Chứng khoán tuần qua 18/3 - 22/3/2024: VN-Index vượt mốc 1.280 điểm
Chứng khoán tuần qua
Chứng khoán tuần qua 18/3 - 22/3/2024, thị trường giao dịch khá tích cực khi chỉ số hồi phục trở lại và tiếp tục duy trì đà tăng sau đợt giảm mạnh vào 2 phiên đầu tuần.
Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, thị trường chứng khoán tuần qua dù trải qua phiên đầu tuần biến động rất mạnh khi giảm mạnh gần 50 điểm trong phiên từ vùng giá 1.270 điểm về 1.220 điểm, sau đó phục hồi trở lại vùng 1.240 điểm với thanh khoản ở mức kỷ lục gần 48 ngàn tỷ đồng.
VN-Index ở những phiên giao dịch còn lại phục hồi tăng giá mạnh mẽ vượt lên vùng đỉnh năm 2023 tương ứng 1.245 điểm -1.255 điểm và vượt lên vùng đỉnh giá cao nhất 02 tuần trước quanh 1.275 điểm.
Kết thúc tuần VN-INDEX tăng 1,43% lên mức 1.281,80 điểm và bắt đầu tiệm cận vùng giá quanh 1.295 điểm, tương ứng giá cao nhất tháng 08/2022. HNX-Index kết tuần ở mức 241,58 điểm tăng 0,89% so với tuần trước.
Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 151.877,51 tỷ đồng, tăng mạnh 20,4% so với tuần trước. Đây là tuần giao dịch có thanh khoản ở mức kỷ lục khi trung bình hơn 30 nghìn tỷ đồng/phiên, khối lượng giao dịch hơn 1,1 tỷ cổ phiếu/phiên, chỉ thua kém tuần giao dịch cao nhất lịch sử là tuần 19/11/2021. Thể hiện mức độ xoay vòng nhanh, mạnh trong thị trường với nhiều cơ hội sinh lợi ngắn hạn tốt.
Tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng là động lực dẫn dắt thị trường phục hồi sau phiên giảm mạnh, vượt lên vùng đỉnh năm 2023, hướng đến vùng đỉnh tháng 08,09/2022 với nhiều mã tăng mạnh, vượt đinh gần nhất, thanh khoản gia tăng tốt nổi bật với TCB (+8,45%), VIB (+7,56%), MBB (+5,25%), BID (+3,83%)... ngoài NAB (-2,13%), ABB (-1,22%), SSB (-1,11%) là giảm.
Trong khi các mã dịch vụ tài chính, chứng khoán phân hóa mạnh hơn, đa số phục hồi kém sau giảm mạnh như VFS (-6,64%), IVS (-6,47%), FTS (-3,75%), VIX (-3,12%)... ngoài các mã vẫn thu hút dòng tiền ngắn, thanh khoản gia tăng mạnh với CSI (+4,91%), SHS (+4,71%), VND (+3,18%).
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng là động lực chính trong tuần qua khi nhiều mã tăng giá manh, vượt vung giá đỉnh gần nhất, thanh khoản rất đột biến, nổi bật với HPX (+37,18%), DIG (+12,11%), PDR (+12,10%), TCH (+12,03%), DXG (+8,47%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh VRC (-12,33%), IJC (-3,98%), KOS (-3,78%), HD6 (-3,17%).
Các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su phân hóa mạnh hơn ngoài D2D (+17,50%), KBC (+6,25%), PHR (+4,40%)... tăng giá tích cực thì đa số chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh sau giao đoạn tăng giá tốt vượt trội thị trường chung như DTD (-5,48%), TIP (-4,63%), GVR (-3,90%), SZC (-3,78%).
Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng giao dịch, gia tăng bán ròng khá đột biến với giá trị 3.177,47 tỷ đồng trên HOSE; mua ròng trên HNX với giá trị 90,65 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán tuần qua đầy biến động nhưng tiếp tục tăng điểm. Ảnh minh họa, nguồn: VGP |
Chính sách tuần qua
Thị trường đón nhận nhiều thông tin trong tuần như, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 120/2020/TTBTC ngày 31/12/2020.
Sáng 19/3/2024, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2024 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề "Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh". Trong đó Hiệp hội các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam gửi đến VBF2024 những băn khoăn về tình trạng thiếu điện trong các khu công nghiệp để duy trì ổn định sản xuất, kiến nghị Chính phủ cung cấp điện thông suốt.
Trên thế giới, sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ vẫn giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 5,25% -5,5% từ tháng 7/2023 và là mức cao nhất trong vòng 23 năm. Các quan chức FED cũng giữ nguyên dự kiến 3 đợt cắt giảm 0,25 điểm phần trăm trong năm nay. FED cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP trong năm nay lên 2,1%, tăng so với ước tính 1,4% trong tháng 12. Các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng đã vượt đỉnh trước thông tin này.
Ngân hàng trung ương Anh quyết định giữ lãi suất ở mức 5,25%; Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ quyết định giảm lãi suất. Đây là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên thế giới giảm lãi suất sau 9 năm.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hôm 19/03/2024 đã lần đầu tiên tăng lãi suất kể từ năm 2007, chấm dứt chính sách lãi suất âm duy nhất trên thế giới. Động thái được đưa ra sau khi thị trường lao động Nhật Bản ghi nhận những tín hiệu ban đầu về mức tăng lương mạnh mẽ trong năm tài chính 2024. Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã tăng lãi suất ngắn hạn từ -0,1% lên ngưỡng 0 - 0,1%.