Chứng khoán những tháng cuối năm được dự báo ra sao?
Song, vấn đề lòng tin và cơ sở pháp lý cần phải chặt chẽ hơn. Nhà nước cần có sự điều hành một cách thống nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nền tảng số phát triển mạnh.
Những rủi ro về lạm phát, tăng lãi suất, giá nguyên liệu, căng thẳng địa chính trị…trên toàn cầu vẫn diễn ra khốc liệt. Tuy nhiên, nếu so sánh về mức định giá và các yếu tố kinh tế vĩ mô, nội tại của doanh nghiệp với các thị trường trong khu vực, thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo có phần tích cực hơn so với giai đoạn từ đầu quý II tới nay.
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), VN-Index sẽ được kỳ vọng hồi phục trong nửa cuối năm nay. Tương ứng vùng Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) hợp lý từ 12,8 – 15,1 lần, MASVN cho rằng, VN-Index có thể quay lại vùng 1.300 - 1.530 điểm trong nửa cuối năm.
Còn Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo trong tháng 7/2022, VN-Index sẽ biến động trong khoảng 1.180 – 1.250 điểm. Tuy nhiên với kịch bản tiêu cực, giá dầu lại tăng mạnh trở lại; đồng thời tăng trưởng kinh tế Mỹ xác nhận đi vào “suy thoái kỹ thuật”, VN-Index có thể diễn biến xấu hơn so với mức kỳ vọng. Vì vậy, trong tháng 7/2022, chiến lược đầu tư mang tính phòng thủ cao vẫn được khuyến nghị.
Còn theo Công ty Chứng khoán SSI, kênh giá 1.150 - 1.223 điểm có thể là vùng dao động chính của VN-Index trước khi xác nhận xu hướng tiếp theo bằng cách chinh phục cạnh trên hoặc phá vỡ cạnh dưới của kênh giá. Theo đó, các giao dịch ngắn hạn có thể tận dụng gia tăng vừa phải tỷ trọng cổ phiếu sau khi VN-Index hồi phục lại từ cạnh dưới (1.150 điểm) với khối lượng cải thiện và hạ tỷ trọng khi chỉ số tiệm cận cạnh trên (1.223 điểm).
“Thời điểm này là lúc nên chọn ‘ngủ yên’ hơn ‘ăn ngon’ với những chiến lược đầu tư mang tính phòng vệ hơn là tìm lợi nhuận cao với rủi ro cao. Nhà đầu tư nên đi tìm những mã cổ phiếu có sự ổn định, lịch sử giao dịch lâu năm và của các doanh nghiệp lớn, có uy tín và tình hình tài chính ổn định. Đặc biệt, nhà đầu tư phải có điểm cắt lỗ, chốt lời và thực hiện các giao dịch một cách chặt chẽ theo một chiến lược đã xây dựng”, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính khuyến nghị.
Theo các chuyên gia của KBSV, động lực tăng trưởng chính của thị trường chứng khoán trong 6 tháng cuối năm nay sẽ đến từ khả năng đề kháng tốt của nền kinh tế trước những áp lực gia tăng từ ngoại biên, cũng như đà tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết.
Kỳ vọng thị trường trong quý III này sẽ sớm bước vào nhịp hồi ngắn hạn, phản ứng với các chỉ tiêu vĩ mô tích cực được công bố, cũng như mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II, đặc biệt sau nhịp điều chỉnh sâu ở nhóm cổ phiếu tính chu kỳ cao như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và các ngành liên quan.
Trong kịch bản cơ sở suy thoái kinh tế Mỹ chưa xảy ra trong 6 tháng cuối năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có xu hướng hồi phục khi các yếu tố cơ bản nội tại trong nước (tăng trưởng GDP, tiêu dùng trong nước phục hồi, tăng trưởng xuất khấu, thu hút vốn FDI…) dần phản ánh rõ nét hơn lên kết quả kinh doanh các doanh nghiệp, theo đó là diễn biến khởi sắc của giá cổ phiếu.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect cũng đã đưa ra 5 luận điểm đầu tư cho nửa cuối năm 2022. Thứ nhất, ngành dịch vụ sẽ phục hồi nhanh hơn và dẫn đầu là du lịch hàng không.
Thứ hai, các ngân hàng, công ty bảo hiểm và các doanh nghiệp với lượng “tiền mặt” lớn có thể được hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng, riêng lĩnh vực ngân hàng là đại diện tốt nhất cho sự hồi sinh của nền kinh tế Việt Nam.
Thứ ba, giá một số hàng hóa cơ bản có xu hướng đạt đỉnh trong nửa cuối năm 2022 sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận cho các doanh nghiệp sản xuất sữa và thực phẩm.
Thứ tư, đầu tư công sẽ tăng tốc trong những tháng tới nhờ những nỗ lực gần đây của Chính phủ và sự đảo chiều giá vật liệu xây dựng. Cuối cùng, phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng sẽ là câu chuyện đầu tư dài hạn mang lại tăng trưởng cho một số cổ phiếu ngành điện và dầu khí.