Chứng khoán tuần qua: Cổ phiếu nào ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường?
Áp lực bán mạnh hầu hết các mã ngành
Chứng khoán tuần qua, sau tuần giao dịch phục hồi tốt ở vùng hỗ trợ 1.105 điểm, VN-Index đã trải qua tuần giao dịch trái ngược với 04 phiên đầu tuần chịu áp lực mạnh đột biến trên rất nhiều mã, nhóm mã. Kết thúc tuần VN-Index ở mức 1.108,03 điểm, giảm 4,04% so với tuần trước và vượt lên lại mức giá thấp nhất ngày 04/10/2023. HNX-Index có diễn biến tương tự với 04 phiên giảm mạnh và phục hồi trong phiên cuối tuần. Kết thúc tuần ở mức 239,05 điểm giảm 4,43% so với tuần trước.
Trong tuần thanh khoản thị trường chứng khoán trên HOSE đạt 78.465,67 tỷ đồng, tăng 12,8% so với tuần trước, khối lượng giao dịch tăng 17,1% cho thấy áp lực bán mạnh hơn so với mức độ phục hồi tuần trước. Thanh khoản HNX tăng 9,7% với 10.265,24 tỷ đồng.
Xét theo mức độ đóng góp, PGV, SSB và GMD là những mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Trong đó, tính riêng PGV đã lấy đi hơn 0.1 điểm của chỉ số này. Ở chiều ngược lại, VHM, CTG và HPG là những mã có tác động tích cực nhất, chỉ riêng VHM đã bù lại hơn 2.2 điểm cho chỉ số.
Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, với diễn biến giảm điểm áp đảo trong tuần qua, nhiều nhóm cổ phiếu đã luân phiên chịu áp lực bán mạnh và chỉ bắt đầu hồi phục tốt trở lại phiên cuối tuần.
Trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản mặc dù phục hồi tốt trong phiên cuối tuần nhưng vẫn điều chỉnh mạnh trong tuần như DIG (-14,14%), DRH (-13,62%), NHA (-12,68%), VPH (-12,26%), NTL (-11,71%)... ngoài NBB (+10,26%) tăng giá tích cực.
Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng có diễn biến tương tự với nhiều mã chịu áp lực bán mạnh, thanh khoản gia tăng trên mức trung bình như CTS (-15,69%), AGR (-13,86%), FTS (-12,68%), VCI (-12,03%), TVS (-9,65%), MBS (-9,61%).
Trong khi đó các cổ phiếu ngân hàng đa số cũng chịu áp lực điều chỉnh nhưng phân hóa và tích cực hơn so với thị trường chung khi có những mã tăng giá so với tuần trước với LPB (+2,46%), EIB (+1,43%), HDB (+0,85%), CTG (+0,34%)....ngoài đa số chịu áp lực điều chỉnh, thanh khoản dưới mức trung bình, thể hiện áp lực bán không lớn như MSB (-6,81%), NVB (-5,83%), VIB (-5,17%), BID (-4,71%).
Các nhóm ngành khác hầu hết đều có diễn biến kém tích cực trong tuần với áp lực bán mạnh và chỉ phục hồi tốt khi thị trường vào vùng quá bán ngắn hạn.
Nhà đầu tư nước ngoài sau 06 tuần bán ròng mạnh, đã gia tăng giao dịch và mua ròng với giá trị 790,19 tỷ đồng trên HOSE; mua ròng trên HNX với giá trị 116,97 tỷ đồng.
Chứng khoán tuần qua: Cổ phiếu nào ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường? |
Chính sách tuần qua
Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước công bố, tỷ lệ nợ xấu đã lên 3,56% đến cuối tháng 7/2023. Với tỷ lệ này, số dư nợ xấu của toàn hệ thống đến cuối tháng 7 là hơn 440.000 tỷ đồng.
Ngân hàng nhà nước đã giảm quy mô phát hành tín phiếu xuống còn 55.900 tỷ đồng (tuần trước là 65.000 tỷ đồng) và có 20.000 tỷ đồng đã đến hạn và quay trở lại hệ thống.
Trong ngày 19/10, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu với giá trị 4.250 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu là 1,45%/năm. Đây là đợt phát hành với giá trị tương đối nhỏ và xảy ra ngay trước thềm đáo hạn khoản tín phiếu đầu tiên phát hành ngày 21/9.
Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024.
Nhiều doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý 3 và ngoài nhóm ngành chứng khoán hầu hết đều ghi nhận sự tích cực thì sự phân hóa giữa các doanh nghiệp trong các nhóm ngành khác là điều có thể nhận thấy. Nhìn chung trong bối cảnh như trên việc thị trường chững lại để tiếp tục tích lũy là vận động phù hợp.
Về tình hình vĩ mô, giá dầu thế giới tuần qua tiếp tục đà tăng (dầu Brent tăng 2,89%) do chiến sự tại Israel gia tăng căng thẳng.
Bên cạnh đó chủ tịch Fed tuần qua cho biết sẽ vẫn kiên định với mục tiêu hạ lạm phát xuống mức 2% cho thấy mặt bằng lãi suất tại Mỹ sẽ còn duy trì ở mức cao và chưa thể sớm biết khi nào thì sẽ giảm (hiện tại nhiều ý kiến đang ủng hộ việc tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới).
Theo thông tin từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, GDP quý 3 của quốc gia này tăng đến 4,9% yoy, cao hơn so với mức dự báo 4,6% được đưa ra trước đó từ các chuyên gia. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đón nhận các tin vui về kinh tế khác trong tháng 9/2023 như sản lượng công nghiệp tăng 4,5%; doanh số bản lẻ tăng 5,5% yoy; tỉ lệ thất nghiệp giảm còn 5% từ mức 5,2% hồi tháng 8.