Doanh nghiệp Đà Nẵng chinh phục thị trường toàn cầu với thương mại điện tử xuyên biên giới
Với mong muốn hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp và nhà bán hàng tại Đà Nẵng nói riêng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Amazon Global Selling và Sở Công Thương Đà Nẵng tổ chức Hội thảo đào tạo, tư vấn “Thương mại điện tử xuyên biên giới - Cách thức chinh phục thị trường toàn cầu cùng Amazon” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu sâu hơn về định hướng kinh doanh, nghiên cứu thị trường, xây dựng danh mục sản phẩm, xây dựng thương hiệu toàn cầu, tối ưu trải nghiệm khách hàng và marketing trong thương mại điện tử xuyên biên giới, nhanh chóng nắm bắt những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đưa sản phẩm Việt Nam đến với thị trường toàn cầu thông qua Amazon.
Theo đó, hơn 100 doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã được các chuyên gia thương mại điện tử đầu ngành từ Amazon Global Selling và đối tác chia sẻ các kiến thức, kỹ năng mang tính ứng dụng liên quan đến hơn 14 ngành hàng trên Amazon: hành trình bắt đầu với thương mại điện tử xuyên biên giới, xây dựng thương hiệu toàn cầu tiếp cận khách hàng quốc tế; thanh toán trên sàn thương mại điện tử Amazon; Logistics và FBA (Fulfillment by Amazon).
4 chính sách lớn thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho hay, thương mại điện tử xuyên biên giới đang là xu hướng bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, đây cũng là lĩnh vực được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp chủ trương phát triển kinh tế số do Chính phủ đề ra.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử phát biểu tại hội thảo |
Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên Amazon tăng hơn 45% năm 2022. Doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới (B2C) của Việt Nam dự kiến đạt 256,1 nghìn tỷ đồng (11,1 tỷ USD) vào năm 2026.
Theo Sách trắng thương mại điện tử 2022 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số công bố, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều trở ngại, thách thức trong việc triển khai thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới. Các rào cản bao gồm: Chi phí, quy định, truy cập thông tin và năng lực.
Lãnh đạo Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử cho biết, đứng trước xu thế của thế giới, Chính phủ đã có chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp Việt, đưa hàng Việt vươn tầm quốc tế cùng thương mại điện tử xuyên biên giới thông qua các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, mở rộng thị trường thông qua hình thức xuất khẩu trực tuyến, cụ thể:
Một là, hỗ trợ chi phí trực tiếp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia, duy trì và hoạt động trên các sàn thương mại điện tử quốc tế;
Hai là, tổ chức các sự kiện thương mại điện tử thường niên nhằm kích cầu thị trường trong nước và mở rộng hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới;
Ba là, phê duyệt Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2030” với mục tiêu cụ thể hỗ trợ 5.000 lượt doanh nghiệp xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bốn là, xây dựng và tổ chức các sáng kiến, hoạt động tập huấn, chia sẻ thông tin, giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực xuất khẩu trực tuyến.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã thể hiện vai trò của mình trong việc đẩy mạnh triển khai các đề án hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam tham gia thương mại điện tử thông qua cung cấp các cơ hội giao thương cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam trên cổng thông tin xuất nhập khẩu vietnamexport.com; Cung cấp nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam thông qua hệ sinh thái ecvn.com; ifair.vn.
“Đặc biệt, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã cùng Amazon Global Selling ký thoả thuận hợp cùng triển khai Sáng kiến “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” với mục tiêu hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử xuyên biên giới cho doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026. Trong năm 2022, đã có 1300 doanh nghiệp tham gia chương trình và được chia sẻ thông tin, kiến thức thông qua 9 khóa đào tạo do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Amazon Global Selling phối hợp với các đối tác địa phương tổ chức” - ông Thành nói.
Chinh phục thị trường toàn cầu cùng Amazon
Bên cạnh những thông tin về bức tranh toàn cảnh cũng nhưng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về thương mại điện tử xuyên biên giới, các doanh nghiệp tham gia hội thảo cũng được những chuyên gia cao cấp của Amazon chia sẻ kinh nghiệp cung cấp hàng hóa; các hình thức thanh toán; logistics và FBA trên sàn thương mại điện tử Amazon.
Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo |
Theo các chuyên gia, những doanh nghiệp đang chuẩn bị kinh doanh thương mại điện tử nên có sự chuẩn bị bài bản ngay từ khi bắt đầu để có thể phát triển bền vững, tận dụng những lợi thế của riêng mình và quốc gia và đặc biệt đáp ứng đủ điều kiện để đón nhận những chủ trương hỗ trợ cho doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu thương mại điện tử trong thời gian tới.
Bà Trần Văn Phương Trinh, Quản lý Tài khoản cấp cao, Amazon Global Selling đưa ra 4 lưu ý cho các cá nhân, doanh nghiệp khi có kế hoạch kinh doanh trên Amazon: Sản phẩm phải đảm bảo đủ lợi nhuận; hiểu được sự kỳ vọng của khách hàng ở sản phẩm mà doanh nghiệp bán ra; bao bì hấp dẫn và thu hút; giới thiệu ngắn gọn và xúc tích các đặc điểm nổi bật của sản phẩm qua hình ảnh và năm dòng đầu tiên trong phần thông tin đăng tải sản phẩm.
Logistics và FBA trên Amazon cũng là một trong những vấn đề các doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu. Ông Võ Thanh Tòng, Quản lý Tài khoản cấp cao Amazon Global Selling chia sẻ, sau khi nhà bán hàng thống nhất số lượng gửi hàng và chọn đối tác vận chuyển phụ trách giao hàng, nhà bán hàng tạo yêu cầu gửi hàng vào kho Amazon (FBA shipment) trên Seller Central; nhà bán hàng tiến hành đóng hàng và dán nhãn theo quy định của Amazon trước khi bàn giao sang cho đối tác vận chuyển để làm thủ tục xuất hàng khỏi kho và vận chuyển qua Mỹ và giao vào kho Amazon. Các chi phí liên quan trong giai đoạn hàng gửi từ kho nhà bán hàng đến kho Amazon sẽ được bên đối tác vận chuyển báo giá tổng chi phí (phí hải quan, phí giấy tờ, chi phí vận chuyển, chi phí bốc dỡ...).
“Amazon khuyến khích nhà bán hàng nên lựa chọn các đối tác vận chuyển thuộc hệ sinh thái đối tác dịch vụ của Amazon để hạn chế rủi ro có thể xảy ra trong quá trình gửi hàng vào Amazon” - ông Tòng khuyến nghị.
Về lợi ích của dịch vụ FBA, đại diện Amazon Global Selling cho biết, nhà bán hàng có một số lợi ích tiêu biểu như: Tối ưu được chi phí thâm nhập thị trường (kho bãi, vận hành); Đảm bảo trải nghiệm của khách hàng thông qua dịch vụ chăm sóc khách hàng 24/7; Nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm về mặt hiển thị trong giai đoạn mở bán thông qua tỉ lệ chiến thắng Buybox.
“Chương trình FBA hiện tại phù hợp cho các mặt hàng nhỏ nhẹ ở tất cả ngành hàng, tuy nhiên nhà bán hàng cần tham khảo một số chính sách về hàng hóa bị cấm hoặc thuộc loại nguy hiểm không phù hợp tham gia FBA trong quá trình đăng ký bán hàng. Đối với các nhóm hàng cồng kềnh hay các mặt hàng đông lạnh hiện tại chưa phù hợp để bán hàng theo hình thức FBA” - ông Tòng cho hay.
Một số sản phẩm được trưng bày bên lề sự kiện |
Tại phiên thảo luận, đại diện các doanh nghiệp đã đánh giá cao nội dung chia sẻ của các diễn giả và đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến chính sách hỗ trợ của nhà nước với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thương mại điện tử xuyên biên giới; đăng ký thương hiệu trên Amazon…
Bên lề chương trình đào tạo, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Amazon cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp thành viên tổ chức hoạt động trưng bày một số sản phẩm tiêu biểu nhằm tạo sự kết nối trực tiếp giữa các đơn vị sản xuất với những gian hàng kinh doanh trực tiếp trên Amazon.