Giá khô đậu tương tăng vọt, hé lộ nguyên nhân bất ngờ
Đà tăng của giá đậu tương bị hạn chế ở vùng kháng cự tâm lí 1300 Giá đậu tương ghi nhận chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp Giá đậu tương suy yếu sau chuỗi 4 phiên tăng giá liên tiếp |
Kết thúc tuần giao dịch 16 – 22/10, hầu hết các mặt hàng nông sản đều tăng giá nhưng diễn biến sự phân hoá rõ rệt. Các mặt hàng như ngô, lúa mì chỉ diễn biến rung lắc quanh mức giá tham chiếu trong khi khô đậu tương lại nhảy vọt tới 8,7%. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất trong gần 1 năm qua của mặt hàng này.
Ảnh minh họa |
Tại Brazil, hạn hán nghiêm trọng ở Amazon đang buộc các nhà xuất khẩu ngũ cốc phải thay đổi tuyến đường vận tải xuống các cảng phía nam thay vì các cảng phía bắc, Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) cho biết. Tuy nhiên, chỉ một khối lượng nhỏ ngô và đậu tương được chuyển sang vận chuyển theo tuyến đường phía nam nên dự báo xuất khẩu của Brazil trong cả niên vụ 23/24 vẫn được ANEC duy trì.
Trong khi đó, đợt hạn hán mùa vụ trước làm thiệt hại nghiêm trọng sản lượng khô đậu của Argentina và đã khiến xuất khẩu của Mỹ tăng đáng kể giai đoạn gần đây. Mỹ đã bán 434.675 tấn khô đậu tương niên vụ 23/24 trong tuần 06-12/10, cao gấp 7 lần so với báo cáo trước. Ngoài ra, sự xuất hiện của các đơn hàng Daily Export Sales càng củng cố cho những kết quả xuất khẩu khả quan và hỗ trợ cho giá đậu tương và khô đậu.
Dầu đậu tương là mặt hàng duy nhất của nhóm suy yếu trong tuần vừa rồi và ghi nhận tuần sụt giảm thứ 5 liên tiếp. Áp lực trái chiều với khô đậu cùng với việc Malaysia thúc đẩy xuất khẩu dầu cọ đã tạo sức ép tới giá dầu đậu.
Giá ngô ghi nhận mức tăng nhẹ nhờ triển vọng nhu cầu tại Mỹ cải thiện. Báo cáo hàng tuần của EIA cho biết, tồn kho ethanol của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tháng qua, bất chấp sản lượng tăng lên trên mốc 1 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 13/10. Tuy nhiên, lực mua đối với ngô đã bị hạn chế ở vùng kháng cự tâm lí 500.
Giá lúa mì cũng đóng cửa tuần trước với mức tăng hơn 1%, qua đó ghi nhận tuần khởi sắc thứ 3 liên tiếp trong bối cảnh nguồn cung tại các nước xuất khẩu lớn cũng đang phải đối diện với nhiều bất lợi. Tại Ukraine, chi phí sản xuất lúa mì vào năm 2023 là khoảng 146 USD/tấn trong khi giá bán trung bình chỉ đạt 102 USD/tấn. Tổn thất lớn đe dọa việc các nhà sản xuất sẽ cắt giảm diện tích gieo trồng cho vụ mùa tới.