Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất ngay từ đầu năm
Doanh nghiệp biến thách thức thành cơ hội |
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã bắt tay ngay vào sản xuất, kinh doanh (SXKD) với khí thế sôi nổi, tinh thần quyết tâm cao và chủ động tăng tốc ngay từ đầu năm, góp phần hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Để hoàn thành mục tiêu năm 2023 đạt sản lượng sản xuất hơn 1 triệu tấn, doanh thu hơn 14.400 tỷ đồng, Công ty cổ phần Thép Việt Đức đã động viên, khuyến khích người lao động và phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất ngay từ đầu năm, tạo khí thế sôi nổi, kịp thời cung cấp thép xây dựng cho khách hàng, nhất là các đơn vị thi công công trình lớn.
Công ty TNHH Youngbag Micromotor Việt Nam (Khu Công nghiệp Bình Xuyên, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) tăng tốc sản xuất ngay từ đầu năm 2023. |
Cùng với đó, công ty tập trung đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh marketing, quảng bá thương hiệu; phát huy năng lực đội ngũ cán bộ, người lao động; tiếp tục thực hiện các chính sách đảm bảo quyền lợi, việc làm, thu nhập cho người lao động.
Năm 2022 đánh dấu giai đoạn đầy thách thức với nhiều biến động trong chuỗi cung ứng thép toàn cầu, song, với những định hướng, chính sách quyết liệt, đúng đắn của Hội đồng quản trị và nỗ lực của toàn thể cán bộ, công nhân viên, công ty đã vượt qua khó khăn, đạt nhiều kết quả tích cực với sản lượng bán hàng đạt hơn 1 triệu tấn, doanh thu hơn 17.700 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động, thu nhập bình quân gần 15 triệu đồng/người/tháng.
Các chế độ chính sách như tiền lương, tiền thưởng của người lao động được quan tâm. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, lãnh đạo doanh nghiệp đã thưởng tháng lương thứ 13, 14 cho công nhân lao động. Điều đó đã khích lệ động viên người lao động gắn bó hơn với doanh nghiệp.
Những ngày này, Công ty TNHH VIDACO chuyên sản xuất bao bì xuất khẩu tại xã Đại Đồng (Vĩnh Tường) đang tăng tốc sản xuất nhằm đạt mục tiêu đề ra với doanh thu năm 2023 tăng trưởng 20% so với năm 2022 trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do chiến tranh thương mại giữa các nước trên thế giới.
Là doanh nghiệp “sinh sau, đẻ muộn” trong lĩnh vực sản xuất các loại bao bì từ giấy carton, song với việc đầu tư máy móc dây chuyền sản xuất cùng đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, công ty đã cho ra đời những sản phẩm có chất lượng cao, đa dạng về mẫu mã, màu sắc.
Đây chính là nền tảng tạo nên lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Năm 2022, công ty đạt sản lượng sản xuất 40 triệu sản phẩm (tăng 8% so với năm 2021), doanh thu đạt gần 200 tỷ đồng; tạo việc làm cho 150 lao động, thu nhập trung bình 8 triệu đồng/người/tháng. Hiện, công ty là đối tác tin cậy của nhiều doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có khoảng 9.500 doanh nghiệp đang hoạt động. Đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển, ngay sau kỳ nghỉ Tết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh bắt tay ngay vào công việc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động SXKD; triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư riêng của tỉnh đã được HĐND, UBND tỉnh thông qua; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai với thời gian nhanh nhất theo quy định của pháp luật; chuẩn bị sẵn quỹ đất, cũng như quyết liệt trong chỉ đạo giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để sẵn sàng đón nhận các dự án đầu tư; thực hiện giải quyết nhanh các thủ tục hành chính về đầu tư theo quy định của pháp luật.
Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; công khai minh bạch quy trình thủ tục đầu tư, quy hoạch xây dựng và đất đai, quy hoạch ngành, lĩnh vực trên hệ thống thông tin điện tử; giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Theo ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian tới, Ban tham mưu cho lãnh đạo tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả xúc tiến đầu tư tại chỗ, đối thoại doanh nghiệp, sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật cho thu hút đầu tư trong và ngoài nước; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương có liên quan tham mưu, đề xuất với tỉnh chính sách hỗ trợ đối với dự án công nghiệp công nghệ cao đầu tư vào Vĩnh Phúc.
Thúc đẩy tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp FDI và DDI theo chỉ đạo của tỉnh; khuyến khích doanh nghiệp hợp tác, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi từ gia công, lắp ráp sang thiết kế và sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, tạo nền tảng thu hút, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ như hỗ trợ trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; hỗ trợ qua điện thoại, đường dây nóng; hỗ trợ bằng văn bản hoặc email; hỗ trợ giải đáp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử tỉnh; trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp đi khảo sát thực tế tại các Khu Công nghiệp,...