Giá gạo Việt lập đỉnh lịch sử, lợi nhuận 'ông lớn' vẫn lao dốc
Giá gạo Việt Nam đi lên, đậu tương hướng tới tuần tăng thứ hai Giá gạo Việt cao kỷ lục, kim ngạch xuất khẩu lập đỉnh mới Giá gạo Việt Nam xuất khẩu lập đỉnh 15 năm |
Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn trong ngành lại đồng loạt báo giảm mạnh lợi nhuận.
Xuất khẩu nhiều, lợi nhuận không được bao nhiêu
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,12 triệu tấn gạo, thu về gần 4 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị xuất khẩu gạo tăng 34,9%. Kim ngạch xuất khẩu cũng chính thức lập kỷ lục lịch sử sau 34 năm gạo Việt xuất khẩu ra thế giới.
Lợi nhuận của các doanh nghiệp gạo sụt giảm mạnh (ảnh: Hoàng Hà) |
Về giá xuất khẩu, dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá gạo vào đà tăng mạnh. Hôm 1/11, gạo 5% tấm của nước ta được giao dịch ở mức 653 USD/tấn; gạo 25% tấm vọt lên 638 USD/tấn. Giá gạo lập đỉnh lịch sử, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có giá xuất khẩu đắt nhất thế giới.
Mức giá này, gạo Việt cũng vượt xa đối thủ cạnh tranh trên thị trường thế giới. Trong đó, gạo 5% tấm của Việt Nam cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan 93 USD/tấn, hơn Pakistan 90 USD/tấn. Gạo 25% tấm Việt Nam cũng cao hơn Thái Lan 118 USD/tấn, hơn Pakistan 150 USD/tấn.
So với hồi đầu năm, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước tăng 38%, gạo 25% tấm tăng mạnh 40,8%.
Đến nay, cả giá bán và kim ngạch xuất khẩu đều lập kỷ lục lịch sử.
Thời điểm cuối tháng 7 vừa qua, khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tẻ thường, nhiều chuyên gia cho rằng nguồn cung gạo trên toàn cầu thiếu hụt, giá tăng mạnh là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu, giúp nông dân và doanh nghiệp tăng thu nhập. Song, thực tế lợi nhuận của các “ông lớn” ngành lúa gạo lại chung xu hướng sụt giảm mạnh.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (LTG), doanh thu thuần trong quý III đạt 4.461 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng doanh thu mảng lúa gạo đạt 4.000 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần cùng kỳ 2022.
Thế nhưng, trong giai đoạn sốt giá gạo, LTG lại báo lỗ đến 327 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lãi gần 64 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng giám đốc LTG, cho biết, quý III có sự biến động về chi phí, đặc biệt là chi phí lãi vay và khoản lỗ do tỷ giá hối đoái... Thế nên, lợi nhuận sau thuế quý này giảm mạnh.
Tính đến hết tháng 9 năm nay, LTG có doanh thu thuần hơn 10.440 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận đạt vỏn vẹn 20 tỷ đồng, giảm 91% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở quý III vừa qua, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 11,9 tỷ đồng, tăng không đáng bao nhiêu so với mức 11,06 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, TAR ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.479 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ, song lợi nhuận chỉ đạt 12,8 tỷ đồng, giảm 75% so với cùng kỳ.
Cẩn trọng với nguồn cung gạo năm sau
Ông Phạm Thái Bình - Phó Chủ tịch HĐQT TAR - nhắc tới câu chuyện doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp khó khăn trong cơn sốt giá gạo toàn cầu.
Theo ông, số lượng và giá gạo xuất khẩu vài tháng trở lại đây tăng; song, chi phí sản xuất cũng tăng khá mạnh, các doanh nghiệp lại phải “gánh” mức lãi suất cao. Chưa kể, giá lúa gạo nội địa tăng mạnh hơn giá gạo xuất khẩu.
Thực tế, so với hồi đầu năm nay, giá lúa thường tại ruộng nay tăng 36,6%, lúa thường tại kho tăng 37,9%, gạo trắng loại tăng 1 tăng 41,5%, gạo 5% tấm tăng 49,7%, gạo 25% tấm tăng 50,8%.
Ông Bình cho biết, doanh nghiệp đang phải mua lúa tươi tại ruộng với giá 8.000-8.200 đồng/kg - mức cao nhất từ trước đến nay. Với giá này, ông tính toán giá xuất khẩu gạo sẽ phải ở mức 670-680 USD/tấn, song thực tế chỉ đạt 653 USD/tấn. Tức, doanh nghiệp nếu ký hợp đồng xuất khẩu sẽ không có lãi, thậm chí chịu lỗ.
Đây là những nguyên nhân khiến lợi nhuận doanh nghiệp ngành lúa gạo sụt giảm mạnh.
Đề cập tới giá gạo Việt tăng "nóng" tại hội thảo "Giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam" cuối tuần này, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA, thừa nhận, một số trường hợp doanh nghiệp lỗ nhiều đã hủy hợp đồng, nhất là đối với những doanh nghiệp năng lực kinh tế yếu. Trường hợp doanh nghiệp lớn đang giao hàng, để giữ chữ tín với đối tác, họ bắt buộc mua gạo giá cao gom cho đủ hàng hoàn thành hợp đồng.
“Doanh nghiệp nước ta đã quen ký các hợp đồng giao xa nên bây giờ đa phần lo mua gạo để trả đơn cho đối tác", ông cho hay. Do đó, các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi gạo sốt giá. Lượng gạo xuất khẩu tăng, doanh thu tăng nhưng lợi nhuận lại giảm.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, giá gạo Việt tăng quá cao chưa hẳn là lợi thế mà sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Doanh nghiệp không dám trữ hàng. Cùng với đó là nguy cơ mất thị trường do sức cạnh tranh của gạo Việt sẽ giảm so với các đối thủ.
Chuyên gia nghiên cứu thị trường lúa gạo Phạm Quang Diệu cho rằng, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay có khả năng đạt 8 triệu tấn. Song, ông cũng cảnh báo năm 2024 tồn kho của nước ta sẽ rất mỏng.
Vì thế, các doanh nghiệp phải hết sức thận trọng khi ký hợp đồng giao xa. Bởi, ký hợp đồng nhiều nhưng không lường được nguồn cung hạn hẹp, tín dụng khó khăn, khi giá gạo bật lên doanh nghiệp lại gặp rủi ro như năm nay, ông nhấn mạnh.