Doanh nghiệp Đông Nam Á nung nấu ý định Mỹ tiến
Theo Reuters, việc doanh nghiệp Đông Nam Á đang cân nhắc tới việc niêm yết tại Mỹ dựa trên niềm tin rằng, sự hứng thú của các nhà đầu tư đối với thị trường mới nổi ngày càng gia tăng, khi mà các đợt chào bán cổ phiếu từ Trung Quốc đang thưa thớt dần.
Trả lời phỏng vấn của Reuters, các nhà quản lý cấp cao của nền tảng tài chính kỹ thuật số hàng đầu cho các công ty vừa và nhỏ Funding Societies, công ty giải trí Gushcloud International có trụ sở tại Singapore, cùng công ty công nghệ bảo hiểm Thái Lan Sunday cho biết, các doanh nghiệp này đang xem xét New York như là một trong những nơi để tiến hành IPO.
Ảnh minh họa |
Đây cũng kế hoạch của “kỳ lân công nghệ” Việt Nam VNG hay chuỗi Hotel 101 Global của DoubleDragon Corp - một doanh nghiệp bất động sản “đình đám” tới từ Philippine. Những động thái này được kỳ vọng sẽ khoả lấp “khoảng trống IPO” mà các doanh nghiệp Trung Quốc để lại.
Theo Reuters, trong bối cảnh căng thẳng chính trị với Washington gia tăng, việc Bắc Kinh thắt chặt giám sát đối với các công ty muốn niêm yết tại nước ngoài cùng với sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc, đã khiến cho các doanh nghiệp nước này không thể triển khai dự định IPO tại Mỹ.
Nhà đầu tư Mỹ đang tìm kiếm những “gương mặt” mới từ các thị trường mới nổi
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, Leif Schneider, cố vấn pháp lý cấp cao của công ty luật DFDL Việt Nam, cho hay: “Kể từ khi thế giới mở cửa trở lại sau đại dịch, cái bóng mà Trung Quốc “trùm lên” khu vực ASEAN đã ngày càng thu hẹp”.
Ông Schneider nhận định: “Các doanh nghiệp Trung Quốc đang dần bị đẩy sang bên lề, do những hạn chế và sự suy thoái của nền kinh tế nước này. Đó là những yếu tố giúp cho các doanh nghiệp Đông Nam Á chiếm lĩnh “spotlight””.
Mới đây, Carsome Group - nền tảng thương mại điện tử ô tô lớn nhất khối ASEAN cũng đã thông tin về việc họ đang tính đến việc niêm yết tại các sàn giao dịch quốc tế, trong đó có Mỹ.
Reuters trích dẫn số liệu từ LSEG cho biết, kể từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp Đông Nam Á mới chỉ huy động được khoảng 101 triệu USD thông qua IPO ở Mỹ, thấp hơn nhiều so với mức 919 triệu USD ghi nhận vào năm ngoái. Tuy nhiên, giới ngân hàng kỳ vọng, tốc độ tăng trưởng sẽ được thúc đẩy trong 12 tháng tới cùng, bởi các doanh nghiệp cần tìm kiếm nguồn vốn mới, thay vì chỉ dựa vào nguồn vốn từ quỹ tư nhân như trong vài năm gần đây.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Trung Quốc đã huy động được 463,7 triệu USD thông qua niêm yết tại Mỹ trong năm nay. Mặc dù con số này đã tăng nhẹ so với năm 2022 nhưng chỉ bằng một phần nhỏ so với số vốn 12,96 tỷ USD và 12,48 tỷ USD mà họ huy động được lần lượt vào năm 2021 và 2020.
Các nhà phân tích cho rằng, đối với các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường mới nổi, Đông Nam Á là lựa chọn phù hợp vì khu vực này có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và dân số ngày càng tăng.
Indonesia được lấy làm ví dụ tiêu biểu. Từ tháng 4 đến tháng 6, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất 3 quý gần nhất, chủ yếu nhờ sự gia tăng chi tiêu của chính phủ và hộ gia đình.
Cũng theo giới ngân hàng, một số doanh nghiệp Đông Nam Á nhắm IPO ở Mỹ có kế hoạch huy động từ 300 triệu đến 1 tỷ USD, với mức định giá từ 1,5 tỷ USD đến 8 tỷ USD.
Kế hoạch IPO tại Mỹ của các doanh nghiệp Đông Nam Á cũng sẽ cổ vũ các ngân hàng Phố Wall ở châu Á, nơi tạo ra khoảng 1/3 doanh thu từ các giao dịch trên thị trường vốn cổ phần (ECM), hầu hết đều đã cạn kiệt sau đợt IPO của Trung Quốc.
Ông Sunil Khaitan, trưởng bộ phận vốn cổ phần của Bank of America tại Đông Nam Á chỉ ra rằng, nếu như trước đây, những nhà đầu tư Mỹ tập trung vào thị trường mới nổi chủ yếu sẽ tiếp xúc với cổ phiếu công nghệ Trung Quốc, bởi đó là những mã “có tên có tuổi” được niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, hiện tại, với lập trường thận trọng dành cho Trung Quốc, các nhà đầu tư này sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư vào những “gương mặt” mới đến từ các thị trường mới nổi khác.
Lợi thế mà doanh nghiệp Đông Nam Á nhận được khi IPO tại Mỹ
Các chuyên gia cho rằng, việc tiến hành IPO tại Mỹ mang lại cho các doanh nghiệp Đông Nam Á một số lợi thế.
Theo ông Kelvin Teo, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Funding Societies, Mỹ là một trong những lựa chọn ưa thích của doanh nghiệp này vì nơi đây sẽ cung cấp nguồn vốn dồi dào và cơ sở bao gồm các nhà đầu tư toàn cầu.
Trong khi đó, Giám đốc tài chính của Gushcloud đánh giá, việc IPO tại Mỹ sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận các nhà đầu tư quen thuộc với các công ty thuộc những nền kinh tế mới nổi đang phát triển nhanh.
Về phía ông Tay Hwee Ling, Trưởng nhóm cố vấn các sự kiện đột phá của Deloitte Đông Nam Á đánh giá, các công ty thuộc các lĩnh vực logistics, công nghệ, khai thác mỏ, xe điện và năng lượng tái tạo có nhiều khả năng tìm kiếm IPO ở cả trong và ngoài nước.
Đáng chú ý, các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng, tiềm năng tăng trưởng sau IPO của các doanh nghiệp Đông Nam Á cũng có khả năng không được như kỳ vọng, do biến động trên thị trường chứng khoán cũng như tâm lý giám sát nghiêm ngặt của nhà đầu tư.
Ví dụ, cổ phiếu của hãng xe điện Việt Nam VinFast đã tăng khoảng 75% kể từ khi ra mắt vào tháng 8, nhưng liên tục tăng sốc, giảm sâu do khối lượng cổ phiếu được tự do chuyển nhượng thấp.
Ông Art Anuruk Karoonyavanich, người đứng đầu bộ phận thị trường vốn tại ngân hàng DBS (Singapore) cho hay, các nhà đầu tư Mỹ nhìn chung rất thành thạo và giàu kinh nghiệm trong việc đánh giá cơ hội trong các lĩnh vực khác nhau. Dù vậy, sẽ tốt hơn nếu các doanh nghiệp Đông Nam Á có thể lưu ý cho các nhà đầu tư về bất kỳ yếu tố cụ thể nào có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ.