Đặc sắc Lễ hội áo dài - danh thắng Việt Nam
Tối 14/6, tại sân khấu thực cảnh Ký ức Hội An (TP. Hội An, Quảng Nam) đã diễn ra Lễ hội áo dài - Danh thắng Việt Nam.
Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Với ý tưởng xuyên suốt lễ hội là 18 di sản và danh thắng Việt Nam như: Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Tràng An (Ninh Bình), thánh địa Mỹ Sơn và chùa Cầu Hội An (Quảng Nam), Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình), Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội)... cùng các di sản văn hóa phi vật thể cồng chiêng Tây nguyên, nhã nhạc cung đình Huế, ca trù, hát xoan, bài chòi, quan họ Bắc Ninh, đờn ca tài tử Nam Bộ… đã được nhà thiết kế đưa lên áo dài nhằm tái hiện lại đời sống văn hóa của người Việt Nam trên mọi vùng miền.
Qua đó, giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước về những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc với các kỳ quan thiên nhiên nhiên, di tích lịch sử gắn với bao chiến công hào hùng của quân, dân ta trong suốt chiều dài dựng và giữ nước của dân tộc.
Lễ hội đã mang lại diện mạo mới sinh động, duyên dáng trên hành trình sáng tạo, nâng tầm và khẳng định giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam, tạo ấn tượng đặc biệt với du khách trong và ngoài nước khi thưởng lãm.
Chị Lê Vũ Hảo, du khách đến từ Nam Định chia sẻ, đây như là câu chuyện kể đặc biệt sống động về đời sống của chiếc áo dài qua mọi nẻo đường đất nước, qua bao thăng trầm lịch sử, thay đổi diện mạo trong mỗi thời đại nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống, dịu dàng.
Được biết, từ ngày 1/6, TP. Hội An chính thức tổ chức trở lại các hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ, phố đi bộ, các làng nghề truyền thống gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc cũng đã được đưa vào hoạt động tại khu phố cổ như nghệ thuật Bài Chòi, các các trò chơi dân gian truyền thống bịt mắt đập nồi, bịt mắt đánh trống…
Với mục tiêu kích cầu du lịch hướng đến khách nội địa có nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi vào dịp cuối tuần nên các hoạt động văn hóa văn nghệ vào những ngày cuối tuần cũng được tổ chức đều đặn và công phu hơn, đáp ứng nhu cầu của du khách.