Doanh nghiệp “bắt tay” sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau
Hiệu quả cao từ chủ trương ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau
Ông Hồ Xuân Trường, Phó Bí thư Đảng ủy Khối, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của Đảng ủy Khối các doanh nghiệp Trung ương cho biết, triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối triển khai hiệu quả thiết thực, làm chuyển biến rõ nét về việc tạo thói quen dùng hàng Việt, kích thích mở rộng sản xuất, tiêu dùng trong nước; tăng tỷ lệ nội địa hóa, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu; mở rộng thị trường, đặc biệt các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thể hiện tốt vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, điện, xăng dầu, bưu chính viễn thông, tiền tệ, tín dụng chính sách xã hội...
Doanh nghiệp bắt tay sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau |
“Với những kết quả đạt được thông qua cuộc vận động đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong những năm vừa qua” – ông Hồ Xuân Trường thông tin.
Về phía các doanh nghiệp, ông Cao Hữu Hiếu – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ, hiện nay, trong toàn Tập đoàn Dệt May Việt Nam, các đơn vị đã ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm trang thiết bị văn phòng, công sở; sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu nội địa và dịch vụ có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập để phục vụ sản xuất, kinh doanh; rà soát vật tư, phụ liệu, phụ tùng thiết bị và hàng hóa dịch vụ hiện đang sử dụng; xây dựng kế hoạch dùng hàng nội địa khi thực hiện mua sắm công và thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất; chủ động sử dụng nguồn vật tư, nguyên liệu trong nước thay thế hàng nhập ngoại… nhằm sửa đổi, bổ sung điều chỉnh để ưu tiên dùng hàng nội địa và đặc biệt là dịch vụ, sản phẩm của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối.
“Đối với nguồn vật tư, phụ liệu, máy móc thiết bị, Vinatex thường xuyên xem xét yêu cầu các tiêu chuẩn vật tư, phụ liệu; đánh giá định kỳ các nhà cung ứng vật tư, phụ liệu để tìm cơ hội sử dụng hàng sản xuất trong nước với tỷ lệ khoảng 20% để đưa vào sử dụng trong việc sản xuất” – ông Hiếu chia sẻ.
Ông Chu Quang Hào, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, để góp phần kinh tế số, Bưu điện Việt Nam đã triển khai hàng loạt các dịch vụ số và xây dựng hệ sinh thái số mang tính nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia dựa trên lợi thế được Chính phủ giao quản lý và cung cấp dịch vụ phủ rộng 63 tỉnh, thành trên toàn quốc với hơn 52 nghìn lao động, 13.000 điểm phục vụ, trải rộng đến tận địa bàn xã, biên giới, hải đảo trong cả nước.
“Tính đến thời điểm này, sàn thương mại điện tử đã thu hút và triển khai được 4.028.978 hộ có gian hàng số trong đó khoảng 2.700 sản phẩm OCOP, với hơn 6 triệu lượt khách hàng thường xuyên mua sắm tương tác với sàn, hàng triệu giao dịch đã được thực hiện thành công tương ứng với hàng triệu sản phẩm đã đến tay người tiêu dùng trên cả nước thông qua Postmart.vn và dịch vụ chuyển phát thương mại điện tử của Bưu điện Việt Nam”, ông Chu Quang Hào thông tin.
Thời gian tới, Bưu điện Việt Nam và Sàn Postmart.vn tập trung xây dựng kế hoạch và phân chia các sản phẩm được kiểm định đạt tiêu chuẩn Vietgap, Global Gap, thu hút thêm các doanh nghiệp chọn lựa sàn là kênh phân phối chính theo mô hình B2B, đẩy mạnh kênh tiêu thụ nội tỉnh và cận vùng để gia tăng khả năng tiêu thụ hàng hóa cho bà con nông dân, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh tham gia trên sàn thương mại điện tử, nhằm thay đổi tư duy và nhận thức về việc kinh doanh trong xu thế xã hội hiện đại ngày nay, thay thế dần phương pháp bán hàng truyền thống.
Tiếp tục triển khai mạnh mẽ Cuộc vận động
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động nhấn mạnh, sau hơn một năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Ban Bí thư, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền và các cơ quan chức năng; sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục đạt được một số kết quả quan trọng.
Nhiều sản phẩm Việt Nam có chất lượng đã chinh phục được người tiêu dùng |
Để phát huy tiềm năng, lợi thế của doanh nghiệp Nhà nước góp phần thúc đẩy, dẫn dắt đối với các thành phần doanh nghiệp khác trong thực hiện Cuộc vận động, đồng chí Đỗ Văn Chiến đề nghị, Đảng ủy Khối tiếp tục chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, của Chính phủ về Cuộc vận động; đặc biệt là Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới; Chỉ thị số 28/CT-TTg, ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, Đảng ủy Khối đẩy cần mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, người lao động và toàn thể đoàn viên công đoàn trong toàn Khối ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân; các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công, trang thiết bị văn phòng, văn phòng phẩm trong nước sản xuất… coi đó là thể hiện lòng yêu nước, là nét đẹp trong văn hóa doanh nghiệp.
“Phải xác định cuộc vận động muốn thành công thật sự thì chất lượng hàng hóa, dịch vụ phải được nâng lên, phù hợp với thị hiếu người Việt; đồng thời giá cả phải cạnh tranh tương đương với hàng hóa dịch vụ khác, chính sách hậu mãi phải tạo tiện lợi cho người tiêu dùng” – đồng chí Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị |
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải – Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đề nghị Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương tiếp tục phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành, địa phương có liên quan chỉ đạo các tổ chức Đảng trực thuộc tăng cường triển khai Cuộc vận động theo Kết luận 107-KL/TW ngày 10/4/2015 về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện Cuộc vận động, Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư ngày 19/5/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động trong tình hình mới.
Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cũng cần phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan để triển khai các hoạt động như tiếp tục tham gia các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; triển khai Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Cuộc vận động trong tình hình mới.
Đồng thời, tích cực triển khai các nội dung của Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2021-2025 như Chương trình truyền thông; Chương trình nâng cao năng lực sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam; tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất và nhà phân phối Việt Nam, kết nối sử dụng hàng hóa dịch vụ của nhau giữa các doanh nghiệp.
Đặc biệt, tham gia hưởng ứng Phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”; Doanh nghiệp lớn đầu mối gắn kết, hỗ trợ với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ nông dân tạo ra hệ sinh thái cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam giúp người tiêu dùng nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”.