Đắk Lắk: Liên kết trồng khoai lang để phát triển bền vững
Xuất khẩu nông sản chính ngạch cơ hội “tỷ đô” cho Đắk Lắk Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới. |
Hình thành vùng nguyên liệu chuyên canh
Năm 2023, toàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 10.000ha khoai lang, trồng chủ yếu ở các huyện: Lắk, Cư M’gar, Krông Năng, Krông Búk, Krông Ana, Krông Bông, Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột.
Những năm gần đây, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây khoai lang, nhiều diện tích cây hoa màu như ngô, sắn năng suất thấp đã được bà con dần chuyển sang trồng khoai. Đặc biệt, việc Việt Nam ký kết Nghị định thư với Trung Quốc xuất khẩu khoai lang chính ngạch đã giúp người dân nơi đây an tâm sản xuất và trồng trọt bởi sản phẩm có đầu ra và giá cả ổn định. Bà con không phải lo lắng về tình trạng được mùa mất giá như trước kia mà chỉ tập trung sản xuất theo quy trình và mở rộng diện tích trồng khoai để tăng thu nhập.
Nông dân thu hoạch khoai lang. Ảnh: Vũ Chi |
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, khoai lang được xuất khẩu chính ngạch là cơ hội để loại nông sản truyền thống này có đầu ra ổn định. Qua đó, giúp địa phương định hình các vùng sản xuất trọng yếu, đưa nông dân tiếp cận với sản xuất tập trung quy mô lớn, có lợi nhuận tốt hơn. Tuy nhiên, sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch phải truy xuất được nguồn gốc, từ quản lý giám sát vùng trồng với các sản phẩm đầu vào, đầu ra; quản lý cơ sở đóng gói, biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật cho đến kiểm dịch tại cửa khẩu nhập. Do đó, để khoai lang xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với số lượng lớn, thách thức đối với các doanh nghiệp và nông dân là phải đảm bảo chất lượng sản phẩm theo yêu cầu đặt ra.
Phát huy vai trò của các hợp tác xã
Để giải quyết vấn đề này, Đắk Lắk đã vận động các địa phương trồng khoai lang thành lập các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) để xây dựng vùng nguyên liệu lớn đủ điều kiện cấp mã vùng trồng. Khi tham gia vào HTX, THT có liên kết với doanh nghiệp bắt buộc các hộ gia đình phải sản xuất theo quy trình cụ thể. Bản thân các thành viên trong HTX cũng giám sát lẫn nhau vì một trường hợp làm không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến những người khác.
Cơ sở đóng gói khoai lang của Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Hương Cao Nguyên (Đắk Lắk). Ảnh: T.H |
Đơn cử như tại HTX Thành Tín, để đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như ổn định đầu ra cho các thành viên, HTX đã xây dựng mã vùng trồng cho hơn 130ha khoai lang Nhật Bản. Khi HTX liên kết với các doanh nghiệp làm mã vùng trồng để xuất khẩu khoai chính ngạch sang Trung Quốc đều ký hợp đồng bảo hiểm. Hiện nay, HTX là một trong những đơn vị tiên phong áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác. Qua đó, giúp nông dân giảm được công phun thuốc 60% và 30% thuốc, phân bón. Đặc biệt, khi sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc và phân bón không tác động đến môi trường. Ngoài ra, HTX còn hướng dẫn các thành viên về kỹ thuật canh tác, giúp sản phẩm sản xuất theo quy trình chuẩn, tăng năng suất.
Xác định, mã vùng trồng là điều kiện bắt buộc để truy xuất nguồn gốc khi xuất khẩu, Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Hương Cao Nguyên đã liên kết và xây dựng mã vùng trồng khoai lang với nông dân, HTX và THT tại các huyện: Ea Kar, Krông Ana, Cư M’gar, Lắk và Ea H’leo. Theo đó, công ty đã thiết lập 12 mã vùng trồng với diện tích hơn 1.000ha. Ngoài việc hỗ trợ người trồng khoai lang canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, công ty cũng ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho bà con nhằm bảo đảm lợi ích của các hộ tham gia liên kết sản xuất.
Hiện cả nước có có 13 cơ sở đóng gói và 70 vùng trồng khoai lang đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc. Thời gian tới, các chương trình tập huấn cho người dân, doanh nghiệp về những quy định mới cũng như các giải pháp kỹ thuật liên quan đến mã số vùng trồng sẽ được các địa phương đẩy mạnh thực hiện. Nội dung tập huấn chú trọng hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng phần mềm “Nhật ký đồng ruộng”, “Quản lý cơ sở đóng gói” để cập nhật đầy đủ các thông tin theo yêu cầu của nước nhập khẩu, tạo thuận lợi cho công tác đăng ký mã số vùng trồng.
Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh Đắk Lắk đang đẩy nhanh việc thành lập các HTX/THT sản xuất khoai lang để hình thành vùng nguyên liệu chuyên canh lớn nhằm phát triển bền vững. |