Di sản của nhà giáo
Cách đây mấy tháng, ngành giáo dục tỉnh Điện Biên tổ chức kỷ niệm 60 năm, thầy lên dự. Trong bộ phim tài liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên chiếu tại buổi lễ, có phần chia sẻ của thầy và của mình. Thật vinh dự lắm.
Đã gần 65 năm trôi qua, hôm nay không mấy người còn nhớ về thầy, thậm chí nhiều học sinh tại Điện Biên - Lai Châu cũng không hề biết rằng mảnh đất cực Tây tổ quốc này là nơi đã xuất hiện người anh hùng đầu tiên của ngành giáo dục được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng.
Anh hùng Lao động, Thầy giáo Nguyễn Văn Bôn |
Người thầy ấy bình dị đến nỗi hàng xóm, láng giềng của ông ở Hải Phòng còn chẳng để ý rằng đấy là Anh hùng Lao động và tấm bằng Anh hùng không hề được đóng khung treo trang trọng ở nhà, mà cuộn lại cất trong túi bóng. Hôm đến thăm, tôi hỏi: “Ông ơi sao ông không ép hay lồng khung treo lên chứ để thế này sẽ hỏng hết. Ông là người Anh hùng đầu tiên của "nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý" đấy”. Ông chỉ cười không nói gì... Hẳn là ông nghĩ, những cống hiến, hy sinh của mình chỉ đơn giản là một lẽ sống chứ không thể hiện bằng bất cứ danh hiệu nào.
Với người thầy giáo già ấy, di sản ông để lại không chỉ là một xã vùng cao đầu tiên xóa mù chữ cách đây hơn 60 năm; không chỉ là mô hình nuôi học sinh đầu tiên tại nhà dân được duy trì đến tận bây giờ; không chỉ là nhiều học trò thành đạt, đóng góp cho xã hội; không chỉ là thay đổi nhận thức một cộng đồng dân tộc thiểu số... Mà di sản của ông để lại còn là niềm tin về sự hy sinh quên mình để dám sống cho những lý tưởng tốt đẹp; Là biểu tượng tinh thần cho những người đi gieo chữ ở vùng cao đến tận hôm nay.
Ông là Nguyễn Văn Bôn (Sinh năm 1937 ở Bắc Ninh) Anh hùng Lao động đầu tiên của ngành giáo dục Việt Nam.