Du xuân rộn ràng với các lễ hội mùa xuân từ Bắc vào Nam
Đầu năm đi lễ hội là một truyền thống tốt đẹp của người Việt, đi để tận hưởng khoảng thời gian nghỉ ngơi bên gia đình, bạn bè, kết hợp cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp cho một năm mới.
Trong tiết trời khoe sắc rực rỡ của những ngày đầu năm, sẽ thật tuyệt nếu vừa được du xuân thưởng cảnh, vừa khám phá văn hóa vùng miền đặc sắc qua các lễ hội nhộn nhịp từ Bắc vào Nam.
Lễ hội chùa Hương
Lễ hội Chùa Hương khai hội từ mùng 6 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 Tết Âm lịch hàng năm, là một trong những lễ hội Phật giáo lớn nhất Việt Nam, thu hút đông đảo du khách thập phương đến hành hương mỗi dịp đầu năm mới.
Lễ hội Chùa Hương khai hội từ mùng 6 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 Tết Âm lịch hàng năm. |
Ngoài việc là điểm đến cầu mong những điều may mắn trong năm mới, lễ hội Chùa Hương còn là dịp để nhiều người đến vui chơi, nghỉ ngơi, đắm mình trong không gian núi rừng thiên nhiên mênh mông, lấy năng lượng để bắt đầu một năm mới nhiều thành công.
Đến hội Chùa Hương, du khách sẽ tham quan các điểm: bến Đục, suối Yến, đền Trình, núi Ngũ Nhạc, chùa Thiên Trù, động Hương tích, suối Giải Oan, đền Cửa Vòng…
Hội Khai ấn đền Trần
Lễ hội Khai ấn đền Trần là lễ hội mùa xuân nổi tiếng Việt Nam, diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng Âm lịch hàng năm tại Khu di tích đền Trần thuộc phường Lộc Vương, Nam Định, thu hút du khách thập phương đến tham gia với mong muốn một năm mới phát tài, thành đạt.
Lễ hội Khai ấn đền Trần là lễ hội mùa xuân nổi tiếng Việt Nam, diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. |
Hội bắt đầu với lễ khai ấn, diễn ra vào giờ Tý, phát ấn tại 3 nhà: nhà trưng bày đền Trùng Hoa, nhà Giải Vũ và một điểm trong khu vực vườn cây thuộc đền Trần. Sau đó, hội còn nhiều nghi thức quan trọng như rước nước, tế cá, nhiều hoạt động truyền thống như hát chèo, mùa rồng, hát chầu văn, đấu vật… hấp dẫn, thú vị.
Lễ hội Yên Tử
Hội Yên Tử là lễ hội diễn ra từ ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch, kéo dài đến hết mùa xuân hàng năm. Du khách, Phật tử đến Yên Tử để hành hương làm lễ cầu bình an, sung túc, kết hợp du xuân vãn cảnh, thưởng ngoạn tiết trời xuân, cảm nhận sự thanh tịnh, nhẹ nhàng, bình an trong tâm hồn.
Phật tử đến Yên Tử để hành hương làm lễ cầu bình an, sung túc. |
Du khách có thể được tham gia, theo dõi nhiều hoạt động như Bái Tổ Trúc Lâm, lễ dâng hương cúng Phật, múa Rồng Lân, võ thuật cổ truyền, trò chơi dân gian… trong lễ hội Yên Tử.
Lễ hội đền Đức Thánh Trần
Lễ hội đền Đức Thánh Trần diễn ra từ ngày mùng 8 đến ngày 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, tại số 36 đường Võ Thị Sáu, phường Tân Định, là một trong những lễ hội tâm linh lớn nhất ở TP. Hồ Chí Minh, nhằm tri ân công đức giữ nước, bảo vệ giang sơn và đồng bào của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Đông đảo du khách thập phương tấp nập về Đền thờ Đức Thánh Trần dự lễ hội đầu Xuân. |
Đông đảo du khách thập phương tấp nập về Đền thờ Đức Thánh Trần dự lễ hội đầu Xuân, cầu mong sức khỏe, bình an cho người thân và gia đình, xem các nghi thức tế lễ trang trọng, các hoạt động phần hội như múa lân, khai kinh đầu năm, biểu diễn hòa tấu nhạc cụ dân tộc, hát chầu văn…
Lễ hội núi Bà Đen
Lễ hội đền Bà Đen ở Tây Ninh diễn ra từ mùng 4 Tết và kéo dài suốt tháng Giêng Âm lịch, nhưng thường bắt đầu từ chiều 30 Tết cho đến hết tháng Giêng Âm lịch, du khách thập phương đã đổ về đây lễ bái. Đây là một trong những lễ hội mùa xuân lớn nhất ở khu vực phía nam, đón hàng triệu du khách đổ về mỗi dịp đầu xuân.
Du khách đến lễ hội núi Bà Đen có thể tới dâng hương, cầu bình an, may mắn. |
Du khách đến lễ hội núi Bà Đen có thể tới dâng hương, cầu bình an, may mắn cho bản thân, gia đình, kết hợp ngắm phong cảnh hùng vĩ, tận hưởng không khí trong lành của tiết trời xuân.
Hội Lim - Bắc Ninh
Diễn ra ngay tại vùng Kinh Bắc từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng Âm lịch hằng năm, trong đó ngày 13 là chính hội với hoạt động dâng cúng diễn ra long trọng. Trẩy hội vào dịp này, bạn sẽ tận mắt chiêm ngưỡng một không gian văn hóa đậm chất truyền thống, chỉn chu và thanh lịch của người dân xứ Kinh Bắc. Từ cách phục sức cầu kỳ áo mớ bảy mớ ba, nón ba tầm, quai thao, dải yếm lụa sồi, những ô lục soạn, khăn đóng,... cùng những làn dân ca quan họ ngân nga theo vần điệu mượt mà,... tất cả đều phảng phất hơi thở truyền thống dân tộc đáng tự hào.
Trẩy hội vào dịp này, bạn sẽ tận mắt chiêm ngưỡng một không gian văn hóa đậm chất truyền thống, chỉn chu và thanh lịch của người dân xứ Kinh Bắc. |
Trung tâm của hội Lim là chùa Lim - nơi thờ ông Hiếu Trung Hầu, người khơi nguồn tục hát quan họ. Bắt đầu bằng một lễ rước với đoàn người mặc lễ phục thời xưa màu sắc sặc sỡ, hội Lim sẽ diễn ra với lần lượt các nghi thức rước, tế lễ thành hoàng, dâng hương và các trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm,... và chắc không thể thiếu phần đặc sắc nhất là hát hội, đối đáp bằng những lời ca Quan họ.
Lễ hội đua thuyền truyền thống - Lăng Cô, Huế
Theo thông lệ hàng năm vào mùng 6 Tết, làng chài An Cư Đông, thị trấn Lăng Cô sẽ tổ chức lễ cầu ngư và đua thuyền truyền thống. Đây là lễ hội đã gắn bó với dân làng từ lâu đời với ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, vụ mùa bội thu. Sau hồi trống khai cuộc, các đội thi đấu sẽ xuất phát và trải qua 3 vòng thi đấu, 6 tráo với tổng chiều dài đường đua gần 6km.
Đây là lễ hội đã gắn bó với dân làng từ lâu đời với ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, vụ mùa bội thu |
Cố Đô Huế vốn đã nổi tiếng là cái nôi bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc. Vậy nên việc duy trì lễ hội đua thuyền không chỉ là hoạt động khích lệ tinh thần của ngư dân bản xứ, mà còn là dịp thu hút khách du lịch đến tận hưởng không khí lễ hội và chứng kiến những màn thi đấu sôi nổi, hùng tráng của người dân làng chài.
Mỗi lễ hội tại các địa phương đều chứa đựng bề dày văn hóa, lịch sử và những huyền thoại được ghi nhớ, tôn thờ. Chính vì vậy, du xuân những dịp sự kiện lễ hội, không chỉ tầm mắt được chiêm ngưỡng bởi quy mô tổ chức hoành tráng mà còn được mở mang thêm nhiều hiểu biết về nguồn cội.