Điểm sáng trong chính sách thương mại quốc tế năm 2022
Điều chỉnh chính sách thương mại trong kỷ nguyên số: Chú trọng chất lượng tăng trưởng Xuất khẩu sang EU: Lưu ý về các chính sách thương mại mới |
Hiệp định RCEP - định hướng xuất khẩu của Việt Nam
Tình hình trên thế giới bất ổn đã tác động đến nền kinh tế thế giới, trong bức tranh toàn cảnh u ám này, việc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực vào đầu năm 2022 được đánh giá là một điểm sáng, đây được xem là hiệp định thương mại có tổng GDP lớn nhất thế giới.
RCEP được 10 nước thành viênASEAN ký kết với các nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand vào ngày 15/11/2020 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Theo đánh giá, sau khi có hiệu lực đầy đủ - với tất cả các nước tham gia ký kết - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ tạo thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, xét về quy mô dân số (với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới) và GDP hơn 27.000 tỷ đô la Mỹ, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu. Sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, các bên sẽ ngay lập tức thực hiện các cam kết của mình, trong đó có các cam kết cắt bỏ thuế quan.
Từ ngày 01/01/2022, Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực |
Với quy mô thị trường rộng lớn, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, Việt Nam - 1 trong nhóm 6 nước đầu tiên của ASEAN phê chuẩn Hiệp định RCEP kỳ vọng Hiệp định này sẽ giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài, góp phần thúc đẩy thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đến cuối lộ trình (sau 20 năm) Việt Nam sẽ xóa bỏ gần 90% số dòng thuế với các nước đối tác, trong khi đó, các nước đối tác sẽ xóa bỏ khoảng 90-92% số dòng thuế cho Việt Nam và các nước ASEAN sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ số dòng thuế cho Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó Vụ trưởng Vụ thương mại đa biên (Bộ Công Thương), nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan do nguồn cung nguyên liệu đầu vào chủ yếu đều nằm trong các thị trường khu vực RCEP.
Bên cạnh đó, Hiệp định RCEP còn được kỳ vọng sẽ tạo ra áp lực để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao với những cam kết và điều kiện thuận lợi cho di chuyển thể nhân. Từ đó, năng suất lao động gắn với chất lượng, kỹ năng của đội ngũ lao động Việt Nam và các nước trong ASEAN cũng sẽ có điều kiện nâng cao và cải thiện hơn khi hiệp định có hiệu lực.
Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12: Cam kết cải tổ Hệ thống giải quyết tranh chấp
Sau lần trì hoãn vì lý do đại dịch Covid-19, Hội nghị Bộ trưởng các nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) lần thứ 12 (MC12) đã diễn ra vào tháng 6/2022 đã bước đầu đạt được tín hiệu tích cực về việc cải tổ Hệ thống giải quyết tranh chấp WTO. Tại cuộc họp của Cơ quan Giải quyết Tranh chấp (DSB) vào ngày 3/6, đại diện các nước thành viên WTO đã tham gia vào các cuộc thảo luận nhằm đảm bảo một hệ thống giải quyết tranh chấp hoạt động đầy đủ vào năm 2024.
Đoàn đại biểu của Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu tại Hội nghị MC12 |
Kết quả của hội nghị lần này (hay gọi là “gói Geneva”) khẳng định tầm quan trọng lịch sử của hệ thống thương mại đa phương và nhấn mạnh vai trò quan trọng của WTO trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách nhất của thế giới, đặc biệt là vào thời điểm mà các giải pháp toàn cầu là quan trọng. Các cuộc đàm phán giữa các phái đoàn đã đưa ra "Gói Geneva", trong đó có một loạt các quyết định chưa từng có về trợ cấp thủy sản, ứng phó của WTO đối với các trường hợp khẩn cấp, bao gồm việc từ bỏ bằng sáng chế đối với vắc xin Covid-19, an toàn thực phẩm và nông nghiệp, và cải cách WTO.
Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho biết, gói các thỏa thuận đạt được sẽ tạo ra sự khác biệt đối với cuộc sống của mọi người trên thế giới. Kết quả cho thấy, WTO có khả năng ứng phó với những tình huống khẩn cấp của thời đại và cho thế giới thấy rằng các thành viên WTO có thể xích lại gần nhau, vượt qua các đường đứt gãy về địa chính trị, để giải quyết các vấn đề của cộng đồng toàn cầu, đồng thời củng cố và phục hồi thể chế này. Đó là lý do để hy vọng rằng cạnh tranh chiến lược sẽ có thể tồn tại cùng với chiến lược ngày càng tăng sự hợp tác.
Gói kết quả được các thành viên thông qua bao gồm tài liệu kết quả hội nghị, một gói về ứng phó của WTO đối với các trường hợp khẩn cấp, bao gồm: Tuyên bố của Bộ trưởng về Ứng phó khẩn cấp đối với An ninh lương thực; Quyết định của Bộ trưởng về mua thực phẩm của Chương trình lương thực thế giới (WFP); Miễn trừ các lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu; Tuyên bố của Bộ trưởng về ứng phó của WTO đối với đại dịch Covid-19 và chuẩn bị cho đại dịch tương lai; Quyết định của Bộ trưởng về Hiệp định Các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ; Quyết định về tạm hoãn thương mại điện tử và chương trình làm việc; Hiệp định về Trợ cấp thủy sản.
Chính sách thương mại thế giới
Đầu tháng 12, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đưa ra kết luận khẳng định, việc áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vi phạm các quy tắc của tổ chức này. Đây là kết luận vừa được cơ quan phúc thẩm của WTO đưa ra trong bản báo cáo mới nhất.
Vào tháng 3/2018, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một bản ghi nhớ áp thuế 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu. Ngay lập tức nhiều quốc gia lên tiếng phản đối động thái này của Mỹ. Một số thành viên WTO thậm chí còn đệ đơn kiện Mỹ.
Theo đại diện thương mại Mỹ (USTR) cũng như ngành nhôm, thép nội địa chỉ trích mạnh mẽ và không công nhận nội dung của phán quyết. Ngược lại, các ngành công nghiệp chế tạo ở Mỹ, nơi có thể phụ thuộc vào nguồn nhôm, thép nhập khẩu, lại hoan nghênh phán quyết trên. Trong bối cảnh hiện tại, Mỹ hoàn toàn có thể dễ dàng “vô hiệu hóa” phán quyết bằng cách kháng cáo lên Ban Phúc thẩm đang tạm thời ngưng hoạt động. Kết luận của Ban Hội thẩm ở vụ kiện này làm gợi lại bối cảnh gần như tương tự ở vụ kiện giữa Ukraine và Nga (2016-2019), nhưng WTO lại đứng về phía Nga mặc dù nước này cấm không cho hàng hóa từ Ukraine quá cảnh để đến một số thị trường ở Trung Á.
Báo cáo của WTO đưa ra ngày 9/12 cũng cho thấy, các biện pháp áp thuế của Mỹ với thép và nhôm nhập khẩu từ nước ngoài là đi ngược lại các quy tắc thương mại toàn cầu. Đồng thời nhận định kết luận của WTO là “khách quan và công bằng”, đồng thời bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ tôn trọng phán quyết và các quy tắc của WTO.
Ba sự kiện này được đánh giá là tiêu điểm của chính sách thương mại quốc tế trong năm 2022 và trở thành động lực cho nền kinh tế toàn cầu đang tiến gần hơn đến những cơ hội phục hồi trong năm 2023.