Giá ngô thế giới giảm, vì sao?
Giá ngô và giá lúa mì thế giới bật tăng Lúa mì tiếp tục tăng mạnh trước lo ngại về triển vọng nguồn cung Giá ngô và giá lúa mì thế giới nối dài đà khởi sắc |
Tiếp nối đà giảm của phiên hôm qua, giá ngô thế giới kỳ hạn tháng 12 đang chịu sức ép nhẹ trong sáng nay. Xu hướng đi ngang dưới mốc kháng cự 500 trong hơn 2 tháng qua vẫn đang tiếp tục và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong phiên hôm nay, với việc thị trường đón nhận những thông tin cơ bản mới thiên hướng “bearish” đến giá, nhiều khả năng đà giảm của giá ngô vẫn sẽ duy trì và khiến giá hướng xuống vùng 480.
Biểu đồ giá ngô thế giới tháng 12. Ảnh Hanghoa247 |
Báo cáo Crop Progress cho thấy, tiến độ thu hoạch của Mỹ tính đến ngày 15/10 đã đạt 45% diện tích dự kiến. Con số này chỉ thấp hơn một chút so với dự đoán của thị trường nhưng cao hơn cùng kỳ năm ngoái và mức trung bình 5 năm. Trong khi đó, tỉ lệ ngô đạt tốt – tuyệt vời duy trì ở mức 53% trong tuần thứ 4 liên tiếp. Số liệu này cho thấy thời tiết khô ráo gần như không tác động đến chất lượng cây trồng trong những giai đoạn phát triển cuối cùng, mà ngược lại còn thúc đẩy hoạt động thu hoạch. Điều này giúp xoa dịu những lo ngại về tình hình mùa vụ tại Mỹ và đồng thời tạo áp lực ngắn hạn lên giá.
Ngoài ra, nguồn cung ngô tại Mỹ còn chịu áp lực suy yếu trong ngắn hạn, khi mà hoạt động xuất khẩu của Brazil ghi nhận những kết quả tích cực. Xuất khẩu ngô của Brazil trong 2 tuần đầu tháng 10 đạt 4 triệu tấn, so với mức 6,8 triệu tấn trong cả tháng 10 năm ngoái. Tính theo trung bình mỗi ngày, Brazil xuất khẩu được 443.400 tấn ngô, cao hơn 24,1% so với mức trung bình hàng ngày của cả tháng 10/2022.
Dù vậy, đây không phải là thông tin quá bất ngờ, khi mà các lô hàng xuất khẩu hàng tháng từ đầu năm nay của Brazil hầu hết đều tăng so với cùng kỳ năm 2022. Hơn nữa, hoạt động vận tải bằng sà lan của Brazil còn tiềm ẩn rủi ro khi mực nước sông Amazon đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thế kỷ do hạn hán nghiêm trọng. Nếu tình hình thời tiết không có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới, đây sẽ là yếu tố giúp hạn chế đà giảm của giá trong trung hạn.
Mở cửa phiên giao dịch ngày 17/10, giá lúa mì suy yếu nhẹ khi tiếp nối diễn biến từ phiên trước đó. Tình hình xuất khẩu thuận lợi từ Ukraine đã mang lại cho thị trường những tín hiệu khả quan về nguồn cung tại Biển Đen và góp phần khiến cho giá lúa mì quay đầu suy yếu bất chấp mức hồi phục khá mạnh kể từ cuối tuần trước.
Lúa mì SRW chủ yếu được trồng ở khu vực phía Đông và vùng Great Plains, giống như lúa mì HRW, nó được trồng vào mùa thu. Đây cũng là loại lúa mì rẻ nhất trong số các loại lúa mì và do đó được ưa chuộng để xuất khẩu, đặc biệt là khi Mỹ có vị thế cạnh tranh trên toàn cầu.
Đơn hàng Daily Export Sales với khối lượng 181.000 tấn lúa mì mà Trung Quốc mua của Mỹ vào cuối tuần trước và 220.000 tấn mua vào đầu tháng 10 đã cho thấy dấu hiệu nhu cầu từ quốc gia tiêu thụ lớn này sẽ dần gia tăng. Bên cạnh Mỹ, Trung Quốc cũng đang mua dự trữ lượng lúa mì SRW từ Pháp với tốc độ nhanh chóng. Đây có thể sẽ là yếu tố mà thị trường cần theo dõi thêm và có thể là những thông tin tiềm ẩn tác động khiến giá lúa mì có thể sẽ đảo chiều trong thời gian tới.
Bên cạnh nhu cầu, thị trường lúa mì toàn cầu vẫn bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở Nam bán cầu trong vài tháng qua, kéo theo dự báo sản lượng sụt giảm ở Argentina, Australia. Điều này cũng dẫn tới việc nguồn cung bị hạn chế trong khoảng 9 tháng tới – cho đến khi Bắc bán cầu có thể thu hoạch. Ngược lại, một tín hiệu tích cực là Nga đang đẩy mạnh tốc độ xuất khẩu lúa mì, đặc biệt là sang quốc gia tiêu thụ lớn nhất thế giới là Ai Cập trong những chuyến hàng gần đây. Nhìn chung, trong ngắn hạn, nguồn cung thiệt hại có thể được bù đắp nhưng tốn kho cuối niên vụ 23/24 dự báo vẫn sẽ sụt giảm so với những kỳ vọng ban đầu. Cả 2 yếu tố nhu cầu và nguồn cung đều đang tiềm ẩn những tác động “bullish” đối với thị trường lúa mì.