Doanh nghiệp dệt may thưởng Tết tối đa 3 tháng lương
Nỗ lực vun vén
Sản xuất, kinh doanh khó khăn kéo dài, đặc biệt đợt bùng dịch lần thứ 4 khiến “sức khỏe” doanh nghiệp dệt may trong nước sụt giảm nghiêm trọng. Theo lời ông Cao Hữu Hiếu- Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, có những lúc chúng tôi tuyệt vọng khi 19 tỉnh, thành phố phía Nam và miền Tây bị giãn cách. Một số doanh nghiệp lớn như Tổng công ty CP May Việt Tiến phần lớn lao động phải tạm nghỉ làm do giãn cách. Đây là vấn đề trong tiền lệ Việt Tiến cũng như nhiều doanh nghiệp dệt may khác chưa bao giờ gặp phải. Công đoàn dệt may cũng chưa bao giờ phải đối mặt với tình trạng số lượng lao động phải nghỉ làm nhiều và cần hỗ trợ như vậy.
Dù khó khăn nhưng các doanh nghiệp dệt may vẫn nỗ lực vun vén, bố trí nguồn lực thưởng Tết nhằm chia sẻ, động viên người lao động. Ông Cao Hữu Hiếu - cho biết: Trong hệ thống thành viên của tập đoàn, doanh nghiệp khu vực phía Bắc dự kiến thưởng từ 1,5-2 tháng lương cho 1 lao động, doanh nghiệp làm ăn tốt có thể thưởng tới 3 tháng lương. Doanh nghiệp khu vực phía Nam dự kiến thưởng 1-1,5 tháng lương cho 1 lao động. Tổng công ty May 10-CTCP duy trì mức thưởng ổn định với 1,5 tháng lương, khoảng 11 triệu đồng cho 1 lao động.
Với Công đoàn Dệt May Việt Nam, theo bà Phạm Thị Thanh Tâm - Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam, dự kiến chi 3 tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ cho người lao động, trong đó đặc biệt ưu tiên người lao động tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19. Các doanh nghiệp và công đoàn cơ sở cũng tiến hành các hoạt động chăm lo tại chỗ cho người lao động như: Tháng lương thứ 13, tặng quà Tết cho 100% người lao động; tổ chức liên hoan cuối năm; bố trí xe, hỗ trợ vé tàu xe cho người lao động về quê đón Tết; tổ chức đón Tết cho những lao động không về quê…
Doanh nghiệp dệt may thưởng Tết tối đa 3 tháng lương cho người lao động |
Theo số liệu từ Công đoàn Dệt May Việt Nam, năm 2021 ngành dệt may có 49 doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch; 35.023 người lao động ngừng việc từ 2 - 2,5 tháng do thực hiện phong tỏa, cách ly hoặc doanh nghiệp ngừng sản xuất, thu nhập giảm sút, đời sống khó khăn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn phải chịu thêm nhiều chi phí về phòng dịch, trả lương ngừng việc, tổ chức sản xuất “3 tại chỗ", điều trị, cách ly tại chỗ cho người lao động khi doanh nghiệp có F0... Đồng hành cùng doanh nghiệp, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã hỗ trợ người lao động với tổng mức kinh phí hơn 34,9 tỷ đồng, cùng đó là nguồn kinh phí đáng kể hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch tại các địa phương.
Giải pháp ổn định nguồn lao động
Biến động lao động luôn là nỗi lo của doanh nghiệp dệt may sau mỗi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đặc biệt, dịch Covid-19 ảnh hưởng tới tâm lý, đồng thời khiến một lực lượng lớn lao động di chuyển khỏi các vùng sản xuất đã chất thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác quản lý, ông Thân Đức Việt- Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10- CTCP - cho rằng: Chính sách chăm lo tốt cho người lao động là giải pháp tốt giữ chân và duy trì được nguồn lao động. Nhiều năm qua, doanh nghiệp luôn duy trì hệ thống y tế tương đương bệnh viện cấp huyện, trường mầm non, trường cao đẳng nghề, ký túc xá. Do đó, doanh nghiệp có được cơ sở vật chất, khả năng thích ứng, kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an toàn cho người lao động, cho sản xuất. “Ngay cả khi May 10 có F0, sản xuất "3 tại chỗ", tỷ lệ lao động sụt giảm nhưng sản xuất vẫn diễn ra bình thường”, lãnh đạo May 10 nói. Thu nhập của người lao động năm 2021 tăng 8,5% so với năm 2020 là điểm tự hào cũng là lợi thế của doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh lao động ngày một gay gắt.
“Với chính sách lao động tốt, chúng tôi tự tin chuẩn bị tuyển dụng khoảng 3.000 lao động, cho 3 dự án mới tại Thái Bình, Quảng Bình, Thanh Hoá. Những dự án này sẽ góp sức vào mục tiêu tăng trưởng chung của doanh nghiệp năm 2022”, lãnh đạo May 10 cho biết thêm.
Cũng coi lao động là yếu tố quan trọng nhất của doanh nghiệp, ông Cao Hữu Hiếu - cho hay: Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, động viên chúng tôi đã tạo được sự thống nhất về mặt ý chí trong toàn thể người lao động. Điều này đã giúp tập đoàn giữ ổn định được lực lượng lao động, đặc biệt số lao động của tập quay trở lại làm việc sau khi hết thực hiện giãn cách đạt tới 80-90%.
Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng cho hay, năm 2021, do có 3 tháng các đơn vị phía Nam, chiếm 40% lực lượng lao động thực hiện giãn cách, chỉ hưởng lương tối thiểu do vậy thu nhập bình quân của tập đoàn cả năm bị giảm, còn khoảng 7,2 triệu đồng/lao động. Riêng khu vực phía Bắc do không phải duy trì giãn cách lâu, sản xuất tốt, mức lương bình quân khoảng 8,3 triệu đồng/lao động.
Hiện tất các đơn vị may của tập đoàn đã có đơn hàng đến hết quý II/2022, thậm chí đến quý III/2021. Tập đoàn đang động viên người lao động tăng ca sản xuất, đảm bảo tiến độ đơn hàng và bù đắp thu nhập bị sụt giảm trong năm vừa qua cho người lao động.