Đổi mới xúc tiến, quảng bá du lịch: Khai thác hiệu quả dư địa thị trường
Xúc tiến, quảng bá du lịch các tỉnh Bắc Trung bộ Xúc tiến quảng bá du lịch với các sự kiện điểm nhấn |
Thiếu sự gắn kết trong quảng bá, xúc tiến thị trường
Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 khẳng định quan điểm phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát khẳng định quan điểm phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát các ngành, lĩnh vực khác.
Để góp phần thực hiện mục tiêu của chiến lược đề ra, hoạt động xúc tiến, quảng bá đóng vai trò hết sức quan trọng. Thời gian qua, ngành du lịch đã thường xuyên phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp để triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá, mở đường bay mới. Gần đây, cùng với việc đẩy mạnh thực hiện các chiến dịch truyền thông, quảng bá trên nền tảng số, ngành du lịch nước ta cũng đã chủ động tham gia nhiều sự kiện, hội chợ du lịch quốc tế lớn, góp phần thúc đẩy lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Xúc tiến quảng bá du lịch đòi hỏi phải đổi mới trong bối cảnh cạnh tranh điểm đến hiện nay. Ảnh: Nam Nguyễn |
Đặc biệt, năm 2024, theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam là đã đánh dấu sự trở lại của các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch ở nước ngoài với quy mô, số lượng và tần suất tương đương như trước dịch Covid-19; góp phần thúc đẩy sự hiện diện, nâng cao hình ảnh, thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm quốc tế và hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối, khai thác và mở rộng thị trường.
Tuy nhiên, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá, hoạt động quảng bá, xúc tiến được chưa thực sự tạo được sự hợp tác, gắn kết chặt chẽ, lâu dài trong các chương trình, kế hoạch xúc tiến du lịch quốc gia. Hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch của từng tỉnh thành vẫn rời rạc, quy mô nhỏ, hiệu quả xúc tiến chưa được như kỳ vọng.
Mặt khác, việc chưa thiết lập được các Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài cũng có những hạn chế nhất định tới công tác xúc tiến du lịch do giảm năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực do các nước đã mở nhiều văn phòng xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm, thúc đẩy thường xuyên các hoạt động marketing du lịch trực tiếp đến các phân đoạn thị trường gửi khách.
Đồng thời, có nhiều thách thức mà quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam đang phải đối mặt, như: Sự cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến về thu hút khách du lịch quốc tế sau đại dịch Covid-19; tình trạng giá cả dịch vụ, vé máy bay cao do giá nguyên liệu đầu vào tăng; xung đột chính trị, kinh tế trên thế giới ảnh hưởng đến thu hút khách từ một số thị trường nguồn truyền thống. Việc xuất hiện các xu hướng mới của thị trường, công nghệ cũng đòi hỏi công tác nghiên cứu, dự báo và phản ứng phải kịp thời, hiệu quả hơn.
Chia sẻ thêm với Báo Công Thương về điểm nghẽn của xúc tiến, quảng bá du lịch, ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á cho rằng, các chiến dịch quảng bá như "Vietnam - Timeless Charm" đã tạo được sự chú ý quốc tế. Sự phát triển của mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến giúp tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn. Tuy vậy, các hoạt động quảng bá thường không đồng bộ giữa các địa phương và các đơn vị liên quan; du khách vẫn chưa có đủ thông tin về các điểm đến và dịch vụ tại Việt Nam.
Quảng bá du lịch trúng đích
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong, hiện Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển du lịch mạnh mẽ trong thời gian tới với quy mô lớn hơn, hiệu quả cao hơn, doanh thu lớn hơn, giảm thiểu tác động về môi trường và bền vững hơn. Để đạt được mục tiêu này, sự kết nối và hợp tác giữa các bên là điều không thể thiếu.
“Bản chất của ngành du lịch chính là sự liên kết, vì vậy cần phải khắc phục tình trạng mỗi bên hoạt động một cách riêng lẻ, không có sự đồng bộ, mà thay vào đó là tạo ra sự hợp tác hiệu quả, trong đó có hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch, cùng chung tay phát triển ngành du lịch một cách toàn diện và bền vững”- ông Hồ An Phong nói.
Với yêu cầu đặt ra là cần đi vào tăng trưởng theo chiều sâu, chất lượng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch cũng cần được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phân khúc thị trường, quảng bá du lịch trúng đích.
Như vậy, trong bối cảnh xuất hiện nhiều xu hướng, nhu cầu du lịch mới, đòi hỏi công tác xúc tiến, quảng bá cũng phải có hướng đi mới, cách làm mới để khẳng định vị thế thương hiệu du lịch Việt Nam; cần xây dựng nội dung và hình thức quảng bá, sản phẩm theo hành trình trải nghiệm; tạo bộ khung về ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch …
Ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á nêu ý kiến, để cải thiện thứ hạng cạng tranh của du lịch Việt Nam, công tác xúc tiến, quảng bá thị trường phải được đổi mới. Theo đó, cần thúc đẩy sự hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong hoạt động quảng bá. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao trải nghiệm du khách. Đồng thời, tăng cường tận dụng các công nghệ mới để quảng bá, như VR (thực tế ảo), Map 3D, game hóa di sản, số hóa điểm đến để giới thiệu điểm đến được tốt hơn. Sử dụng các kênh truyền thông hiệu quả để nâng cao nhận thức và hình ảnh du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo kế hoạch triển khai hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong năm 2025, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho biết, các hoạt động du lịch nội địa sẽ tập trung quảng bá mạnh mẽ Năm Du lịch Quốc gia 2025 - Huế; Triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá, chương trình kích cầu du lịch nội địa, các chương trình du lịch mới, các gói sản phẩm có chất lượng dịch vụ tốt nhằm gia tăng trải nghiệm của khách du lịch, đa dạng hóa sản phẩm. Đặc biệt, sẽ thúc đẩy nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết quảng bá xúc tiến, phát triển du lịch giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, liên kết giữa các trung tâm du lịch, phân phối khách du lịch với các vùng...
Đối với quảng bá, xúc tiến tại thị trường quốc tế, ngành du lịch sẽ tập trung nguồn lực hướng tới thị trường chiếm tỷ trọng lượng khách lớn, các thị trường tiềm năng, khả năng tăng trưởng cao, có chất lượng như: Các thị trường nói tiếng Trung, Hàn Quốc, Nhật Bản; Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore); châu Âu (Tây Âu, Đông-Trung Âu, Bắc Âu); Úc, Bắc Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông. Đặc biệt ngành này sẽ ưu tiên tham gia hội chợ du lịch quốc tế lớn, uy tín ở khu vực và thế giới, các hội chợ du lịch tại các thị trường trọng điểm, các hội chợ chuyên ngành liên quan du lịch (MICE, golf, du thuyền, đám cưới…).