các mặt hàng rau xanh tăng giá mạnh so với tuần trước bão Yagi, có loại tăng hơn gấp ba lần, đặc biệt là rau xanh vẫn tiếp tục "leo giá" từng ngày.
Tại chợ Linh Lang (Ba Đình), giá các loại rau, củ, quả tăng mạnh so với những ngày trước. Mặt hàng rau muống giá 20.000 - 30.000 đồng/mớ, tăng từ 15.000 - 20.000 đồng/mớ; cải bắp tăng từ 15.000 đồng lên 25.000 đồng/kg; mỗi bó rau cải ngọt cũng được bán ra với giá 50.000 - 55.000 nghìn đồng trong khi giá bình thường khoảng 7.000 đồng; nhiều loại rau thơm tăng gấp đôi so với trước bão... Thậm chí, mớ rau được người mua đánh giá là ít hơn so với ngày thường.
Giá rau xanh, đặc biệt là các loại rau lá "leo" cao tại các chợ truyền thống Hà Nội sau ảnh hưởng của bão. Ảnh: Ngọc Hoa |
Chia sẻ với phóng viên, bà Ngọc - tiểu thương bán buôn lâu năm tại chợ Linh Lang - cho rằng, lý do rau đắt là do mưa bão nên vườn rau mất mùa, rau sẽ ngày một đắt và khan hiếm.
“Thường theo quy luật, sau mưa bão, các mặt hàng rau xanh sẽ đắt lên, những đầu mối cung ứng rau xanh ở các vùng ngoại thành và các tỉnh ven Hà Nội đều bị ngập nên việc cung ứng thiếu hụt. Mấy hôm nay, tôi đi chợ đầu mối chỉ lấy được các loại củ quả, còn rau ăn lá rất hạn chế nên phải mua gom ở nhiều nơi, có nơi ở xa còn phải thuê người vận chuyển riêng nên giá rau có phần bị đội lên so với trước”, bà Ngọc nói.
Giá các loại củ, quả như cà rốt, bí xanh, bí đỏ... cũng tăng thêm từ 5.000 - 15.000 đồng/kg, tùy loại: Cà rốt có giá 25.000 đồng/kg; khoai tây 20.000 đồng/kg; khoai lang dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg; bầu 25.000 đồng/kg; bí xanh 25.000 - 30.000 đồng/kg...
Tương tự, tại chợ Bưởi (Tây Hồ), một số tiểu thương kinh doanh cho biết, nguyên nhân giá rau tăng mạnh do ảnh hưởng của những trận mưa lớn liên tục kéo dài từ tuần trước đến nay đã khiến nhiều diện tích rau màu bị ngập úng dẫn đến dập nát, từ đó nguồn cung nhiều loại rau, củ, nhất là các loại rau xanh bị thiếu hụt.
Theo các tiểu thương, hiện các vùng sản xuất rau gặp mưa lớn liên tục khiến rau bị hư hại, chất lượng không được tươi như trước, khiến nguồn cung nhiều loại rau, củ, nhất là rau xanh bị hạn chế. Bên cạnh đó, với điều kiện thời tiết bất lợi, một số khu vực ngoại thành Hà Nội như Đông Anh, Mê Linh, Quốc Oai... ngập lụt khiến việc vận chuyển cũng như bảo quản khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, khảo sát tại một số hệ thống siêu thị tại Hà Nội, do có sự chuẩn bị nên nguồn cung vẫn đảm bảo cho các hệ thống, nguồn rau xanh, thực phẩm, thịt cá không thiếu và giá vẫn ổn định.
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Hà Long Thành - Giám đốc vận hành sản xuất WinEco - cho biết, trong bối cảnh nhiều địa phương miền Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3, WinEco đã ngay lập tức triển khai kế hoạch thu hoạch, vận chuyển và phân phối nông sản từ miền Nam ra miền Bắc, nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt rau củ do thiên tai.
“Để đảm bảo duy trì ổn định nguồn hàng của Miền Bắc đến cuối tháng, WinEco đẩy mạnh hoạt động sản xuất tại các nông trường ở Lâm Đồng và miền Nam để duy trì ổn định sản lượng cung cấp cho thị trường Miền Bắc và bình ổn giá cho người tiêu dùng sau ảnh hưởng từ bão Yagi”, ông Thành thông tin.
Theo đó, ngay từ ngày 8/9, gần 100 tấn rau củ thiết yếu đã được vận chuyển mỗi ngày từ miền Nam và Lâm Đồng ra miền Bắc. Đây là nỗ lực của WinEco nhằm đảm bảo nguồn cung cấp rau củ cho người dân, đồng thời bù đắp sự thiếu hụt do thiệt hại của các nông trường miền Bắc sau bão Yagi, nhất là các loại rau phổ biến như mồng tơi, cải ngọt, cải xanh, cải chíp, bầu bí, mướp đắng và nhiều mặt hàng khác.
"Đặc biệt, các nông sản WinEco được bày bán tại chuỗi siêu thị, cửa hàng WinMart, WinMart+, WIN không tăng giá, giúp ổn định thị trường" - ông Thành khẳng định.
Hệ thống siêu thị đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho người dân và cam kết không tăng giá. Ảnh: WinEco |
Nỗ lực đảm bảo nguồn cung, ổn định giá hàng hoá sau bão
Trước tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương phía Bắc, Bộ Công Thương khuyến cáo người dân bình tĩnh, dự trữ nguồn nhu yếu phẩm đủ dùng, không tích trữ quá mức cần thiết để ưu tiên các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do cơn bão số 3 gây ra.
Theo đó, chiều 11/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ban hành công điện hỏa tốc số 6929/CĐ-BCT gửi các đơn vị liên quan về việc khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.
Trong đó, Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không để tình trạng găm hàng, đẩy giá, đảm bảo ổn định giá các mặt hàng, nhất là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu tại khu vực bị ảnh hưởng bởi siêu bão, hoàn lưu bão.
Vụ Thị trường trong nước triển khai Tổ công tác tiền phương về cung ứng, điều tiết hàng hoá thiết yếu tại địa phương chịu ảnh hưởng sau bão số 3 để trực tiếp nắm bắt tình hình thị trường và nhu cầu hàng hóa thiết yếu; thực hiện việc điều tiết giữa các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng mưa, lũ với các tỉnh, thành phố khác khi có đề nghị của địa phương nhằm bảo đảm duy trì cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa phương chịu tác động của mưa, lũ.
Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không để tình trạng găm hàng, đẩy giá. Ảnh. WinEco |
Đồng thời, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các tỉnh; tham mưu, đề xuất hướng xử lý trong tình huống khẩn cấp, báo cáo kịp thời Lãnh đạo Bộ trong trường hợp vượt thẩm quyền. Thường xuyên cập nhật tình hình thị trường các hàng hóa thiết yếu đến các phương tiện truyền thông đại chúng và chuyển thông tin kịp thời đến lực lượng quản lý thị trường để kiểm tra, giám sát trong trường hợp có dấu hiệu găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ra Công điện về việc tăng nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trước hậu quả của cơn bão số 3.
Công điện được đưa ra nhằm kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trong thời gian sau bão.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố phải tập trung, quyết liệt, phân công lãnh đạo, công chức trực 24/24 giờ để chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng khác. Kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do bão gây ra để thu lời bất chính.
Đặc biệt, trong lần trả lời nhanh ngày 10/9, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước khuyến cáo người dân bình tĩnh, không tích trữ quá mức cần thiết để ưu tiên các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão gây ra.