Giá dầu tiếp tục tăng khi căng thẳng địa chính trị dai dẳng
Căng thẳng địa chính trị leo thang, giá dầu tăng tuần thứ hai liên tiếp Giá dầu diễn biến ảm đạm trong ngày nghỉ lễ ở Mỹ Giá xăng dầu hôm nay ngày 20/2/2024: Giá dầu thế giới biến động trái chiều |
Căng thẳng địa chính trị dai dẳng làm tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung toàn cầu, vẫn đang là yếu tố hỗ trợ chính cho giá.
Giá đóng cửa của dầu WTI sẽ được tính toán vào cuối ngày hôm nay. Tính đến thời điểm đóng cửa sớm vào 2h00 ngày 20/2, giá dầu WTI không thay đổi nhiều so với phiên cuối tuần trước. Trong khi đó, giá dầu Brent chốt phiên tăng 0,11% lên 83,56 USD/thùng.
Thanh khoản giao dịch thấp trong ngày Tổng thống của Mỹ khiến biến động giá tương đối trầm lắng. Tuy nhiên, thị trường dầu vẫn nhận được sự hỗ trợ trước mối lo ngại về nguồn cung, khi rủi ro địa chính trị tại Trung Đông vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Israel dự kiến sẽ tiến hành một cuộc đổ bộ lớn vào thành phố Rafah của Gaza. Trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng cho rằng một chiến dịch trên bộ ở Rafah là điều cần thiết để loại bỏ các tiểu đoàn còn lại của Hamas.
Tại Biển Đỏ, các cuộc không kích bất hợp pháp của lực lượng Houthi nhằm vào hoạt động vận tải vẫn còn tiếp diễn. Công ty an ninh hàng hải Ambrey của Anh báo cáo rằng một tàu chở hàng đăng ký ở Anh do Lebanon điều hành đã gặp sự cố ở eo biển Bab al-Mandab ngoài khơi Yemen, trong hành trình đi về hướng bắc từ Khor Fakkan ở UAE đến Varna, Bulgaria. Trước mối đe dọa từ phía nhóm phiến quân được Iran hậu thuẫn này, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã triển khai một lực lượng hải quân tới Biển Đỏ để khôi phục và bảo vệ quyền tự do hàng hải.
Trong khi đó, hoạt động lọc dầu của Nga đang bị ảnh hưởng nặng nề khi các nhà máy lọc dầu của nước này phải vật lộn với những thiệt hại do các cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Ukraine. Theo tính toán của Bloomberg, công suất lọc dầu của Nga trong tuần thứ hai của tháng 2 đạt 5,16 triệu thùng/ngày, giảm 94.000 thùng/ngày so với tuần trước và giảm 380.000 thùng/ngày so với thông lượng trung bình trong tháng 12/2023.
Thêm vào yếu tố hỗ trợ giá, thủ lĩnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Saudi Arabia duy trì tuân thủ cam kết hạn chế sản lượng. Theo dữ liệu từ Sáng kiến Dữ liệu Tổ chức Chung (JODI), sản lượng dầu thô của Saudi Arabia trong tháng 12/2023 đạt 8,944 triệu thùng/ngày, dưới mức hạn ngạch 9 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, xuất khẩu dầu thô của nước này trong tháng 12/2023 đã giảm nhẹ xuống 6,308 triệu thùng/ngày từ mức 6,336 triệu thùng/ngày trong tháng 11/2023.