Giá dầu phục hồi nhờ triển vọng nhu cầu tích cực
Giá dầu WTI chấm dứt chuỗi 2 phiên giảm liên tiếp khi tăng 0,58% lên 82,79 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent tăng 0,61% lên 84,58 USD/thùng.
Ảnh minh họa |
Theo Reuters trích dẫn từ 3 nguồn tin của Tổ chức các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), OPEC đã nâng triển vọng nhu cầu dầu trong trung và dài hạn trong Báo cáo Triển vọng Dầu Thế giới năm 2023 vào ngày 9/10 sắp tới, nhấn mạnh quan điểm lạc quan của nhóm về triển vọng nhu cầu dầu so với dự báo của các tổ chức khác. Nhu cầu dầu cao hơn sẽ là động lực để các nhà sản xuất và 13 quốc gia OPEC tiếp tục đầu tư. Ngoài ra, nguồn tin cho biết thêm nhu cầu dầu đã cho thấy khả năng phục hồi tốt trong 18 tháng qua bất chấp giá dầu tăng cao.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Xinhua, lượng du lịch vào dịp Trung thu và Quốc khánh của Trung Quốc đã tăng 71,3% so với năm trước và tăng 4,1% so với năm 2019 lên 826 triệu chuyến đi. Hoạt động du lịch duy trì mạnh mẽ sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, củng cố đà phục hồi của giá dầu.
Hơn nữa, Ngân hàng JPMorgan đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc lên 5% trong năm 2023 do các chỉ số kinh tế dần cải thiện kể từ tháng 8 và nền kinh tế bắt đầu phục hồi. Điều này là nhờ các biện pháp chính sách hỗ trợ gần đây của Bắc Kinh, làm gia tăng kỳ vọng về nhu cầu tích cực tại quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn thứ 2 thế giới.
Về phía nguồn cung, theo dữ liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 6/10 đã giảm 5 giàn xuống mức thấp nhất 20 tháng là 497 giàn. Số giàn khoan tại Mỹ liên tục giảm, làm dấy lên lo ngại về khả năng gia tăng sản lượng của Mỹ trong việc bù đắp cho sự thiếu hụt của thị trường.
Hơn nữa, rủi ro nguồn cung thắt chặt ngày càng gia tăng khi tập đoàn năng lượng Mỹ, Valero Energy, mới đây đã đóng cửa các đơn vị liên quan sau vụ cháy cục bộ tại hệ thống máy nén H2 với công suất 290.000 thùng/ngày Corpus Christi tại nhà máy lọc dầu West Plant ở Texas.
Về yếu tố vĩ mô, sự suy yếu của đồng USD cũng đã hỗ trợ giá dầu trong phiên hôm qua. Chỉ số Dollar Index nối dài đà giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp khi giảm 0,27% xuống 106,04 điểm do thị trường lạc quan về chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong thời gian tới. Điều này một phần là do dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy tốc độ tăng trưởng tiền lương có dấu hiệu chậm lại. Cụ thể, tăng trưởng tiền lương của Mỹ trong tháng 9 đạt mức 0,2% so với tháng trước, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo của các chuyên gia kinh tế.