Gia Lai: Triển khai một số hoạt động trọng tâm thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc
Ngay trong quý đầu năm, Ban Dân tộc đã phối hợp huyện Ia Grai tổ chức Hội nghị ra mắt câu lạc bộ “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai” và tập huấn mô hình điểm về “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số năm 2022” tại xã Ia O, huyện Ia Grai.
Các đại biểu tham gia hội nghị đã được cung cấp những thông tin cơ bản về hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số, các quy định của pháp luật về bình đẳng giới, chuyên đề đảm bảo quyền bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trong gia đình. Hội nghị nhằm trang bị cho các đại biểu những kiến thức cơ bản về bình đẳng giới để các đại biểu chủ động, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con tại địa phương về bình đẳng giới. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong gia đình, xã hội, giảm khoảng cách về giới, góp phần vào sự phát triển, tiến bộ của vùng dân tộc thiểu số tại địa phương nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung.
Đẩy mạnh tuyên truyền về vị thế, vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong gia đình và xã hội (Ảnh: S.T) |
Trong đó, Câu lạc bộ “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai” được thành lập với mục tiêu hỗ trợ các hoạt động bình đẳng giới ở địa phương. Do vậy, câu lạc bộ cần duy trì sinh hoạt đều đặn và phải thu hút được sự tham gia của chị em phụ nữ dân tộc thiểu số. Đặc biệt phải thường xuyên thay đổi phương thức, cách thức tổ chức sinh hoạt, tăng cường tuyên truyền về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực…
Đối với hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong đồng bào dân tộc, cuối tháng 10/2022, tại TP. Pleiku, Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho gần 200 học viên là đồng bào DTTS, Người có uy tín, trưởng thôn, phó trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn và các ban, ngành đoàn thể, chức sắc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
Tại lớp tập huấn, các học viên đã được phổ biến các chuyên đề, gồm: Quy định pháp luật với hòa giải tranh chấp đất trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai; thực hiện chủ trương công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; phát huy vai trò của Người có uy tín, già làng, trưởng bản, thanh niên, chức sắc tôn giáo…
Đặc biệt, lớp tập huấn đã giới thiệu khái quát về các Chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030. Qua đó, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, Người có uy tín, chức sắc tôn giáo trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đồng thời, xây dựng các mô hình điểm giúp người dân kịp thời tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào DTTS.
Gia Lai triển khai 10 dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Ảnh: S.T) |
Vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã tổ chức giám sát kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2022 tại huyện Krông Pa. Trên địa bàn huyện Krông Pa hiện có 10 dự án được triển khai với tổng số vốn trên 49,2 tỷ đồng.
Đó là các dự án: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt; quy hoạch sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp bền vững; phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS; phát triển giáo dục và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; thực hiện hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; đầu tư phát triển nhóm DTTS còn nhiều khó khăn và truyền thông, tuyên truyền vận động trong vùng đồng bào DTTS, kiểm tra đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình.
Hiện nay, các cơ quan, đơn vị và 11 xã vẫn đang hoàn thiện công tác chuẩn bị, chưa thực hiện và giải ngân theo kế hoạch vốn được giao đối với các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc chương trình. Lãnh đạo Ban Dân tộc yêu cầu huyện Krông Pa và các xã phải tổ chức triển khai để giải ngân nguồn vốn. Các xã cần làm sẵn hồ sơ cũng như rà soát các đối tượng được hưởng, khi có hướng dẫn sẽ triển khai ngay nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân trong thụ hưởng các dự án.