Doanh nghiệp thủy sản miền Bắc khôi phục thiệt hại nặng nề sau bão
Doanh nghiệp công nghiệp nỗ lực phục hồi sản xuất sau bão Hà Nam nối lại nhịp sản xuất tại các khu công nghiệp sau siêu bão Quảng Nam: Doanh nghiệp 'ôm vốn' đợi mặt bằng để mở rộng kinh doanh |
Bão Yagi đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều tỉnh, thành phố ven biển miền Bắc. Ngoài việc làm tê liệt các hoạt động sản xuất khác, cơn bão còn tàn phá nặng nề ngành thủy sản, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực. Hàng nghìn tàu thuyền bị hư hỏng, các lồng bè nuôi trồng bị cuốn trôi, gây thiệt hại ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Ngành thủy sản đang đối mặt với những thách thức chưa từng có, đe dọa sinh kế của hàng trăm nghìn ngư dân và người lao động trong ngành.
Ngư dân đan lại lưới, sửa lồng bè sau thiệt hại của bão số 3. Ảnh: TTXVN |
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến 7 giờ sáng ngày 15/9, đã có hơn 3.200 lồng bè nuôi thủy sản bị hư hỏng hoặc cuốn trôi hoàn toàn.
Quảng Ninh là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 2.600 lồng bè bị phá hủy. Các công trình nuôi trồng thủy sản khác cũng bị tốc mái, nhiều vùng nuôi hàu bị mất trắng. Tại Hải Phòng, mưa bão đã làm thiệt hại gần 50 ha nuôi trồng thủy sản, trong khi Bắc Giang ghi nhận hơn 470 ha bị ảnh hưởng, với nhiều diện tích bị thiệt hại từ 30-70%. Nam Định và Bắc Ninh cũng chịu thiệt hại lớn về diện tích nuôi tôm, cá và sản lượng thủy sản.
Trước tình hình trên, các hộ nuôi trồng và doanh nghiệp thủy sản đang rất cần sự hỗ trợ khẩn cấp từ Nhà nước và các tổ chức xã hội. Họ mong muốn được hỗ trợ về tài chính để khôi phục lại các cơ sở sản xuất, cũng như được điều chỉnh lại các khoản vay để giảm áp lực nợ nần.
Các doanh nghiệp thủy sản đang phải đối mặt với những thiệt hại kinh tế nặng nề hơn bao giờ hết. Ông Nguyễn Trường, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Việt Trường (Hải Phòng) cho biết 2/3 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu chịu tổn thất rất lớn.
Cụ thể, 5 xưởng sản xuất tại nhà máy số 2 với 2 kho xưởng bao bì, thức ăn viên bị tốc mái và đổ hoàn toàn, bao bì bị nước ngấm hỏng hết; hệ thống ống hơi của lò hơi cũng bị gãy. Đáng chú ý, hệ thống máy phát điện chính của nhà máy bị hỏng hoàn toàn nên không có điện cho toàn bộ nhà máy.
Ông Trường dự tính, công ty phải ngưng sản xuất khoảng 20 ngày để thu dọn nhà máy để đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm nhà xưởng, cấp điện nước mới quay lại sản xuất được. Bên cạnh đó, nguyên liệu chế biến thủy sản xuất khẩu doanh nghiệp nhập khẩu về đang phải tạm lưu container tại cảng và chấp nhận chịu chi phí lưu kho và điện cắm tại cảng.
Tương tự, Công ty Thủy sản Tân An (Quảng Ninh) cũng chịu thiệt hại nặng nề khi toàn bộ bè hàu bị cuốn trôi, tôm chết hàng loạt do mất điện. Hiện nay, doanh nghiệp đang có 60 công nhân với mức lương khoảng 10 triệu đồng/người/tháng và được lo ăn ở toàn bộ. Do đó, ông Dũng rất mong các cơ quan quản lý tạo điều kiện để giãn thời hạn trả lãi ngân hàng với nợ cũ. Đồng thời, hỗ trợ giúp doanh nghiệp tiếp cận các gói vay lãi suất ưu đãi để có thể khôi phục sản xuất. "Giờ cái lo lớn nhất là làm sao giữ chân công nhân rồi khôi phục lại sản xuất" ông Dũng nói.
Các doanh nghiệp thủy sản đang rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng và chính phủ để vượt qua khó khăn. Các giải pháp được đưa ra như giúp các doanh nghiệp giảm gánh nặng về tài chính trong giai đoạn khó khăn. Cung cấp các gói vay lãi suất ưu đãi để các doanh nghiệp có thể tái đầu tư và phục hồi sản xuất. Cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để giúp các doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục hậu quả và nâng cao năng lực sản xuất. Đầu tư vào các công trình hạ tầng, xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững để giảm thiệt hại khi xảy ra thiên tai.
Để gỡ khó cho các doanh nghiệp thuỷ sản, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái tích cực để hỗ trợ ngành thủy sản như yêu cầu các ngân hàng thương mại hoãn, giãn nợ, giảm lãi suất và cấp các khoản vay mới cho các doanh nghiệp và người dân trong lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết gói tín dụng cho vay lĩnh vực xuất khẩu thủy hải sản đã giải ngân được 36.000 tỷ đồng, vượt mục tiêu ban đầu.
Nắm bắt tình hình thực tế trên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cũng đã phát hành Công văn 96/CV-VASEP gửi Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về góp ý dự thảo nghị định quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật. Theo đó, VASEP góp ý bổ sung thêm đối tượng doanh nghiệp có các hoạt động nuôi trồng thủy sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh vào đối tượng được hỗ trợ.
Bên cạnh đó, VASEP cũng đề xuất xem xét, sửa đổi 1 số cơ chế, thủ tục hỗ trợ thiệt hại; bổ sung quy định thời hạn cụ thể từ khi ban hành quyết định hỗ trợ đến khi chi trả thực tế; rút ngắn các thời hạn xử lý các thủ tục hành chính tại từng bước để tăng hiệu quả, tính kịp thời và ý nghĩa của chính sách.
Theo các chuyên gia, cơn bão Yagi đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với ngành thủy sản miền Bắc. Để phục hồi và phát triển, ngành thủy sản cần sự chung tay của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân. Việc xây dựng lại các cơ sở sản xuất, ứng dụng các công nghệ mới và đa dạng hóa sản phẩm sẽ giúp ngành thủy sản Việt Nam thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu và các rủi ro thiên tai.