Giá dầu tăng vọt 8%, có thể chạm mốc 95 USD/thùng vào cuối năm
Giá dầu tăng nhờ hy vọng về gói kích thích mới dưới thời ông Joe Biden Giá dầu tăng hơn 4% trước triển vọng OPEC+ cắt giảm nguồn cung |
Giá dầu tăng mạnh ngay ngày đầu tuần sau khi OPEC + bất ngờ tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu thô làm dấy lên nguy cơ thắt chặt nguồn cung trên thị trường, gây ra một đợt lạm phát mới cho nền kinh tế thế giới. Ngay lập tức, các nhà kinh tế đã nâng dự báo dầu Brent lên 95 USD/thùng cho tháng 12 năm nay, từ 90 USD trước đó và lên 100 USD cho tháng 12/2024.
Giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ đã tăng vọt tới 8%, mức tăng trong ngày lớn nhất trong hơn một năm và được giao dịch ở mức 79,60 USD/thùng lúc 9:44 sáng ngày 3/4/2023 theo giờ Singapore, trong khi ở các thị trường lớn hơn, đồng đô la tăng cùng với lợi suất trái phiếu kho bạc.
Nguy cơ lạm phát và suy thoái kinh tế
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga đã cam kết vào chủ nhật (2/4) sẽ thực hiện cắt giảm sản lượng từ tháng tới, vượt quá 1 triệu thùng/ngày, trong đó Ả Rập Saudi dẫn đầu với 500.000 thùng. Các thương nhân đã kỳ vọng OPEC+ sẽ giữ sản lượng ổn định. Động thái gây sốc này nằm ngoài kế hoạch dự kiến của nhóm để xem xét thị trường và nguồn cung của các thành viên.
Diễn biến giá dầu sau quyết định gây sốc của OPEC+. |
Tác động của quyết định đã nhanh chóng được cảm nhận trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Goldman Sachs Group Inc. đã nâng dự báo giá cho năm nay và năm tới, với các mốc thời gian quan trọng tăng cao hơn cho thấy kỳ vọng về nguồn cung khan hiếm hơn và một phiên giao dịch tại châu Á vốn thường yên ắng đã chứng kiến hàng trăm nghìn hợp đồng được trao tay. Giá xăng tương lai của Mỹ cũng tăng mạnh, nhấn mạnh rủi ro lạm phát sau động thái này.
Động thái bất ngờ của OPEC+ nhằm cắt giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng/ngày sẽ tác động tăng giá nhiên liệu của Mỹ ngay khi Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ khởi động chiến dịch tái tranh cử của mình.
“Biện pháp này gửi một tín hiệu khá mạnh đến thị trường rằng họ sẽ hỗ trợ giá” - Daniel Hynes - chiến lược gia hàng hóa cấp cao của Australia & New Zealand Banking Group Ltd. nói, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng, cơ hội giá dầu thô chạm mốc 100 USD/thùng một lần nữa “chắc chắn đã tăng lên”.
Ngay lập tức, Nhà Trắng cho biết quyết định của OPEC+ là thiếu sáng suốt, đồng thời bổ sung rằng Mỹ sẽ làm việc với các nhà sản xuất và người tiêu dùng tập trung vào giá xăng dầu. Năm ngoái, Tổng thống Joe Biden đã ra một quyết định chưa từng có để xả kho dự trữ dầu thô chiến lược của quốc gia sau khi xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Động thái bất ngờ của OPEC+ nhằm cắt giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng/ngày sẽ tác động tăng giá nhiên liệu của Mỹ, ngay khi Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ khởi động chiến dịch tái tranh cử của mình. |
Trước sự can thiệp bất ngờ, giá dầu thô đã hạn chế đà giảm trong quý đầu tiên tồi tệ nhất kể từ năm 2020 do tình trạng hỗn loạn của ngành ngân hàng và rủi ro suy thoái kinh tế ở Mỹ kết hợp khiến giá giảm mạnh. Tuy nhiên, nhiều người theo dõi thị trường cho biết họ mong đợi sự phục hồi trong nửa cuối năm, được củng cố bởi nhu cầu gia tăng ở Trung Quốc sau khi chính sách Zero Covid kết thúc.
Giá dầu thô đắt hơn có nguy cơ thúc đẩy lạm phát trong bối cảnh vẫn còn cao ở nhiều quốc gia phát triển, làm phức tạp thêm nhiệm vụ mà các ngân hàng trung ương phải đối mặt, bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) để kiểm chế áp lực lạm phát cao dai dẳng. FED đã tăng lãi suất một lần nữa vào tháng trước và các quan chức dự kiến sẽ họp vào tháng 5 để điều chỉnh chính sách tiền tệ.
Tin tức về việc cắt giảm làm lu mờ sự hỗ trợ cho thị trường từ một thỏa thuận giữa khu vực người Kurd bán tự trị của Iraq và chính phủ liên bang để tiếp tục xuất khẩu dầu qua Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần này. Việc gián đoạn nguồn cung đã giúp WTI tăng hơn 9% vào tuần trước.
“Động thái của OPEC+ có khả năng đẩy thị trường vào tình trạng thâm hụt trong quý II so với kỳ vọng thặng dư trước đó” - Vandana Hari, người sáng lập Vanda Insights tại Singapore cho biết. Vandana Hari cũng nhấn mạnh thêm, giá cao hơn có thể làm giảm một số nhu cầu, cũng như làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát dai dẳng mà các ngân hàng trung ương đang cố gắng chống lại, làm tăng thêm rủi ro suy thoái kinh tế.
Thấy gì đằng sau quyết định gây sốc?
Động thái vào hôm qua, được công bố một ngày trước khi Ủy ban giám sát OPEC+ họp, là một cách chưa từng có để quyết định chính sách cho tổ chức này, vốn đã phải thích nghi trong những năm gần đây trước cú sốc về nhu cầu trong đại dịch và bây giờ là xung đột ở Ukraine và hậu quả của các biện pháp trừng phạt.
Trước đó vào hôm thứ Sáu (31/3), các thành viên của OPEC+ đã chỉ ra một cách riêng tư rằng không có ý định thay đổi sản lượng của họ.
Dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng vào tháng trước do tình trạng hỗn loạn do cuộc khủng hoảng ngân hàng gây ra, nhưng giá đã phục hồi khi tình hình có dấu hiệu ổn định. Dầu thô Brent, tiêu chuẩn quốc tế, đóng cửa ngay dưới 80 USD/thùng vào ngày 31/3, tăng 14% so với mức đáy của tháng Ba.
Nhưng mức giá này có thể không đủ cao cho tất cả các thành viên của tổ chức dầu mỏ này. Trở lại vào tháng 10 năm ngoái, lần cuối cùng họ thực hiện một đợt cắt giảm lớn khiến người tiêu dùng sửng sốt, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Dầu mỏ Nigeria Timipre Sylva cho biết họ “muốn giá khoảng 90 USD”.
Một giàn khoan dầu tại Iraq |
Về phần mình, Ả Rập Xê Út đang bắt đầu một khoản chi tiêu khổng lồ lên tới hàng nghìn tỷ USD để biến nền kinh tế của đất nước này thành một điểm nóng du lịch và trung tâm kinh doanh, dịch vụ toàn cầu. Mặc dù phần lớn chi tiêu đó được thúc đẩy bởi một số quỹ đầu tư quốc gia có thể không được hưởng lợi trực tiếp từ giá dầu thô cao hơn, nhưng các quan chức chính phủ cho biết họ sẽ sử dụng thặng dư để giúp đẩy nhanh đầu tư trong nước.
Helima Croft - người đứng đầu chiến lược hàng hóa của RBC Capital Markets LLC, cho biết: “Chúng tôi thấy quyết định này chỉ là một dấu hiệu nữa cho thấy lãnh đạo Ả Rập Xê Út đang đưa ra quyết định sản xuất dầu của mình với cái nhìn rõ ràng về lợi ích kinh tế của chính họ”.
Việc giảm nguồn cung thực tế có thể thấp hơn khối lượng được công bố là khoảng 1,6 triệu thùng mỗi ngày, với giả định rằng OPEC+ giữ nguyên mức tham chiếu hiện tại cho việc cắt giảm.
Hầu hết các thành viên OPEC+, như Iraq và Kazakhstan, đã sản xuất thấp hơn đáng kể so với hạn ngạch hiện tại của họ do phải đối mặt với tình trạng thiếu đầu tư và gián đoạn hoạt động, do đó có thể không cần phải thực hiện thêm các biện pháp hạn chế. RBC's Croft ước tính việc cắt giảm sẽ lên tới khoảng 700.000 thùng mỗi ngày từ các thành viên chủ chốt trong OPEC./.