Đồng USD tăng “chèn ép” nhóm kim loại
Giá kim loại có thể duy trì đà tăng ít nhất là tới khi Mỹ công bố PCE Dự báo giá kim loại diễn biến trái chiều Giá bạc tăng 3 tuần liên tiếp nhờ kỳ vọng FED nới lỏng chính sách |
Đối với kim loại quý, giá bạc dẫn dắt đà giảm của nhóm, chốt phiên giảm 3,67% về 24,9 USD/ounce, chấm dứt chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp. Giá bạch kim cũng giảm 1,18% so với mức tham chiếu, đóng cửa tại mức 925,1 USD/ounce.
Giá bạc và giá bạch kim đã có phiên biến động khá mạnh khi giá bật tăng mạnh ngay từ đầu phiên khi xung đột Trung Đột leo thang. Theo tờ Times of Israel, sáng ngày 3/12 theo giờ địa phương, quân đội Israel đã tiến hành các cuộc không kích và tấn công pháo binh quy mô lớn vào toàn bộ Dải Gaza. Cuộc chiến sau đó có thể chuyển sang giai đoạn cường độ thấp. Trong bối cảnh này, các nhà đầu tư tăng cường tích trữ kim loại quý làm tài sản trú ẩn an toàn.
Tuy vậy, tới phiên chiều, giá đã có sự điều chỉnh giảm khi những căng thẳng chiến tranh đã được xoa dịu một phần. Cố vấn cấp cao của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết khi xung đột tiếp tục leo thang, viện trợ nhân đạo sẽ được thúc đẩy vào Gaza.
Hơn nữa, thêm vào áp lực lên giá, chỉ số Dollar Index đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt khác đã tăng 0,43% lên 103,71 điểm, mức cao nhất trong 1 tuần. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng bật tăng lên 4,26%. Đồng bạc xanh và lợi suất trái phiếu kho bạc đã tăng lên khi nhà đầu tư cho rằng thị trường đang quá lạc quan về cơ hội cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào đầu năm tới.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX quay đầu suy yếu sau hai phiên tăng liên tiếp, đóng cửa tại mức 3,83 USD/pound sau khi để mất 2,44%. Giá quặng sắt cũng giảm 1,67% về 130,38 USD/tấn. Đồng USD mạnh lên cũng là yếu tố gây giảm giá đồng và giá quặng sắt trong phiên hôm qua.
Hơn nữa, đối với đồng, giá quay đầu giảm do rủi ro nguồn cung đã được xoa dịu phần nào. Peru, quốc gia khai thác đồng lớn thứ hai thế giới, báo cáo sản lượng đồng tháng 10 tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Thêm vào đó, áp lực bán kĩ thuật gia tăng tại vùng kháng cự 3,92 USD cũng khiến giá gặp sức ép.
Trên thị trường quặng sắt, giá sắt vẫn đang phải chịu áp lực bởi có sự can thiệp từ Chính phủ Trung Quốc nhằm hạn chế đà tăng giá. Hơn nữa, việc Trung Quốc thực hiện hạn chế sản lượng thép cũng làm giảm nhu cầu quặng sắt, nguyên liệu đầu vào quan trọng để sản xuất thép.
Vào cuối tuần trước, một số thành phố ở miền bắc Trung Quốc, bao gồm cả trung tâm sản xuất thép hàng đầu Đường Sơn, đã yêu cầu các nhà máy hạn chế sản xuất do tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề.