Đại gia nông nghiệp nào chống lưng tân binh sàn HOSE - Siba Group?
Doanh nghiệp cơ khí gắn bó với doanh nhân ngành nông nghiệp
Sau những chờ đợi nóng lòng của giới đầu tư, mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đã chấp nhận niêm yết 25 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Cơ khí Công nghệ cao Siba (Siba Group) với mã chứng khoán SBG. Như vậy, ngày cổ phiếu SBG được chính thức giao dịch trên HOSE sẽ không còn xa.
Siba Group là thành viên trong hệ thống doanh nghiệp của ông Trương Sỹ Bá, sinh năm 1967, vị đại gia giàu tiếng tăm trong lĩnh vực nông nghiệp, Chủ tịch Tập đoàn Tân Long.
Phối cảnh nhà máy của Siba Group |
Theo tìm hiểu, Siba Group thành lập vào tháng 2/2015, có 3 cổ đông sáng lập với số vốn điều lệ 90 tỷ đồng, tiền thân là Công ty Cổ phần Cơ khí môi trường Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, môi trường, y tế... Tháng 12/2021, doanh nghiệp tăng vốn lên 150 tỷ đồng, trong đó Công ty Cổ phần Siba Holdings sở hữu đến 55,6% cổ phần, còn lại thuộc về ông Nguyễn Văn Đức (29,4%) và bà Phan Hồng Vân (15%).
Tháng 12/2022, Siba Group đổi tên và thay đổi lĩnh vực hoạt động cốt lõi sang cơ khí chế tạo - xây dựng, đồng thời chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) 10 triệu cổ phần với giá 15.000 đồng/cp.
Thương vụ đã thu hút 251 nhà đầu tư tham gia. Đến nay, Siba Group có tổng cộng 251 cổ đông, tuy nhiên 3 cổ đông là Siba Holdings, ông Nguyễn Văn Đức, bà Phan Hồng Vân vẫn là nhóm người chi phối với 82,34% vốn điều lệ nắm trong tay.
Ông Trương Sỹ Bá, doanh nhân tên tuổi trong lĩnh vực nông nghiệp |
Chủ tịch HĐQT Siba Holdings, không ai khác chính là ông Trương Sỹ Bá. Còn Chủ tịch HĐQT Siba Group là ông Nguyễn Văn Phú, cũng là Tổng giám đốc của Siba Holdings.
Trước thềm lên sàn HOSE, trong năm nay, Siba Holdings đã bán ra 1,65 triệu cổ phần Siba Group để hạ tỷ trọng xuống dưới 49% (không còn là công ty mẹ). Đồng thời, ông Nguyễn Văn Đức cũng giảm sở hữu còn 6,06% và bà Phan Hồng Vân giảm còn 3,04%.
Không chỉ nắm lượng lớn cổ phần tại Siba Group, Siba Holdings còn là cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (HOSE: BAF), với tỷ lệ trên 40% số vốn. BAF là cái tên quen thuộc với các nhà đầu tư, là doanh nghiệp đầu tiên của ông Trương Sỹ Bá đang được niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Doanh thu chính từ buôn bán ngô hạt
Khác với tên gọi cũng như ngành nghề kinh doanh chính đăng ký theo giấy phép hoạt động là cơ khí chế tạo, Siba Group có nguồn doanh thu chủ yếu đến từ thương mại mặt hàng nông nghiệp là ngô hạt.
Các năm 2020 - 2022, doanh thu chính của Siba Group chủ yếu từ kinh doanh ngô hạt, bình quân chiếm đến 97% tổng doanh thu, tương đương hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của hoạt động thương mại ngô hạt khá ít ỏi nên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt trong ngưỡng vài chục tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Siba Group ghi nhận doanh thu đạt gần 3.093 tỷ đồng, trong đó doanh thu bán hàng đạt 2.613 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 31 tỷ đồng, tăng 14% so với ba quý đầu năm 2022.
Tài sản của Siba Group đạt 1.178 tỷ đồng, tính đến hết tháng 9/2023. Con số này giảm khá mạnh so với hồi đầu năm (2.105 tỷ đồng), nguyên nhân là do các khoản phải thu ngắn hạn khách hàng (giảm từ 1.251 tỷ đồng còn 635 tỷ đồng), hàng tồn kho (từ 424 tỷ đồng còn 163 tỷ đồng) và tiền (từ 81 tỷ đồng còn 9,8 tỷ đồng). Trong cơ cấu tài sản, phải thu ngắn hạn khách hàng vẫn chiếm tỷ trọng cao với gần 54%.
Về cơ cấu nguồn vốn, thời điểm cuối quý III/2023, Siba Group vay nợ dài hạn 67 tỷ đồng và nợ ngắn hạn 33 tỷ đồng. Đối tác cung cấp tín dụng chính là Ngân hàng SHB - Chi nhánh Hàn Thuyên.
SHB là đối tác cấp vốn lớn cho BaF Việt Nam. Tổng vốn chủ sở hữu của Siba Group cuối tháng 9/2023 là 430 tỷ đồng, trong đó lãi chưa phân phối 87 tỷ đồng và thặng dư vốn cổ phần 80 tỷ đồng.