Giá đậu tương hồi phục
Nhóm hàng đậu tương “chìm trong sắc đỏ” Giá đậu tương đồng loạt tăng nhẹ Giá đậu tương lao dốc |
Đà hồi phục của giá chủ yếu đến từ lực mua kỹ thuật của thị trường, khi mà những thông tin cơ bản về nguồn cung từ Brazil vẫn đang gây áp lực lớn lên giá.
Ảnh minh họa |
Trong báo cáo Bán hàng hàng ngày (Daily Export Sales) tối qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết Mỹ đã bán đơn hàng 120.000 tấn đậu tương niên vụ 23/24 cho một nước giấu tên. Sự xuất hiện của các đơn hàng đậu tương lớn lần thứ 2 trong tuần này cho thấy sự hồi phục trong nhu cầu quốc tế đối với đậu tương Mỹ, và đã tác động “bullish” lên giá.
Ở chiều ngược lại, sự cạnh tranh của nguồn cung từ Brazil là yếu tố “bearish” chính khiến đà tăng của giá đậu tương CBOT bị thu hẹp. Cơ quan Cung ứng Mùa vụ của chính phủ Brazil (CONAB) dự báo, nước này sẽ thu hoạch mức kỷ lục 162,4 triệu tấn đậu tương trong niên vụ 23/24, tăng 5% so với niên vụ trước. Về mặt thương mại, Brazil dự kiến xuất khẩu 101,45 triệu tấn đậu tương trong niên vụ tới, cao hơn nhiều so với mức 96,9 triệu tấn của niên vụ hiện tại. Đây cũng sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử con số này vượt mốc 100 triệu tấn.
Bên cạnh đó, dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc cho thấy, nước này đã nhập khẩu 9,36 triệu tấn đậu tương trong tháng 08. Trong đó, 9,09 triệu tấn có nguồn gốc từ Brazil, và chỉ có 120.071 tấn đến từ Mỹ. So với cùng kỳ năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu nhiều đậu tương Brazil hơn khoảng 45% trong tháng vừa rồi, trong khi các lô hàng từ Mỹ giảm tới 58%. Nhu cầu nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc suy yếu cũng đã gây sức ép lên giá đậu tương CBOT.
Hai mặt hàng thành phẩm của đậu tương diễn biến trái chiều nhau trong hôm qua. Giá khô đậu tương hợp đồng tháng 12 nối tiếp đà hồi phục từ phiên trước đó và khép lại phiên hôm qua với mức tăng lên tới 1,52%, chủ yếu nhờ sự khởi sắc của giá đậu tương. Ngược lại, dầu đậu tương là mặt hàng duy nhất đóng cửa trong sắc đỏ khi giảm tới 1,66%. Sự suy yếu của giá dầu cọ và giá dầu thô đã góp phần tác động “bearish” lên giá dầu đậu.