Giá lúa mì có thể gặp áp lực cạnh tranh từ Nga
Lúa mì hồi phục trở lại trước lo ngại về nguồn cung Giá lúa mì ghi nhận phiên hồi phục thứ 4 liên tiếp Giá dầu đậu tương tăng gần 6% nhờ nhu cầu từ Ấn Độ |
Mở cửa phiên sáng nay, đậu tương suy yếu trở lại sau khi hồi phục nhẹ trong phiên đầu tuần. Nhìn chung, giá đang duy trì xu hướng giằng co quanh mốc 1190 kể từ phiên công bố báo cáo Cung - cầu tháng 2. Tình hình mùa vụ tại Nam Mỹ không đáng lo ngại như dự kiến là lý do chính ảnh hưởng đến diễn giá hiện tại. Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu của nông dân Mỹ ghi nhận những kết quả kém khả quan có thể sẽ gây sức ép nhẹ đến giá đậu tương trong phiên hôm nay.
Cụ thể, theo báo cáo Export Inspections đêm qua, Mỹ chỉ giao được 1,33 triệu tấn đậu tương trong tuần 2 – 8/2, giảm so với mức 1,75 triệu tấn trong tuần trước đó. Tính theo lũy kế từ đầu niên vụ, tốc độ xuất khẩu thực tế của Mỹ mới đạt 57,09% kế hoạch, chậm hơn đáng kể so với mức 67,97% cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu của Mỹ tiếp tục diễn biến trì trệ trong niên vụ hiện tại phản ánh nguồn cung giá rẻ từ Nam Mỹ, đặc biệt là Brazil, vẫn đang chiếm ưu thế trên thị trường thế giới. Theo quan điểm của chúng tôi, cùng với động thái điều chỉnh giảm khối lượng xuất khẩu đậu tương Mỹ trong báo cáo WASDE vừa qua, điều này sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy phe bán duy trì thế áp đảo trong phiên hôm nay.
Quay trở lại với triển vọng sản xuất của Nam Mỹ, Sở Giao dịch Rosario cho biết, 100.000 héc - ta trong tổng số 500.000 héc - ta đậu tương ở tình trạng trung bình/kém tại khu vực sản xuất trọng điểm của Argentina, đã bị thiệt hại nặng nề do đợt nắng nóng kéo dài trong hai tuần trước. Chất lượng cây trồng đã sụt giảm đáng kể với tỷ lệ diện tích đạt tốt/tuyệt vời trong tuần qua giảm xuống mức 31%, thấp hơn đáng kể so với mức 37% cùng kỳ năm 2021 - thời điểm trước khi mùa vụ phải đối mặt với đợt hạn hán lịch sử. Mặc dù vậy, những cơn mưa trong cuối tuần trước, cùng với dự báo thời tiết thuận lợi trong vài ngày tới đã giúp hạ nhiệt những lo ngại của thị trường. Do vậy, các thông tin mùa vụ của Argentina tạm thời không tác động quá nhiều đến diễn biến giá trong ngắn hạn.
Sau nhịp giằng co trong phiên đầu tuần, giá lúa mì có xu hướng suy yếu trở lại trong sáng nay. Tương tự như ngô, tuy kết quả xuất khẩu lúa mì trong tuần vừa rồi của Mỹ cũng khá tích cực, nhưng là chưa đủ để giúp giá có thể duy trì đà tăng. Áp lực cạnh tranh gia tăng trên thị trường toàn cầu sẽ tiếp tục là yếu tố gây sức ép lên giá trong hôm nay.
Báo cáo Export Inspections hôm qua cho thấy, khối lượng giao hàng lúa mì của Mỹ trong tuần 2/2 - 8/2 đạt 407.476 tấn, tăng mạnh so với mức 295.540 tấn của một tuần trước đó. Điều này cho thấy nhu cầu quốc tế đối với lúa mì đã có sự cải thiện đáng kể, khi khối lượng giao lúa mì trong 4 tuần liên tiếp trước đó đều duy trì dưới mức 300.000 tấn. Dù vậy, tác động “bullish” từ báo cáo Export Inspections tuần này có thể bị xóa nhòa bởi áp lực cạnh tranh từ Nga.
Giá lúa mì xuất khẩu của Nga đã có tuần sụt giảm thứ 5 liên tục vào tuần trước. Cụ thể, hãng tư vấn IKAR cho biết Giá FOB đối với lúa mì chứa 12,5% protein tại các cảng trên Biển Đen của Nga đạt 224 USD/tấn trong tuần vừa rồi, giảm 4 USD/tấn so với tuần trước đó. IKAR đánh giá, điều này đang dần giúp lúa mì Nga lấy lại lợi thế cạnh tranh so với nguồn cung từ châu Âu, đặc biệt là từ Pháp. Bên cạnh việc giá lúa mì xuất khẩu liên tục giảm, Bộ Nông nghiệp Nga cũng đang đề xuất tăng hạn ngạch xuất khẩu ngũ cốc trong giai đoạn 15/2 - 30/6 thêm 4 triệu tấn, lên mức 28 triệu tấn. Mức hạn ngạch 24 triệu tấn trước đó chỉ áp dụng cho ngũ cốc xuất khẩu tới các nước ngoài Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU). Mức hạn ngạch bổ sung nói trên được cho là sẽ dành cho lượng ngũ cốc được xuất khẩu tới các nước nằm trong EAEU, khi mà nhu cầu đối với ngũ cốc Nga trên thị trường toàn cầu ngày càng gia tăng nhờ ưu thế về giá. Điều này dự kiến sẽ gây áp lực cạnh tranh gay gắt đối với lúa mì Mỹ trên thị trường xuất khẩu, và có thể tác động “bearish” lên giá lúa mì CBOT trong dài hạn.