Giá kim loại quý tăng tuần thứ hai liên tiếp nhờ phát huy vai trò trú ẩn
Giá kim loại quý tăng mạnh, thị trường nông sản chia hai nửa xanh đỏ Giá kim loại quý phục hồi nhờ phát huy vai trò trú ẩn an toàn Giá kim loại quý tăng nhờ phát huy vai trò trú ẩn an toàn |
Đối với nhóm kim loại quý, giá cả ba mặt hàng đều ghi nhận mức tăng hơn 2% và là tuần tăng thứ hai liên tiếp. Cụ thể, giá bạc dẫn dắt đà tăng của nhóm khi tăng 2,66%, đóng cửa tuần tại mức 23,50 USD/ounce. Giá vàng cũng tăng 2,55% lên mức 1.981,04 USD/ounce. Giá bạch kim tăng lên 905,1 USD/ounce sau khi tăng 2,36%.
Trong bối cảnh căng thẳng tại Trung Đông tiếp tục leo thang, các nhà đầu tư tăng cường tích trữ kim loại quý làm tài sản trú ẩn an toàn. Điều này đã hỗ trợ cho giá bạc và bạch kim duy trì được đà tăng từ tuần trước đó.
Ảnh minh họa |
Hơn nữa, đồng USD suy yếu cũng là yếu tố củng cố cho lực mua bạc và bạch kim trong tuần qua. Đồng USD phải chịu sức ép trước kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tạm dừng chu kỳ thắt chặt tiền tệ. Kỳ vọng này lại được thúc đẩy bởi những bình luận mang tính “ôn hòa” của các quan chức FED.
Cụ thể, mặc dù Chủ tịch FED Jerome Powell vẫn nhấn mạnh quyết tâm đưa lạm phát về mức 2%. Tuy vậy, ông cũng lưu ý rằng đà tăng mạnh của lợi suất trái phiếu gần đây đã giúp thắt chặt "đáng kể" các điều kiện tài chính tổng thể. Điều này phù hợp với phần lớn bình luận của các quan chức FED. Những quan chức này cho rằng FED có thể tạm ngừng tăng lãi suất, do lợi suất trái phiếu tăng cao sẽ khiến điều kiện tài chính bị thắt chặt và kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế.
Hiện tại, các nhà đầu tư đặt cược 100% vào khả năng FED dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11, trong khi có tới 80% khả năng FED ngừng tăng trong tháng 12, tăng từ mức 60% trong tuần trước đó, theo CME FedWatch. Theo đó, kỳ vọng về một chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn của FED đã khiến đồng USD suy yếu. Chỉ số Dollar Index giảm 0,45% xuống 106,16 điểm. Trong khi đó, kim loại quý là tài sản không mang lãi suất và được định giá bằng USD. Do vậy, kỳ vọng lãi suất tăng giảm bớt và đồng USD suy yếu là những yếu tố có lợi cho giá bạc và bạch kim.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX giảm tuần thứ ba liên tiếp khi giảm 0,22% xuống 3,56 USD/pound. Trong khi đó, giá quặng sắt nối dài đà giảm sang tuần thứ năm liên tiếp khi giảm 1,50%, đóng cửa tuần tại mức 112,57 USD/tấn. Trong những tuần gây đây, giá đồng và quặng sắt liên tục gặp sức ép do triển vọng tiêu thụ kém sắc tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới.
Trong tuần trước, đã có phiên giá đồng và quặng sắt phục hồi trong sắc xanh khi nhà đầu tư phản ứng tích cực với dữ liệu kinh tế của Trung Quốc. Cụ thể, tổng sản phẩm quốc nội quý III/2023 của Trung Quốc tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng vượt dự báo của thị trường.
Tuy vậy, dữ liệu này chỉ mang tính trấn an thị trường trong ngắn hạn. Giá đồng và quặng sắt nhanh chóng đảo chiều giảm do nhu cầu thực tế vẫn còn yếu, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, trụ cột kinh tế của đất nước và là lĩnh vực tiêu thụ một lượng lớn đồng hay quặng sắt.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ thép trầm lắng cũng là yếu tố làm giảm sức mua quặng sắt, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép. Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy, sản lượng thép thô của Trung Quốc trong tháng 9 chỉ đạt 82,11 triệu tấn, giảm 5% so với tháng 8 và giảm 5,6% so với một năm trước. Hơn nữa, các chuyên gia đã cảnh báo rằng sản lượng thép của Trung Quốc có thể tiếp tục giảm trong tháng 10, do biên lợi nhuận giảm khiến nhiều nhà máy phải giảm sản lượng.