Gấp rút tái cơ cấu ngành lúa gạo
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: CAO THĂNG
Nông dân hết... động lực
Những thành tựu trong cải thiện năng suất và tăng sản lượng đã đưa Việt Nam từ một nước nhập khẩu gạo trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Hiện nay, Việt Nam chiếm hơn 20% tổng lượng gạo xuất khẩu trên thế giới. Xuất khẩu gạo tăng không những góp phần đóng góp tăng trưởng kinh tế mà còn tăng vị thế chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế. Mặc dù đạt được các thành tựu quan trọng, thời gian gần đây ngành lúa gạo Việt Nam đang phải đương đầu với nhiều khó khăn thách thức to lớn:
Thứ nhất, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo của Việt Nam còn thấp: tăng trưởng sản xuất lúa gạo trong thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng và có xu hướng giảm dần, chất lượng gạo chưa cao, hoạt động chế biến sâu còn hạn chế. Thứ hai, thu nhập của nông dân trồng lúa còn thấp, không tương xứng so với các tác nhân khác tham gia kinh doanh lúa gạo và do đó, không tạo động lực để người nông dân đầu tư phát triển sản xuất lúa gạo. Thứ ba, sản xuất lúa gạo gây ra nhiều tác động tiêu cực tới môi trường do sử dụng nhiều tài nguyên và lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu trong thâm canh.
Một trong những nguyên nhân quan trọng của các hạn chế trên là do thể chế và chính sách liên quan đến ngành lúa gạo thay đổi chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu khách quan trong phát triển ngành lúa gạo. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh lúa gạo, đặc biệt trong xuất khẩu và tiêu thụ nội địa chưa tạo sân chơi bình đẳng cho các tác nhân. Nông dân sản xuất nhỏ lẻ yếu thế; vai trò của HTX hạn chế; các doanh nghiệp chủ yếu tham gia khâu cuối của chuỗi giá trị, không gắn bó, ít quan tâm đến lợi ích của nông dân.
Hiệp hội lương thực chưa đại diện cho tất cả tác nhân sản xuất và kinh doanh trong chuỗi giá trị lúa gạo. Do đó, cải cách thể chế là cần thiết để phát triển chuỗi giá trị ngành hàng, khuyến khích và thu hút đầu tư tư nhân nhằm tạo ra bước phát triển mới mang tính bước ngoặt cho ngành lúa gạo trong thời gian tới.
Chưa tạo sân chơi bình đẳng
Nghị định 109/NĐ-CP/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo quy định doanh nghiệp muốn kinh doanh xuất khẩu gạo phải đảm bảo ít nhất 2 điều kiện cần: (i) Có ít nhất 1 kho chuyên dùng dự trữ tối thiểu 5.000 tấn lúa; (ii) Sở hữu ít nhất 1 cơ sở xay xát thóc với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ tại tỉnh, thành phố có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển xuất khẩu thóc, gạo. Nghị định này dẫn đến xu hướng sàng lọc chỉ còn doanh nghiệp lớn ngày càng có quyền lực, loại bỏ doanh nghiệp nhỏ không đáp ứng đủ điều kiện đề ra về năng lực kho bãi và xay xát, mà không tính tới doanh nghiệp xuất khẩu có giá trị và chất lượng cao.
Mặt khác, theo quy định, gạo xuất khẩu được áp thuế giá trị gia tăng (VAT) 0% trong khi gạo sản xuất, tiêu dùng trong nước phải chịu mức thuế suất 5%. Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, lượng gạo tiêu thụ trong thị trường nội địa bị áp thuế VAT 5% chỉ chiếm khoảng 15% lượng gạo sản xuất, phần còn lại qua kênh thương lái trôi nổi không chịu thuế. Điều đó dẫn đến việc doanh nghiệp có đầu tư với nông dân làm gạo chất lượng cao cho thị trường nội địa phải trả thuế VAT đầy đủ, rất khó cạnh tranh với thương lái và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chất lượng kém hơn.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) được tổ chức theo mô hình liên kết ngang, tập hợp các nhà chế biến và kinh doanh xuất khẩu gạo. VFA có quyền lực và ảnh hưởng rất lớn đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại và xuất khẩu của ngành hàng giữ vị trí số 1 của Việt Nam, với 98% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước do hội viên của VFA thực hiện, được Chính phủ trực tiếp giao nhiệm vụ triển khai các chính sách của Nhà nước, quản lý ngành hàng để đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực. VFA được giao nhiều quyền đối với việc quản lý xuất khẩu như có quyền phân bổ 80% khối lượng gạo xuất khẩu theo hợp đồng tập trung giữa các hội viên, công bố giá hướng dẫn (giá sàn) để doanh nghiệp làm cơ sở đàm phán và ký kết hợp đồng, giám sát theo dõi tiến độ và cập nhật số liệu thống kê báo cáo các bộ ngành liên quan, tham gia quá trình thực hiện chương trình mua tạm trữ... Trong khi đó, VFA đã bỏ qua một số vai trò quan trọng như xây dựng chiến lược phát triển ngành hàng, quảng bá thương hiệu, phát triển nguồn cung trong nước, mở rộng hội viên nhằm kết nối hợp tác và phát triển theo chuỗi giá trị ngành hàng hiệu quả hơn...
Đổi mới chính sách, cải cách thể chế
Do chỉ tập trung khâu xuất khẩu nên thời gian qua VFA hướng hội viên vào mua bán qua trung gian thương lái hơn là đầu tư dài hạn cho nông dân để phát triển vùng sản xuất chuyên canh. Về thực hiện chính sách thu mua tạm trữ, thực tế khảo sát ở nhiều địa phương cho thấy hiệu quả của chính sách thu mua tạm trữ chưa cao. Người được hưởng lợi từ chính sách thu mua tạm trữ không phải là nông dân, mà là các thương lái, thu mua với giá rẻ và bán với giá cao.
Trong ngành lúa gạo, một số chuỗi liên kết gắn kết từ cung ứng đầu vào, sản xuất với tiêu thụ, như mô hình cánh đồng lớn đã được hình thành. Tuy nhiên, kinh tế hợp tác trong ngành lúa gạo còn chậm phát triển. Diện tích cánh đồng lớn chỉ chiếm dưới 5% diện tích canh tác lúa. Các tổ chức kinh tế hợp tác thì không thu hút được sự tham gia tích cực của nông dân, chủ yếu chỉ cung cấp dịch vụ tưới tiêu, đóng vai trò nhỏ trong liên kết nông dân - doanh nghiệp.
Để cải thiện môi trường kinh doanh trong ngành hàng lúa gạo, cần đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị, hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn tốt đầu tư đổi mới trang thiết bị, xây dựng thương hiệu, chuyển hẳn từ buôn bán trao tay sang xây dựng hợp đồng đối tác đầu tư với các nhà nhập khẩu. Về phân bổ các hợp đồng Chính phủ, cần áp dụng hình thức đấu thầu cạnh tranh để tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Về thuế VAT, nên lựa chọn 2 chính sách để bảo đảm công bằng và nâng cao chất lượng và giá trị lúa gạo: Áp mức thuế VAT giống nhau là 0% đối với gạo xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Giữ nguyên mức thuế suất VAT 5% đối với gạo tiêu dùng trong nước và áp thuế suất VAT 5% hoặc thu phí đối với gạo xuất khẩu. Sử dụng phí thu được từ xuất khẩu gạo để đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kho chứa, triển khai nhân rộng mô hình cánh đồng lớn. Các cơ quan quản lý nhà nước phải tạo sự công bằng đối với các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị.
“Khuyến khích và hỗ trợ phát triển các HTX kiểu mới, gắn kết sản xuất và kinh doanh lúa gạo nhằm tập hợp nông dân. HTX đóng vai trò đại diện cho nông dân ký hợp đồng, liên kết với doanh nghiệp; tổ chức các dịch vụ như cung ứng vật tư nông nghiệp, dịch vụ bảo vê%3ḅ thực vâ%3ḅt, tạm trữ; tìm đầu ra sản phẩm nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho từng hộ nông dân”. |
Theo SGGP