Chứng khoán “rực lửa”, nhà đầu tư nên làm gì?
VN-Index mất gần 40 điểm ngày giao dịch đầu tuần, trong bối cảnh đà bán tháo hiện tại nhiều khả năng chưa thể chấm dứt, xu hướng dài hạn của thị trường cũng trở nên tiêu cực hơn khiến không ít nhà đầu tư lo lắng.
Chưa dứt đà bán tháo?
Thị trường chứng khoán trải qua phiên giao dịch đầu tuần giông bão khi toàn thị trường có xấp xỉ 900 mã cổ phiếu bị giảm giá, chỉ số VN-Index “bay hơi” gần 40 điểm, lùi về mốc 1.153 điểm. Vốn hóa sàn HoSE cũng theo đó bị "thổi bay" gần 160.000 tỷ đồng, xuống còn 4,6 triệu tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch “dầu sôi lửa bỏng”, dòng chứng khoán rơi sốc khi tất cả các mã đều giảm trên 6%. Trạng thái tiêu cực nhanh chóng khiến nhiều nhóm ngành “trượt dốc” sâu như chế biến thủy sản, hóa chất, xây dựng, thép, bất động sản. Đáng chú ý, mức giảm -3,34% đưa VN-Index trở thành chỉ số giảm mạnh nhất châu Á vào ngày 25/9. Thậm chí, chứng khoán Việt Nam còn đi ngược diễn biến khả quan của nhiều thị trường lớn trong khu vực.
Nhà đầu tư ưu tiên quản trị rủi ro và cơ cấu lại danh mục đầu tư nhưng không nên bán tháo cổ phiếu bằng mọi giá khi giá. Ảnh minh họa |
Theo chuyên gia Huỳnh Minh Tuấn (Nhà sáng lập và Tổng giám đốc Công ty Đầu tư FIDT), thị trường đã chuyển trạng thái sau khi đi lên một chặng dài và tạo ra hiệu ứng tụ cung (lượng hàng giá cao và chờ chốt). Nhà đầu tư cá nhân có tâm lý quan ngại khi xu hướng đi lên của thị trường đã kết thúc. Nhóm cổ phiếu dẫn dắt đã điều chỉnh mạnh gồm bất động sản, chứng khoán và một số cổ phiếu có tính dẫn động nhờ câu chuyện tiềm năng.
Trong bối cảnh đó chỉ cần thông tin mang tính tác động dòng tiền (Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu, Thông tư 06 quy định về mục đích sử dụng vốn vay của công ty chứng khoán…) thì thị trường có cơ để chốt lời và bán mạnh bằng MP (lệnh thị trường) tạo ra hiệu ứng giao dịch cao cũng như tâm lý lo ngại.
“Đây là 2 thông tin tác động chính tới dòng tiền của thị trường và tạo ra áp lực như chúng ta thấy”, chuyên gia Huỳnh Minh Tuấn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc rà soát lại các tài khoản chứng khoán, ngân hàng, bất động sản với mục tiêu lành mạnh hoá thị trường nhưng cũng ảnh hưởng ít nhiều tới các vấn đề về tạo lập thị trường, về đầu cơ...
"Nhìn tổng quan, thị trường trong giai đoạn tới tương đối nhiều áp lực và có thể sẽ trải qua một giai đoạn điều chỉnh tích luỹ vài tuần trở lên", nhà sáng lập FIDT nhận định.
Đồng quan điểm, nhóm chuyên gia đến từ Chứng khoán Asean (AseanSC) cho rằng đà bán tháo trên thị trường nhiều khả năng chưa thể chấm dứt nhanh chóng, vùng hỗ trợ tiếp theo của thị trường là 1.120 – 1.150 điểm.
Theo AseanSC, tâm lý lo ngại trong ngắn hạn gia tăng trước động thái động thái hút ròng thanh khoản qua kênh tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước và Thông tư 06 có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nguồn vốn của công ty chứng khoán.
Nhà đầu tư nên làm gì?
Chuyên gia Chứng khoán AseanSC nhìn nhận trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị rủi ro và cơ cấu lại danh mục đầu tư nhưng không nên bán tháo cổ phiếu bằng mọi giá khi giá của các cổ phiếu đã bị chiết khấu khá mạnh.
“Nhà đầu tư dài hạn, nên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu và có thể gia tăng vị thế nắm giữ khi cổ phiếu bị điều chỉnh về vùng giá hấp dẫn đi kèm các tín hiệu hồi phục từ thị trường”, chuyên gia AseanSC khuyến nghị.
Tương tự, dưới góc nhìn kỹ thuật, chuyên gia tại Công ty Chứng khoán Beta (BSI) cho hay chỉ số VN-Index đang có xu hướng giảm ngắn hạn khi nằm dưới đường MA10, MA20 và SAR. Các chỉ báo kỹ thuật MACD và ADX cũng đang cho tín hiệu tiêu cực.
Hiện tại, mốc 1.150 điểm sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho VN-Index, nếu mất mốc hỗ trợ này nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục hướng xuống mốc hỗ trợ thấp hơn tại 1.120 điểm. Trong khi đó, mốc 1.200 điểm một lần nữa sẽ đóng vai trò kháng cự.
Trong giai đoạn hiện nay, mặc dù bối cảnh vĩ mô và triển vọng doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ sáng hơn trong 2 quý cuối năm, tuy nhiên, trong ngắn hạn tâm lý nhà đầu tư có thể đang bị ảnh hưởng bởi câu chuyện hút tiền qua tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước.
“Trong ngắn hạn, thị trường vẫn còn nhiều khả năng xuất hiện những biến động mạnh nên nhà đầu tư nên cẩn trọng trong việc sử dụng đòn bẩy. Đối với nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu thấp có thể cân nhắc tận dụng nhịp điều chỉnh để mua tích lũy cổ phiếu của những doanh nghiệp có triển vọng kết quả kinh doanh khả quan trong quý III/2023 hoặc có những thông tin hỗ trợ cho triển vọng kinh doanh tích cực hơn trong giai đoạn cuối năm”, báo cáo Chứng khoán Beta nêu.
Nhiều chuyên gia chứng khoán cũng cho rằng trong tình hình hiện nay, nhà đầu tư cần xem xét các biện pháp để kiểm soát rủi ro và cơ cấu lại danh mục đầu tư trong bối cảnh thị trường đang trải qua biến động lớn. Cụ thể, giảm tỉ lệ vay ký quỹ để giúp giảm rủi ro trong trường hợp thị trường giảm điểm mạnh. Khi sử dụng margin, nhà đầu tư nên luôn thận trọng và hiểu rõ các quy tắc và giới hạn liên quan.
Nhà đầu tư cũng nên đánh giá lại danh mục đầu tư để giảm tỉ trọng cổ phiếu, đặc biệt là trong những mã có tính đầu cơ cao. Những người nắm trong tay nhiều tiền mặt có thể tận dụng những cơ hội xuất hiện trong thị trường khi thị trường hồi phục sau giai đoạn suy giảm. Điều quan trọng là cẩn thận và không nên đánh bại thị trường.
"Thị trường chứng khoán luôn biến động. Tình hình có thể khó khăn trong thời gian tới, nhưng cơ hội vẫn còn tồn tại. Quan trọng là thực hiện các biện pháp phù hợp để đảm bảo sự bền vững trong đầu tư và tài chính cá nhân", một chuyên gia chứng khoán nhận định.