Áp lực lên tỷ giá USD/VND sẽ giảm dần
Dần hạ nhiệt
Trong năm 2022, USD tăng giá khoảng 9% so với VND, nhưng theo giới phân tích tài chính, khó có cơ hội để USD tăng giá mạnh trong năm tới.
Ngày 23/12, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.631 VND/USD, giảm thêm 5 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá USD trong nước trong cùng ngày đồng loạt giảm thêm đáng kể khi Vietcombank và BIDV hạ giá mua bán USD (giảm tương ứng 70 và 85 đồng).
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, tỷ giá USD/VND từ nay tới cuối năm dự kiến không chịu quá nhiều sức ép như giai đoạn vừa qua khi Ngân hàng Nhà nước đã có điều hành kịp thời, chính xác. Sức ép lên tỷ giá cũng được giảm bởi các yếu tố khác như chỉ số USD có dấu hiệu tạo đỉnh. Hơn nữa, nếu một số quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc cũng tăng lãi suất trong thời gian tới, thì USD sẽ giảm giá.
Các chuyên gia phân tích của VCBS cho rằng, VND sẽ vẫn còn dư địa giảm giá so với USD, nhưng mức giảm giá của VND được dự báo chỉ là 3 - 4% trong năm tới. “Giai đoạn này, diễn biến thị trường ngoại hối sẽ tiếp tục có mức độ phụ thuộc lớn vào diễn biến thị trường thế giới”, VCBS nhận định.
Mặc dù tốc độ tăng lãi suất đã bắt đầu chậm lại, nhưng xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới chưa chấm dứt, điển hình là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Anh (BoE). Trong đó, ECB thậm chí đã đưa ra thông điệp về lộ trình tăng lãi suất chậm rãi, nhưng với thời gian tăng kéo dài.
Các chuyên gia dự báo, diễn biến tỷ giá năm 2023 sẽ còn tiếp tục phụ thuộc vào lộ trình tăng lãi suất của Fed. Theo đó, Fed có thể sẽ có thêm những đợt tăng lãi suất tiếp theo, nhưng kỳ vọng các đợt tăng sẽ nhẹ và thưa hơn so với trước, từ đó khiến USD không còn tăng giá quá mạnh như trong năm 2022. Ngoài ra, các cán cân thương mại và đầu tư nước ngoài cũng sẽ là yếu tố có thể tiếp tục tác động đến cân bằng tỷ giá VND/USD trong thời gian tới.
Nhiều yếu tố hỗ trợ
Trong báo cáo triển vọng kinh tế và thị trường ngoại hối Việt Nam 2023, công bố ngày 21/12, Trung tâm Giải pháp và Giao dịch của Ngân hàng Shinhan cho biết, trước tình hình USD mạnh lên, các quốc gia buộc phải liên tiếp can thiệp để bảo vệ đồng nội tệ, khiến dự trữ ngoại hối toàn cầu giảm hơn 1.000 tỷ USD so với đầu năm.
Việc Fed thắt chặt tiền tệ một cách quyết liệt đã làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế, gia tăng biến động trên thị trường tài chính, khiến thị trường chứng khoán giảm mạnh và tỷ giá hối đoái tăng mạnh. Tỷ giá ngoại hối USD/VND vào cuối tháng 10 đã chạm mức cao nhất kể từ năm 1993 do tác động bởi sức mạnh của USD và sự mất giá đồng nhân dân tệ.
Theo Ngân hàng Shinhan, những thách thức đối với thị trường ngoại hối Việt Nam trong năm 2023 bao gồm suy thoái kinh tế toàn cầu (tổng cầu giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm), các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt mạnh mẽ, lo ngại nợ xấu do các khoản nợ doanh nghiệp và hộ gia đình tăng, khó khăn về dòng tiền của các doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản.
Tuy nhiên, cũng có những yếu tố hỗ trợ thị trường ngoại hối trong nước như Fed giảm tốc độ tăng lãi suất giúp kìm hãm sự mạnh lên của đồng bạc xanh, Mỹ dẫn dắt việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng, các chính sách của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ đồng nội tệ và môi trường hấp dẫn cho FDI. Mới đây, sau 3 tháng không niêm yết giá mua ngoại tệ, ngày 15/12, Ngân hàng Nhà nước công bố mua vào ngoại tệ với mức giá là 23.450 VND/USD. Ngân hàng Shinhan dự báo, năm 2023, tỷ giá USD/VND sẽ chịu áp lực tăng trong nửa đầu năm do các tác động bên ngoài và ổn định vào nửa cuối năm sau.
Các nhà phân tích thị trường tài chính cũng cho rằng, tỷ giá nhìn chung vẫn đứng trước nhiều áp lực do Fed vẫn đưa ra thông điệp tăng lãi suất trong năm tới. Tuy nhiên, áp lực lên tỷ giá USD/VND có thể giảm dần trong nửa cuối năm 2023, khi Fed kết thúc lộ trình tăng lãi suất. Nhờ vậy, tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ ổn định và có thể đi xuống trong nửa cuối năm.
Tỷ giá ổn định, về cơ bản, sẽ tạo dư địa để Ngân hàng Nhà nước độc lập trong điều hành lãi suất tiền đồng, điều tiết thị trường tiền đồng theo hướng bơm thanh khoản, duy trì lãi suất tiền đồng liên ngân hàng thấp để tiết giảm chi phí vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng.
Một chuyên gia tài chính cho rằng, với kỳ vọng Fed ngừng tăng lãi suất và áp lực cho tỷ giá giảm dần, với tiềm năng tăng trưởng kinh tế tốt, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều dòng vốn ngoại, gia tăng nguồn cung USD từ thị trường quốc tế và không ngoại trừ Ngân hàng Nhà nước sẽ quay trở lại mua USD trong nửa cuối năm 2023 trên nền tỷ giá ổn định để củng cố dự trữ ngoại hối vốn đã giảm trong năm 2022.
Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo, áp lực tỷ giá phần nào sẽ được giải tỏa từ giữa năm 2023, mặc dù sức mạnh USD vẫn sẽ duy trì ở mức tương đối trong cả năm 2023. Sự kết hợp giữa hai xu hướng Fed bớt “diều hâu” hơn từ giữa năm 2023 và dự trữ ngoại hối của Việt Nam cải thiện sẽ chặn đà giảm giá của VND, đồng thời hé mở khả năng tỷ giá cuối năm 2023 giảm 1-2%. VNDirect ước tính, dự trữ ngoại hối sẽ hồi phục lên mức 102 tỷ USD vào cuối năm 2023.
Trước khả năng lộ trình thắt chặt của các ngân hàng trung ương thế giới sẽ chậm dần lại, lạm phát trong nước đang trong tầm kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước có thể chưa cần nâng lãi suất điều hành trong thời gian tới.