Chứng khoán tuần qua: Cổ phiếu lớn đồng loạt lao dốc
Chứng khoán tuần qua có gì đặc biệt?
Chứng khoán tuần qua, kết thúc phiên giao dịch VN-Index giảm mạnh 2,80% so với tuần trước về mức 1.193,05 điểm. HNX-Index kết thúc tuần ở mức 252,76 điểm, giảm 1,34% so với tuần.
Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 118.474,10 tỷ đồng, giảm 11,1% so với tuần trước, khối lượng giao dịch giảm 12,5%. Thanh khoản HNX giảm 5,5% với 11.663,20 tỷ đồng. Thể hiện áp lực bán ở mức cao đối với nhiều mã, nhóm mã.
Thị trường chứng khoán ghi nhận tuần giao dịch đầy tiêu cực với áp lực bán vẫn còn khá mạnh.
Theo Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội, nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán có diễn biến kém tich cực nhất với áp lực bán mạnh đột biến trong những phiên cuối tuần như VIX (-9,44%), VFS (-8,90%), BSI (-8,78%).
Các cổ phiếu ngân hàng ngoài NAB (+2,78%), STB (+1,23%) tăng điểm trong tuần, đa số cũng chịu áp lực bán, thanh khoản trên mức trung bình như EIB (-8,94%), LPB (-8,57%), VIB (-5,80%), VPB (-5,76%).
Nhóm bất động sản sau tuần giao dịch trước có diễn biến kém tich cực, đa số tiếp tục chịu áp lực bán mạnh trong tuàn này với thanh khoản gia tăng như CEO (-11,81%), QCG (-10,00%), CII (-9,44%), TDH (-9,00%), NVL (-7,94%), HDG (-6,53%), PDR (-6,31%).
Trong khi đó nhóm cổ phiếu xuất khẩu lại có diễn biến khá tich cực phiên trước những kỳ vọng tình hình xuất khẩu cải thiện cho nhu cầu cuối năm và đồng USD cải thiện, nổi bật như thủy sản ANV (+15,29%), IDI (+10,79%), CMX (+8,84%), VHC (+8,55%).... hóa chất CSV (+16,06%), DGC (+7,93%)...
Xét theo mức độ đóng góp, VHM, VIC và HPG là những mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Trong đó, tính riêng VHM đã lấy đi hơn 2.3 điểm của chỉ số này.
Ở chiều ngược lại, VCB, BID và GAS là những mã có tác động tích cực nhất. Tính riêng VCB đã bù lại hơn 3.4 điểm cho chỉ số.
Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng giao dịch, bán ròng mạnh tuần thứ 04 liên tiếp với giá trị gia tăng 1.647,89 tỉ đồng, tập trung bán mạnh ở nhóm thép, ngân hàng, dịch vụ tài chính, chứng khoán; bán ròng trên HNX với giá trị 5,37 tỷ đồng.
Chứng khoán tuần qua 18-22/9/2023 cổ phiếu lớn đồng loạt lao dốc. |
Kỳ vọng chính sách mới
Thị trường tuần qua đón nhận nhiều thông tin quan trọng, như kết thúc cuộc họp ngày 20/09/2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất duy trì ở phạm vi 5,0% đến 5,25%.
Ngoài ra, FED cũng cho biết có thể sẽ thực hiện thêm một đợt tăng nữa trước cuối năm nay và có ít đợt hạ lãi suất hơn so với dự kiến vào năm tới.
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã quyết định tạm dừng đợt tăng lãi suất kéo dài gần 2 năm qua trong bối cảnh nền kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại.
Trong ngày 19/09, OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) đã công bố dự báo kinh tế mới nhất của mình về tăng trưởng GDP toàn cầu 2023. Trong đó, tăng trưởng GDP toàn cầu 2023 được tăng mức dự báo từ 2,7% hồi tháng 6 lên 3,0% nhưng đây vẫn mức thấp hơn tăng trưởng 3,3% của năm ngoái. OECD còn cảnh báo về tác động của việc NHTW tăng lãi suất sẽ lớn hơn dự kiến trong khi lạm phát còn đang kéo dài.
Ngày 19/09, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ nhân dịp tới Mỹ tham dự phiên thảo luận của Liên Hợp Quốc. Trong buổi gặp mặt, Thủ tướng đề xuất phối hợp để nhanh chóng thực hiện thỏa thuận của lãnh đạo hai nước liên quan tới lộ trình công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam, không áp dụng phòng vệ thương mại.
Thị trường tiền tệ Việt Nam cũng ghi nhận một diễn biến đáng chú ý khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mở lại kênh hút tiền qua kênh tín phiếu sau hơn 6 tháng tạm dừng. Cụ thể, NHNN ngày 21/9/2023 đã chào thầu thành công gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu cho 2 thành viên thị trường với kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 0,69%.
Điều này được cho là có ảnh hưởng tiêu cực tác động lên nhóm cổ phiếu nhạy với diễn biến thanh khoản và lãi suất, trong đó có 2 nhóm ngành chứng khoán và bất động sản.