Đưa khoai lang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Vĩnh Long được xem là vựa khoai lang của miền Tây, tập trung nhiều nhất ở huyện Bình Tân với diện tích hằng năm hơn 10.000ha, sản lượng trung bình 300.000 tấn; hiện có 220ha đã đạt chứng nhận VietGAP.
Thu hoạch khoai lang ở Vĩnh Long. |
Theo ông Nguyễn Văn Tập - Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, nông dân trồng khoai đang từng bước thay đổi từ canh tác truyền thống sang ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác.
Từ trước đến nay, thị trường xuất khẩu lớn của khoai lang là Trung Quốc nhưng chủ yếu qua đường tiểu ngạch, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho cả nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu… |
Để được xuất khẩu (XK) chính ngạch, điều kiện tiên quyết là phải thiết lập, xây dựng được các mã số vùng trồng và xây dựng các cơ sở đóng gói phù hợp với yêu cầu của nước nhập khẩu. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp mã số cho 8 vùng trồng khoai đạt yêu cầu với diện tích hơn 215ha.
“Huyện cũng đang tiếp tục phối hợp với Chi cục để bổ sung, hoàn thiện thêm các vùng trồng mới trong thời gian tới. Đối với các cơ sở đóng gói, các doanh nghiệp (DN) cũng đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng để đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn quy định” - ông Nguyễn Văn Tập nói.
Hiện nay nhiều DN, hợp tác xã, bà con nông dân đang có nhu cầu được chứng nhận về chỉ dẫn, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói… cho khoai lang theo yêu cầu của phía thị trường Trung Quốc. |
Ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Vĩnh Long cho biết: Địa phương có vùng sản xuất khoai lang lớn nhưng đến nay đã qua nhiều lần đàm phán vẫn chưa được XK chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
“Hiện nay nhiều DN, hợp tác xã, bà con nông dân đang có nhu cầu được chứng nhận về chỉ dẫn, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói… cho khoai lang theo yêu cầu của phía thị trường Trung Quốc. Bộ NN&PTNT cũng đang hỗ trợ tích cực, kiến nghị Bộ tiếp tục hỗ trợ xúc tiến mạnh hơn để mặt hàng này sớm được XK chính ngạch sang Trung Quốc” - ông Nguyễn Văn Liêm nói.
Để khoai lang được XK chính ngạch, người trồng khoai cần đáp ứng nhiều điều kiện. |
Theo ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, thời gian qua Cục đã rất tích cực, phối hợp với tỉnh Vĩnh Long và một số tỉnh khác trồng khoai lang để có toàn bộ hồ sơ về mặt kỹ thuật theo đúng yêu cầu của cơ quan hải quan Trung Quốc, nhiều lần trao đổi, bổ sung để hoàn thiện. Tuy nhiên, quy trình gặp chút khó khăn do phía Trung Quốc thay đổi liên tục về đầu mối…
“Họ cũng đã hứa trong tháng 4/2022 sẽ trả lời dứt khoát về hồ sơ kỹ thuật, sau đó sẽ ký nghị định thư, tiến tới XK chính ngạch cho sản phẩm này” - ông Hoàng Trung nói và lưu ý rằng, trong nội dung nghị định thư bắt buộc phải có cơ sở đóng gói và mã số theo đánh giá tiêu chí của phía Trung Quốc, địa phương phải chuẩn bị để sẵn sàng.
Nông dân cần áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. |
Để khoai lang được XK chính ngạch, người trồng khoai cần đáp ứng nhiều điều kiện như: Ghi chép thông tin sản xuất (nhật ký canh tác); Tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo không sử dụng các loại thuốc mà nước nhập khẩu cấm sử dụng; Áp dụng quy trình sản xuất GAP…
Ông Sơn Văn Luận - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Thanh Ngọc (xã Tân Thành, huyện Bình Tân) cho biết, nông dân sẵn sàng tiếp thu và làm những việc cần làm để khoai lang Bình Tân xuất sang được các thị trường khó tính.
“Chúng tôi cần sự hướng dẫn trong toàn bộ quy trình trồng khoai để sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất. Nâng cao giá trị khoai lang cũng là giấc mơ của nhiều nông dân ở đây” - ông Sơn Văn Luận nói.