Những doanh nhân thành công và mối lương duyên với nghề giáo
Bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch HĐQT VNDirect
Nữ Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam - VNDirect từng có khoảng thời gian gắn bó với giảng đường, bụi phấn và bảng đen. Năm 1986, sau khi tốt nghiệp Thạc kỹ Hệ thống thông tin của Đại học Bách khoa Kiev (Liên Xô cũ), trở về nước, bà Hương được ban giám hiệu tin tưởng và tín nhiệm giao nhiệm vụ đứng lớp tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông với mức lương 105.000 đồng/tháng.
Chủ tịch HĐQT VNDirect từng đứng lớp tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông |
Tuy thu nhập không cao so với nữ doanh nhân sinh năm 1966, nhưng chắc hẳn đó là quãng thời gian chứa đựng niềm tự hào lớn nhất trong quá trình phát triển sự nghiệp của bà.
Hai năm sau, bà Hương chuyển hướng từ môi trường giáo dục sang đầu tư kinh doanh, và lập tức cho thấy tài năng thiên bẩm trên thương trường của mình. Chỉ sau 6 tháng làm việc tại Citibank N.A (năm 1995), bà Phạm Minh Hương từ một người tay ngang đã được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc kinh doanh tiền tệ và thị trường tài chính của ngân hàng này, với thời hạn lên tới 7 năm (năm 2002).
Sau đó, bà mang theo những kinh nghiệm và kỹ năng được trau dồi tại Citibank, để gia nhập Công ty Chứng khoán Sài Gòn (tiền thân của Công ty Chứng khoán SSI) với cương vị Tổng giám đốc và ghi dấu ấn với những đóng góp to lớn vào sự phát triển của doanh nghiệp.
Năm 2006, bà Hương cùng cộng sự thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Tài chính IPA (Tập đoàn Đầu tư IPA ngày nay) và sau đó là Công ty Chứng khoán VNDirect, hai thành quả rực rỡ nhất của bà bước trên con đường kinh doanh độc lập.
Không thể phủ nhận quy mô và sức ảnh hưởng của Tập đoàn Đầu tư IPA và VNDirect ngày hôm nay, họ là minh chứng sống cho khả năng "chèo lái" của nữ doanh nhân Phạm Minh Hương đã vượt qua những tháng năm khủng hoảng tồi tệ nhất như năm 2008, để có thể sở hữu một vị trí long trọng trên thương trường Việt Nam.
Thủ lĩnh Vinaconex - ông Đào Ngọc Thanh
Đương kim Chủ tịch HĐQT Vinaconex là nhà giáo kỳ cựu hiếm có trong giới kinh doanh nước ta. Xuất thân từ sinh viên Đại học Xây dựng, năm 1971, dù đã tốt nghiệp nhưng ông Đào Ngọc Thanh vẫn giành trọn tình cảm cho mái trường thân thương, ông quyết định ở lại đóng góp vào sự phát triển của Đại học Xây dựng trên vai trò là người "cầm phấn" thêm 30 năm nữa.
Ông Đào Ngọc Thanh và 30 năm nặng lòng với nghề giáo |
Người thầy của hàng chục nghìn sinh viên Đại học Xây dựng không chỉ làm tốt công việc giảng dạy, nghiên cứu mà luôn sẵn sàng đồng hành với các nhà thầu, doanh nghiệp xây dựng trong phát triển dự án nhờ kiến thức và kỹ năng chuyên môn sâu rộng.
Năm 2003, Chủ tịch Vihajico - doanh nhân Lương Xuân Hà đã thuyết phục thành công nhà giáo Đào Ngọc Thanh sang thử sức với lĩnh vực quản trị kinh doanh, ngay tại Vihajico, nơi đặt nền móng cho sự phát triển như vũ bão của Tập đoàn Ecopark ngày nay. Đó là sự kiện quan trọng để khai sinh ra "siêu dự án" Ecopark - khu đô thị sinh thái lớn nhất phía Đông Hà Nội.
Năm 2018, ông Thanh được bầu làm Chủ tịch HĐQT Vinaconex, sau khi cổ đông nhà nước thoái toàn bộ vốn và nhóm tiếp quản mới là An Quý Hưng. Thủ lĩnh của Vinaconex đã thể hiện bản lĩnh và sự cứng cỏi, cũng như kinh nghiệm quý báu trong ngành xây dựng để phát triển và nâng tầm Vinaconex trở thành nhà thầu dẫn đầu thị trường ngày hôm nay.
Vinaconex là nhà thầu thực hiện hàng loạt dự án lớn nhỏ khắp cả nước, từ các công trình giao thông trọng điểm đến các khu du lịch, nghỉ dưỡng ở vị trí đắc địa tại tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội...
Shark Đỗ Thị Kim Liên
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm trong ngành giáo dục, ban đầu, bà Đỗ Thị Kim Liên cũng theo nghề giáo như định hướng của gia đình. Tuy nhiên, nữ doanh nhân nhận ra, dù ghề giáo rất cao quý nhưng không cho bà cơ hội được sáng tạo nhiều. Do đó, bà quyết định bỏ nghề giáo để dấn thân vào kinh doanh.
Xuất thân là nhà giáo, Shark Đỗ Thị Kim Liên rất hứng thú với những startup gọi vốn cho giáo dục |
Trong chương trình Shark Tank Việt Nam, Shark Đỗ Thị Kim Liên cũng nhiều lần nói về xuất thân nhà giáo của mình và bày tỏ sự hứng thú đối với những startup gọi vốn đầu tư cho những dự án đầu tư liên quan đến giáo dục.
Năm 2005, bà Liên lập ra Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA và từng bước đưa AAA phát triển với doanh thu lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Đến năm 2013, khi đang ở giai đoạn đỉnh cao, bà Liên bất ngờ chuyển nhượng cổ phần cho Tập đoàn Insurance Australian Group (IAG) của Australia.
Đến cuối tháng 10/2018, bà Đỗ Thị Kim Liên quay trở lại thị trường bảo hiểm bằng việc ra mắt ứng dụng bảo hiểm tự động LIAN.
Hiện tại ngoài lĩnh vực bảo hiểm, bà Liên còn đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như: Chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne, Chủ tịch HĐQT Công ty nước mặt sông Đuống, Hiệu trưởng trường Đào tạo Quản lý doanh nghiệp (CBAM).
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT
Ông Trương Gia Bình sinh năm 1956, hiện là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT. Xuất phát điểm là một nhà nghiên cứu với tấm bằng tiến sĩ toán lý tại Nga, ông Bình công tác tại Viện Cơ học, thuộc Viện Khoa học Việt Nam năm 1982. Giai đoạn 1983 - 1989, ông công tác tại các viện nghiên cứu tại Nga và Đức.
Ông Trương Gia Bình sở hữu học vị "khủng", là tiến sĩ toán lý từng tu nghiệp tại Nga |
Tuy nhiên, với mong muốn phải vươn lên làm giàu, năm 1988, ông Bình đã quyết định dấn thân vào con đường kinh doanh với việc thành lập Công ty FPT cùng 13 thành viên.
Dù đã bén duyên với kinh doanh nhưng "duyên nợ" của Chủ tịch Trương Gia Bình với sự nghiệp giáo dục chưa dừng lại. Ông Trương Gia Bình được xem là người có công lớn đối với việc thành lập Khoa Quản trị kinh doanh (HSB) trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Khoa được thành lập từ năm 1995 là một địa chỉ đào tạo MBA quen thuộc và có uy tín tại Việt Nam.
Năm 2006, công ty của ông Bình đã mở trường Đại học FPT, trường đại học tư nhân đầu tiên của Việt Nam do ông nắm giữ cương vị chủ tịch HĐQT. Ông cũng tham gia vào hoạt động giảng dạy. Một số môn học ông trực tiếp đứng lớp là môn: Nghệ thuật lãnh đạo, văn hóa doanh nghiệp...