Du lịch nội địa đã phục hồi hoàn toàn
Du lịch nội địa là điểm sáng rực rỡ
Với kết quả đáng khích lệ này, ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – nhận định: Du lịch nội địa đã phục hồi hoàn toàn và là điểm sáng của bức tranh du lịch Việt Nam. Đây là cơ sở để toàn ngành nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn, trở thành điểm đến uy tín, có vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
6 tháng qua, du lịch là một trong những ngành có tốc độ phục hồi mạnh nhất |
6 tháng qua, du lịch là một trong những ngành có tốc độ phục hồi mạnh nhất. Con số 60,8 triệu lượt khách du lịch nội địa trong 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng tới 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Đáng nói, ở tất cả địa phương có du lịch biển, lượng khách đều tăng nhanh, điển hình như Thanh Hóa, toàn tỉnh đón được trên 6,8 triệu lượt khách, tăng 131,6%. Riêng thành phố biển Sầm Sơn, 6 tháng đầu năm nay đã đón được trên 4,1 triệu lượt khách, vượt 17,88% kế hoạch năm, doanh thu du lịch đạt hơn 3.400 tỷ đồng.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết, trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh sẽ diễn ra gần 50 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, phấn đấu đón trên 10 triệu lượt khách, trong đó hơn 440.000 khách du lịch quốc tế, tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 18.000 tỷ đồng.
Hay tại tỉnh Khánh Hòa, ngành du lịch xứ trầm hương đã có sự hồi phục ấn tượng đón hơn 1 triệu lượt khách, doanh thu đạt hơn 5.500 tỷ đồng, nhiều chỉ tiêu của năm 2022 đã về đích. Lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết, với lượng phòng lưu trú lên đến hơn 50.000 phòng, trong đó, có một nửa từ 3 sao trở lên, các cơ sở đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách.
Đánh giá của Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội – ông Phùng Quang Thắng, với việc kiểm soát tốt dịch Covid-19, hoạt động du lịch nội địa đã tăng trưởng mạnh, nhất là vào mùa cao điểm hè. Trong đó, hình thức du lịch biển, du lịch gia đình, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện) nở rộ và phát triển mạnh.
Để đáp ứng nhu cầu gia tăng lớn du khách, 6 tháng qua hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành cũng khá sôi động. Cả nước đã thẩm định 415 hồ sơ cấp, đổi, rút giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế cho các doanh nghiệp lữ hành (tăng 211 hồ sơ so với cùng kỳ năm 2021), trong đó cấp mới 312 giấy phép (tăng 286 giấy phép so với cùng kỳ năm 2021), đổi 65 giấy phép, thu hồi 38 giấy phép.
Tính đến hết tháng 6/2022, cả nước có 2.415 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tăng 226 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường khách quốc tế có nhiều triển vọng
Không chỉ thị trường nội địa, thị trường khách quốc tế cũng đã có chuyển biến tích cực sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch. Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 602.000 lượt người, tăng 582,2% so với cùng kỳ năm trước.
Thống kê của một số đơn vị cho thấy, lượng khách quốc tế tìm kiếm thông tin thị trường du lịch Việt Nam tăng đáng kể thời gian gần đây. Các thị trường khách tìm kiếm nhiều nhất là: Mỹ, Singapore, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Thái Lan, Đức, Canada, Anh...
Các điểm đến được khách quốc tế tìm hiểu nhiều là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An, Đà Lạt, Huế, Quy Nhơn...
Đây là những tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp không khói. Tuy nhiên, với lượng khách tăng ồ ạt sau hơn 2 năm ngừng trệ, trong khi một lượng lớn nhân lực trong ngành này đã dời đi vì dịch bệnh, cũng đặt ra không ít áp lực.
Tuy nhiên, nhiều địa phương tin tưởng, đây cũng là một cơ hội, sự vượt khó của các doanh nghiệp du lịch.
Đề cập đến việc đón khách quốc tế từ nay đến cuối năm 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch – ông Nguyễn Trùng Khánh – cho hay, mùa cao điểm đón khách quốc tế thường vào cuối năm. Lúc này, các đơn vị kinh doanh du lịch cần đẩy mạnh xây dựng sản phẩm mới, làm sao để hấp dẫn du khách; quảng bá, tuyên truyền du lịch Việt Nam - điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng; có chính sách đón khách cởi mở để khách quốc tế quan tâm đến Việt Nam nhiều hơn nữa.
6 tháng cuối năm, ngành du lịch sẽ tập trung vào nhiều nhiệm vụ, trong đó có nhóm các nhiệm vụ đề án trọng tâm là: Đề án phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam; rà soát, điều chỉnh Đề án phát triển du lịch biển, đảo Việt Nam; Đề án phát triển một số cụm du lịch đồng bộ, chất lượng, có quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế; Quy chế điều phối hoạt động du lịch theo vùng phù hợp điều kiện thực tế phát triển các cụm, vùng du lịch và phù hợp với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; Chiến lược marketing du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 – 2026; Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; Dự án chuyển đổi số trong ngành du lịch; tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh và xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh…
Để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực, thời gian qua, nhiều địa phương đã chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao để đón khách. Thời gian tới, Sở Du lịch các địa phương tiếp tục phối hợp tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng để duy trì nguồn nhân lực và nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho người lao động. |