Kiểm soát 'chặt' lạm phát, tránh các mặt hàng thiết yếu 'leo thang' theo lương
FED xem xét lại thời điểm giảm lãi suất do lạm phát kéo dài Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,08%, lạm phát cơ bản chỉ 2,75% Lạm phát năm 2024: Khả năng tăng mạnh là khó xảy ra |
Kiểm soát lạm phát, giữ giá cả bình ổn
Từ ngày 1/7/2024, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người hưởng lương hưu chính thức được áp dụng mức lương mới. Lương cơ sở tăng 30%, lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội tăng 15% là tin vui cho người lao động trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Tăng lương cơ sở là yếu tố kích thích nhu cầu tiêu dùng, nhưng cũng tiềm ẩn nỗi lo giá hàng hóa “leo thang'' theo lương.
Cử tri Nguyễn Trọng Huy (quận Hai Bà Trưng – Hà Nội) bày tỏ: “Câu chuyện lương tăng - giá tăng đã từng xảy ra trước đây khiến người dân lo ngại có thể ảnh hưởng tới ý nghĩa và hiệu quả của chính sách cải cách tiền lương”. Cử tri cũng cho rằng: “Giá cả tăng sẽ khiến gánh nặng kinh tế cho người lao động tự do tăng theo, bởi họ không được tăng lương nhưng chi phí sinh hoạt lại cao hơn so với trước đây.”
Từ ngày 1/7/2024, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người hưởng lương hưu chính thức được áp dụng mức lương mới. |
Tại buổi họp báo kinh tế - xã hội và các vấn đề dư luận quan tâm do Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức chiều ngày 11/7, ông Nguyễn Minh Hùng – Phó Trưởng phòng quản lý thương mại Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho hay, trước đây, mỗi lần tăng lương, dịp lễ, tết… rất dễ xảy ra hiện tượng đầu cơ, tích trữ, "leo thang'' theo lương, tăng giá bất hợp lý. Nguyên nhân chủ yếu do hệ thống phân phối còn mỏng, nguồn hàng không ổn định.
Tuy nhiên, hiện nay TP. Hồ Chí Minh triển khai chương trình bình ổn thị trường theo nguyên tắc: Đảm bảo nguồn cung, đảm bảo cân đối cung cầu, kiểm soát thị trường,... nên không còn tình trạng thiếu hàng hoặc tăng giá đột biến. Đặc biệt, đảm bảo giá cả hàng hóa trên thị trường không tăng theo lương.
Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, tăng lương sẽ tạo tâm lý nâng giá bán của nhà bán lẻ dễ dẫn đến tác động dây chuyền nên cần động thái chuẩn bị và hạn chế tác động tiêu cực. Do đó, từ trung ương đến địa phương đều đã có phương án dự phòng từ sớm; Chính phủ cùng một số bộ, ngành đã có chỉ thị đảm bảo cung cầu.
Riêng tại TP. Hồ Chí Minh cũng đã có chỉ đạo quyết liệt yêu cầu, các quận, huyện đang bám sát thị trường, doanh nghiệp bình ổn thị trường luôn trong trạng thái sẵn sàng bổ sung thiếu hụt cục bộ, không để mất cân đối cung cầu, đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa… trong mọi tình huống.
“Hiện, Sở Công Thương đang tập trung theo dõi sát thông tin, nắm bắt diễn biến giá cả một số mặt hàng thiết yếu có tác động lớn và tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định”, ông Nguyễn Minh Hùng cho biết.
Nhà nước và doanh nghiệp chung tay bình ổn thị trường
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đã họp thường xuyên và đưa ra các giải pháp kiểm soát nhằm tránh nỗi lo “té nước theo mưa” mỗi dịp tăng lương.
Nổi bật là bảo đảm nguồn cung, đầy đủ các mặt hàng thiết yếu của người dân như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện; thanh tra, kiểm tra thị trường, kiểm tra hoạt động về kê khai giá, chống đầu cơ, lũng đoạn, thao túng giá…
Để hạn chế tác động của việc lạm phát tâm lý khi tăng lương, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, tránh tình trạng tăng giá theo tăng lương đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa do Nhà nước quyết định, đặc biệt sau ngày 1/7/2024 khi việc tăng lương cơ sở được thực hiện.
Nhiều doanh nghiệp nỗ lực kiềm giá các mặt hàng. |
Với vai trò là đơn vị phân phối lớn của cả nước, Saigon Co.op cũng nỗ lực kiềm giá các mặt hàng, thậm chí còn tung ra các chương trình khuyến mãi nhằm tránh tính trạng giá hàng hóa “leo thang” theo lương.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng – Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho hay: “Tính đến thời điểm hiện tại thì giá cả hàng hóa các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại hệ thống vẫn ổn định, không biến động đáng kể so với trước thời điểm ngày 1/7. Saigon Co.op nỗ lực giữ giá cả bình ổn bằng các hình thức”.
Theo ông Thắng, đơn vị chủ động giảm lợi nhuận để tăng các chương trình khuyến mãi tại 800 điểm bán. Các chương trình khuyến mãi tại hệ thống diễn ra liên tục, mức độ giảm giá tăng theo giá trị giỏ hàng, tối thiểu giảm 20% so với giá bán thông thường....
Còn tại Hà Nội, các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, cửa hàng thực phẩm… về cơ bản giá bán các mặt hàng không thay đổi. Nhiều đơn vị kinh doanh chuỗi bán lẻ như WinMart, Co.opmart, Aeon Mall... vẫn đang triển khai chiến dịch khuyến mãi, giảm giá mạnh vào mùa hè.
Đại diện Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ tổng hợp WinCommerce cho biết trong tháng Bảy, đơn vị chủ quản của hệ thống siêu thị WinMart, chuỗi cửa hàng WinMart+ đang triển khai 2 kỳ khuyến mại mang tên: “Deal giải nhiệt - giảm kịch liệt” đợt 1 áp dụng từ ngày 4-17/7 và đợt 2 được áp dụng từ ngày 18 đến 31/7, để mang tới trải nghiệm mua sắm với mức giá phải chăng cho người tiêu dùng trên cả nước.
Như vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần nỗ lực có giải pháp để quản lý nhằm hạn chế lạm phát, giữ giá cả bình ổn. Cụ thể, các cơ quan cần giám sát chặt chẽ biến động giá các mặt hàng để ban hành chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá; điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước quản lý như điện, nước, học phí, dịch vụ khám chữa bệnh... không nên tăng đồng loạt cùng thời điểm.
Mặt khác, trước tình trạng một số mặt hàng tăng giá, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền tới các hộ kinh doanh và yêu cầu phải niêm yết giá theo đúng quy định của pháp luật và bán theo giá niêm yết, không tăng giá hàng hóa bất hợp lý; đồng thời, tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.