Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối Bảo hiểm xã hội, Bộ Y tế
Vì sao đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội? Mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế sẽ theo lương cơ sở mới từ 1/7 |
Đây là một trong những nội dung quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số vừa được Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ thông tin.
Cụ thể, về xây dựng nền tảng phát triển Chính phủ điện tử: Tính đến ngày 20.6.2023, tổng số giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) trong tháng 6 năm 2023 là 21.790.042 giao dịch.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 đơn vị bộ, ngành. |
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP đạt 276.938.860 giao dịch, trung bình hàng ngày có khoảng 1,38 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP.
Đến nay, đã hỗ trợ hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức với 23 bộ, ngành và 60 địa phương; kết nối Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến với 41 địa phương.
Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ cho biết, đến nay, CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 đơn vị bộ, ngành.
Đó là: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Bộ Tài chính (dịch vụ công và Hệ thống chuyên ngành của Tổng cục Thuế); Bộ Giáo dục Đào tạo; Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục quản lý đăng ký kinh doanh); Bộ Y tế (Dữ liệu tiêm chủng); Bộ Giao thông Vận tải (Hệ thống Dịch vụ Công và CSDL Giấy phép lái xe, CSDL đăng kiểm phương tiện); Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Cục Trẻ em); Bộ Tài nguyên và Môi trường (Công nghệ thông tin và dữ liệu tài nguyên môi trường); Văn phòng Chính phủ; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tư pháp; Bộ Quốc phòng (Hệ thống Dịch vụ công); Ngân hàng nhà nước Việt Nam (Hệ thống dịch vụ công).
Đồng thời CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối với 1 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương để khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý và giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức.
Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ cũng cho biết, trên toàn quốc đã có 11 địa phương triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm: Thái Nguyên, Bình Phước, Bạc Liêu, Gia Lai, Quảng Bình, Quảng Nam, Hà Nam, Bình Dương, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nội.
Tính đến ngày 22.5.2023, trên Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch đã có gần 35,9 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh.
Trong đó có gần 8,7 triệu trẻ em được cấp Số định danh cá nhân theo quy định, hơn 4,9 triệu hồ sơ khai sinh có số định danh cá nhân được chuyển sang hệ thống của BHXH; 8,8 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; 5,4 triệu dữ liệu đăng ký khai tử và 9,7 triệu dữ liệu khác.
Các cơ quan chức năng đã hoàn thành kết nối, liên thông dữ liệu đất đai của 52/63 địa phương với Hệ thống tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia; kết nối dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu đất đai cấp địa phương với nền tảng NDXP, Trung tâm điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và sẵn sàng chia sẻ dữ liệu cho các bộ ngành, địa phương.