Cơ hội nào cho các sản phẩm vùng trung du và miền núi phía Bắc vươn xa hơn trên thế giới?
Những tin vui liên tiếp của các sản phẩm vùng trung du, miền núi phía Bắc
Báo cáo tại Hội nghị xúc tiến thương mại và mở rộng xuất nhập khẩu vùng trung du và miền núi phía Bắc diễn ra mới đây, bà Nguyễn Thị Mai Linh, Trưởng phòng Thuận lợi hóa thương mại, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2023, tổng kim ngạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc đạt trên 115,5 tỷ USD, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu của vùng đạt trên 64,8 tỷ USD, tương đương 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Bà Nguyễn Thị Mai Linh, Trưởng phòng Thuận lợi hóa thương mại, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội nghị xúc tiến thương mại và mở rộng xuất nhập khẩu vùng trung du và miền núi phía Bắc |
Để bức tranh xuất nhập khẩu của Việt Nam có được kết quả như hiện nay không thể thiếu thị trường quan trọng gồm khu vực châu Á - châu Phi cùng như thị trường châu Âu - châu Mỹ.
Theo đó, ông Đỗ Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi thẳng thắn chia sẻ tình hình xuất khẩu khả quan các mặt hàng tại Hội nghị. Cụ thể, nhiều loại cây ăn quả như nhãn, vải, xoài, chanh leo, chuối, mận, bơ… đáp ứng được tiêu chuẩn điều kiện xuất khẩu sang thị trường Úc, Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Không những vậy, các mặt hàng này được người tiêu dùng nước ngoài ưa chuộng và chiếm thị phần lớn tại các thị trường khu vực châu Á – châu Phi.
Bên cạnh đó, đối với cây chè, mặc dù xuất khẩu chè năm 2023 sụt giảm (xuất khẩu sang khu vực châu Á – châu Phi năm 2023 chỉ đạt 148 triệu USD, giảm tới 21%) nhưng trong quý I năm 2024 đang ghi nhận tín hiệu tăng trưởng xuất khẩu tích cực (đạt 28,1 triệu USD, tăng 2% với cùng kỳ năm 2023).
Đặc biệt, sản phẩm cà phê có đà tăng trưởng ấn tượng. Nếu như xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Á Phi đạt 1,5 tỷ USD, tăng trưởng cao ở mức 27,3% thì chỉ trong quý I năm 2024, xuất khẩu sản phẩm này sang thị trường Á Phi đạt 536 triệu USD, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023.
Với đồ gỗ và sản phẩm từ gỗ, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang khu vực Á Phi đạt 4,9 tỷ USD, giảm 15,5% thì trong quý I năm 2024, xuất khẩu sản phẩm này đã ghi nhận tín hiệu tích cực, xuất khẩu sang khu vực Á Phi đạt 1,3 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong khi đó, tại khu vực châu Âu và châu Mỹ, ông Nguyễn Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cũng cho thấy những tín hiệu lạc quan của một số mặt hàng ngay từ những tháng đầu năm.
Cụ thể, gỗ và các sản phẩm từ gỗ cũng là mặt hàng tiềm năng hàng đầu cho doanh nghiệp thị trường này. Ba thị trường xuất khẩu gỗ hàng đầu tại Việt Nam là Hoa Kỳ (7,3 tỷ USD), Pháp (405,5 triệu USD) và Canada (205,5 triệu USD).
Số liệu Hải quan năm 2023 và 2024 cho thấy, dù kim ngạch sụt giảm 16,5% trong năm 2023, cùng với đà sụt giảm chung của các ngành hàng, nhưng ngay trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ đã tăng trưởng đột biến trở lại, đạt 1,36 tỷ USD, tăng 49,4% so với cùng kỳ 2023.
Bên cạnh đó, mặt hàng sắt thép cũng là sản phẩm tiềm năng, 2 năm liền xuất khẩu sang thị trường châu Âu và châu Mỹ đều chứng kiến mức tăng trường dương.
Năm 2023, xuất khẩu sắt thép sang thị trường châu Âu châu Mỹ đạt 3,1 tỷ USD, tăng 25% bất chấp đà sụt giảm của các dòng hàng khác. Đặc biệt trong 2 tháng đầu năm 2024 mặt hàng này đã tăng 165% so với cùng kỳ, đạt mức 775 triệu USD.
Đáng chú ý, sản phẩm rau quả xuất khẩu sang thị trường châu Âu - châu Mỹ của Việt Nam liên tục tăng trưởng bất chấp đà sụt giảm chung. Năm 2023 giá trị xuất khẩu sang khu vực thị trường này đạt 615,4 triệu USD, tăng 11,2%. Trong 2 tháng đầu năm 2024 giá trị xuất khẩu ngành này cũng tăng 18,1%, đạt 93,3 triệu USD.
Sản phẩm gạo của Việt Nam cũng được đón nhận tích cực từ thị trường này. Năm 2023 giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 64 triệu USD, tăng tới 50%. Hai tháng đầu năm 2024 giá trị xuất khẩu tăng ấn tượng 238%, đạt 27,8 triệu USD.
Doanh nghiệp cần làm gì để sản phẩm tiếp tục vươn xa hơn?
Để các sản phẩm của vùng trung du, miền núi phía Bắc tiếp tục gặt hái kết quả tốt, thậm chí vươn xa hơn trên trường thế giới, đại diện các thị trường đều có những kiến nghị đối với các địa phương và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất khẩu trong vùng.
Với thị trường Á Phi, ông Đỗ Quốc Hưng đề nghị các địa phương xây dựng danh sách doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, trái cây trên địa bàn đủ năng lực xuất khẩu gửi về Bộ Công Thương (Vụ Thị trường châu Á – châu Phi) để thuận lợi trong công tác kết nối với nhà nhập khẩu.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thương hiệu đặc trưng cho các sản phẩm có thế mạnh, phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đẩy mạnh tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm tại thị trường ngoài nước.
"Trong bối cảnh xu hướng sử dụng các sản phẩm chế biến sâu trên thế giới và khu vực ngày một tăng, cần tiếp tục đầu tư chuyển đổi hoặc thu hút đầu tư vào chế biến sâu", ông Đỗ Quốc Hưng nhấn mạnh.
Đáng chú ý, tiếp tục hoàn thiện hệ thống logistics và hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu (tăng số lượng làn xuất khẩu, mở rộng bãi chứa hàng trung chuyển…) để đảm bảo thông quan hàng hóa nông sản thuận lợi qua biên giới.
Các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thương hiệu đặc trưng cho các sản phẩm có thế mạnh. (Ảnh minh họa) |
Với thị trường Âu Mỹ, ông Nguyễn Hồng Dương bày tỏ: Dù đã có một số hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp cũng cần chủ động hoàn thiện sản phẩm bao bì, nhãn mác, chất lượng và quy trình sản xuất đầy đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ngoài ra phải chủ động tham gia các chương trình do Bộ Công Thương và các cơ quan xúc tiến thương mại tổ chức để tìm đối tác xuất khẩu hàng hóa. Đồng thời, doanh nghiệp cần chủ động bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm về hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại quốc tế, thanh toán quốc tế, tham gia vào các khóa tập huấn do Bộ Công Thương và các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại tổ chức.
Không những vậy, tăng cường nhận diện thương hiệu trực tuyến qua website, các mạng xã hội với đầy đủ thông tin, chứng minh năng lực để mở rộng quảng bá thương hiệu của mình đến với đối tác nước ngoài và xây dựng niềm tin.
Về phía Cục Xuất nhập khẩu, bà Nguyễn Thị Mai Linh bày tỏ: "Ngoài nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, Ủy ban điều phối vùng đóng vai trò hết sức quan trọng để thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng trung du, miền núi phía Bắc, các tỉnh, thành của vùng".
Việc nhiều tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đang gia tăng về tần suất cũng như quy mô thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại mở ra nhiều lựa chọn cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam nói chung vùng trung du, miền núi phía Bắc nói riêng tham gia quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác giao thương quốc tế, từ các sự kiện đa ngành cho tới những sự kiện chuyên ngành sâu, hẹp với đủ dạng hình thức, nội dung xúc tiến. |