Dự báo 3 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2023 và cao nhất lên tới 6%
Đối mặt "cơn gió ngược" trong 2023, những kịch bản tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng VEPR dự báo 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023 |
Sáng 30/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương được tổ chức kết nối đến điểm cầu 63 địa phương.
Nền kinh tế phục hồi nhưng vẫn đứng trước nhiều “tác động kép”
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đã đi qua 3/4 chặng đường của năm 2023 trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh một số điểm nổi lên như hậu quả dịch COVID-19 kéo dài; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột tại Ukraine còn phức tạp. Về kinh tế toàn cầu, lạm phát vẫn neo ở mức cao; tăng trưởng thấp, không đồng đều và còn bấp bênh.
Thông tin thêm về tình hình kinh tế thế giới, Thủ tướng cho biết tại châu Âu, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, lạm phát giảm từ mức 11,5% vào tháng 10/2022 xuống 5,9% vào tháng 8/2022 nhưng vẫn còn cách xa mục tiêu 2%; GDP quý I và quý II tăng lần lượt 1,1% và 0,4%.
Lạm phát tại Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tăng trở lại trong 2 tháng gần đây, ở mức 3,7% trong tháng 8 và còn cách xa mục tiêu 2%; GDP quý I và quý II tăng lần lượt ở mức 1,7% và 2,4%.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại phiên họp - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Theo dự báo gần đây, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 ở mức khoảng 3%. Tuy nhiên, Trung Quốc, Nhật Bản, EU phục hồi yếu hơn, một số nước như Đức tăng trưởng âm. Đáng chú ý, lãi suất điều hành của Mỹ hiện nay là 5,25-5,5% và có thể tiếp tục tăng trong năm 2023. Châu Âu đã nâng lãi suất lên mức cao nhất là 4% kể từ khi đồng Euro ra đời vào năm 1999.
Thương mại, đầu tư quốc tế và nhu cầu ở các thị trường lớn suy yếu; chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy cục bộ; hàng rào bảo hộ gia tăng. IMF đánh giá tăng trưởng thương mại thế giới giảm từ 5,2% năm 2022 xuống 2% năm 2023.
Rủi ro về tài chính, tiền tệ, bất động sản, nợ công gia tăng, nợ toàn cầu ở mức cao nhất từ trước tới nay; niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng giảm sút. Cùng với đó, nguy cơ mất an ninh năng lượng, an ninh lương thực hiện hữu; trong đó giá dầu thô tăng mạnh; giá lương thực bị đẩy lên cao (do hạn hán, hiện tượng El Nino và chính sách cấm xuất khẩu gạo của một số nước, gián đoạn nguồn cung ở Ukraine).
Các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống (như già hoá dân số, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mạng…) ngày càng gay gắt, hậu quả nặng nề. Trong nước, nước ta chịu "tác động kép" từ các yếu tố bất lợi bên ngoài và những vấn đề tồn tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn trong khó khăn; trong khi nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, khả năng thích ứng, sức chống chịu còn hạn chế, một tác động nhỏ bên ngoài có thể ảnh hưởng lớn bên trong.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự giám sát, đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, kết quả nhìn chung tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; đạt được mục tiêu tổng quát đề ra: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn (về thu chi, xuất - nhập khẩu, năng lượng, lương thực, lao động) được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân được nâng lên. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín và vị thế quốc tế của nước ta tiếp tục được củng cố, nâng lên.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức không nhỏ như tăng trưởng thấp hơn kế hoạch; sức ép lạm phát còn cao; các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, tiếp cận tín dụng còn khó khăn; nợ xấu có xu hướng tăng…
Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận, phân tích, đánh giá kỹ, khách quan về bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước; kết quả đạt được, hạn chế, bất cập; nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 10, quý IV năm 2023 và thời gian tới.
Thủ tướng đề nghị tập trung phân tích, làm rõ thêm những điểm mới của tình hình như điều hành lãi suất của các nước, giá dầu, lương thực…, từ đó có phản ứng chính sách kịp thời, chính xác, hiệu quả, thúc đẩy được các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu… Đặc biệt, các cấp, các ngành, các địa phương phải nỗ lực thế nào để nâng cao tính chủ động, tích cực, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, tăng cường đổi mới sáng tạo, thực hiện các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả hơn, từ đó tạo ra đột phá, đạt kết quả theo yêu cầu và mong muốn.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi đến Chính phủ cho hay, tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng tiếp tục phục hồi khả quan, nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng "tuy kết quả đạt được chưa như kỳ vọng nhưng đã chuyển biến tính cực hơn qua từng tháng, từng quý".
3 kịch bản tăng trưởng cho GDP quý IV và cả năm 2023
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023 nhưng với xu hướng tích cực (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,72%, đóng góp 8,03% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,19%, đóng góp 38,63%.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trên cơ sở kết quả 9 tháng, dự báo bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước thời gian tới, các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của nước ta còn gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp |
Cụ thể, có 3 kịch bản được đưa ra, trong đó cao nhất là 6%. Với kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,0%, quý IV cần tăng 7,0% (quý IV năm 2022 tăng 5,92%). Kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%. Kịch bản 3, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%.
Trong khi đó, tăng trưởng quý IV phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam, hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước trong dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024, là cơ sở để xuất khẩu, thị trường trong nước tăng trưởng nhanh hơn
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, các kịch bản đặt ra đều rất khó khăn, thách thức, yêu cầu sự chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương triển khai các giải pháp, chính sách thúc đẩy mạnh tăng trưởng, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, tranh thủ tối đa thời cơ, cơ hội từ cả bên ngoài và bên trong nền kinh tế để phấn đấu đạt kết quả tăng trưởng cao nhất trong quý IV, đặc biệt là tạo đà cho năm 2024 và các năm tiếp theo.
Liên quan đến các kịch bản tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, trước đó, tại Hội thảo công bố Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023” tổ chức vào tháng 7 vừa qua, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đưa ra 3 kịch bản dự báo cho kinh tế Việt Nam năm 2023.
Theo đó, CIEM cập nhật 3 kịch bản tăng trưởng. Theo đó, kịch bản 1 là: Giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối của các năm 2021-2022. Tăng trưởng GDP khả năng đạt 5,34% trong năm 2023; trong đó xuất khẩu cả năm giảm 5,64% và chỉ số CPI bình quân tăng 3,43%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 9,1 tỷ USD.
Dự báo kịch bản tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 |
Kịch bản 2: Giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong kịch bản 1 về các yếu tố kinh tế thế giới, song có một số điều chỉnh nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam. CIEM kỳ vọng tăng trưởng GDP dự báo ở mức 5,72% trong năm, xuất khẩu giảm 3,66% và CPI bình quân tăng 3,87%, cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 10,3 tỷ USD.
Kịch bản 3: Lạc quan hơn với giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn (tăng trưởng phục hồi, gián đoạn chuỗi cung ứng giảm đáng kể, lạm phát ở Mỹ giảm, thời tiết thuận lợi hơn…) và sự quyết liệt trong cải cách, điều hành ở Việt Nam. Nhờ vậy, hoạt động giải ngân và hấp thụ đầu tư công, tín dụng đạt kết quả tối đa. Môi trường kinh doanh và năng suất lao động tiếp tục cải thiện. Hoạt động đầu tư được thúc đẩy và thực hiện theo hướng hiệu quả hơn. Ở kịch bản này, CIEM kỳ vọng tăng trưởng GDP có thể ở mức 6,46% trong năm 2023. Theo đó, xuất khẩu cả năm chỉ giảm 2,17%, CPI bình quân tăng 4,39%, cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 6,8 tỷ USD.
Thời gian qua, các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá khá tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 4,9%, giảm 1,5% so với dự báo đưa ra hồi tháng 3. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 4,7% trong năm 2023. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ mức 5,8% (tháng 4) về mức 4,7% trong năm 2023. HSBC đánh giá triển vọng đầu tư nước ngoài và thương mại trong ngắn hạn của Việt Nam sẽ phục hồi tốt. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây đã dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới, đạt mức 5,8% trong năm 2023 và 6% trong năm 2024. |