Chủ động nguồn nguyên liệu, xuất khẩu cá tra vượt đỉnh
Xuất khẩu vượt đỉnh 3 năm trước
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, ngành hàng cá tra đã nhanh chóng vượt qua những khó khăn; doanh nghiệp đã chủ động nguồn nguyên liệu, tận dụng cơ hội về nhu cầu thị trường thế giới tăng tiêu thụ sau đại dịch; từ đó đã tổ chức sản xuất, chế biến và xuất khẩu hiệu quả, góp phần quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng chung của ngành thủy sản. Xuất khẩu cá tra năm 2022 dự kiến đạt 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2021, vượt qua đỉnh năm 2018 là 2,26 tỷ USD.
Hai thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc (chiếm 30%), Mỹ (chiếm 23%). Trong 9 tháng đầu năm nay, Mỹ nhập khẩu 104,5 ngàn tấn cá tra phi lê đông lạnh, trị giá 445 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và 91% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trung bình xuất khẩu sang Mỹ đạt 4,26 USD/kg, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, nhiều thị trường khác có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như EU, Thái Lan, Mexico... Giá xuất khẩu cá tra phi lê sang các thị trường khác đều tăng trung bình từ 28-66%. Có thể nói, ngành hàng cá tra đã triệt để tận dụng cơ hội về nhu cầu thị trường sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là cơ hội về giá nên giá trị xuất khẩu vượt trội…
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, dù đã 20 năm tham gia thị trường xuất khẩu nhưng 99% sản phẩm cá tra xuất khẩu là ở phân khúc fillet và nguyên con cắt khúc – là các mặt hàng ở mức sơ chế ban đầu, và chỉ có 1%-2% ở phân khúc sản phẩm giá trị gia tăng cao.
Là tỉnh có lượng cá tra xuất khẩu lớn nhất cả nước, ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tính đến cuối năm 2022, tổng giá trị sản xuất ngành thuỷ sản của tỉnh đạt 12.831 tỷ đồng, trong đó, ngành hàng cá tra đạt 8.232 tỷ đồng, chiếm 64,1% tổng giá trị sản xuất ngành thủy sản, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 985 triệu USD. Tổng diện tích thả nuôi là 2.450 ha, trong đó có 62% diện tích là vùng nuôi thuộc các doanh nghiệp, 38% diện tích là các hộ nuôi cá thể có liên kết đầu vào và liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Sản lượng hàng năm trên 505 nghìn tấn, cung cấp trên 92% nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Tại Đồng Tháp có 379 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được cấp mã số nhận diện ao nuôi với diện tích trên 1.627,6 ha mặt nước, trong đó có 661,7 ha của 24 doanh nghiệp nuôi cá tra xuất khẩu và 965,9 của hộ cá thể; áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo VietGAP, GlobalGAP, ASC và tương đương với trên 42% diện tích thả nuôi.
Giám áp lực cho xuất khẩu
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cá tra là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản với sản lượng hàng năm khoảng 30% tổng sản lượng cả nước. Diện tích nuôi cá tra khoảng 5.700 ha, tập trung tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu cá tra phi lê tăng từ 28 - 66% so với cùng kỳ năm 2021, kéo theo giá cá tra nguyên liệu cũng tăng. Giá thu mua cá nguyên liệu duy trì mức 27.000 - 29.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm giữ ở mức 30.000 - 31.000 đồng/kg, cao hơn trung bình khoảng 7.000 - 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021. Doanh nghiệp, cơ sở nuôi tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ cá tra đều có lãi. Tính đến 30/11/2022, có 356 giấy chứng nhận VietGAP thủy sản đã được cấp cho 356 cơ sở nuôi cá tra với diện tích 3.192 ha tại 11 tỉnh.
Để ngành hàng cá tra phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình quốc gia nuôi thủy sản giai đoạn 2021- 2030. Theo đó, mục tiêu chính là đẩy mạnh liên kết, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng cá tra giữa nông dân và doanh nghiệp; quy hoạch vùng nuôi hợp lý trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương; xây dựng thương hiệu và tăng cường xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu; ứng dụng công nghệ mới trong nuôi trồng cá nguyên liệu đạt chất lượng và chế biến nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao… Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, nhằm hướng tới nâng cao giá trị chuỗi ngành hàng cá tra, phát triển ngành sản xuất cá tra thành ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh theo hướng bền vững, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch số 309/KH-UBND về phát triển ngành hàng cá tra tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 theo hướng bền vững, hiện đại dựa trên việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất và quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đối ngành cá cá tra, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản - Tổng cục Thủy sản đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực ngành hàng cá tra như: Tăng cường quản lý điều kiện sản xuất và kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm trong công đoạn nuôi; tiếp tục tổ chức hợp tác, liên kết chuỗi; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm cá tra nhằm khẳng định vị thế sản phẩm cá tra Việt Nam trên thị trường thương mại thế giới; tiếp tục quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho thị trường nội địa, đặc biệt quan tâm đến bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học...
Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới, để phát triển theo đúng định hướng, ngành hàng cá tra cần thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng nuôi; bố trí nguồn lực thực hiện sản xuất con giống, nuôi trồng, chế biến đạt hiệu quả; mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm việc không thực hiện các quy định pháp luật trong nuôi trồng, chế biến cá tra... Cùng với đó, trước áp lực xuất khẩu có khó khăn, ngành cá tra cần chủ động phát triển quảng bá, giới thiệu sản phẩm cá tra cho thị trường nội địa, đặc biệt quan tâm kết nối doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra với bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học nhằm cung cấp bữa ăn đảm bảo an toàn thực phẩm với chi phí hợp lý, góp phần giảm áp lực cho xuất khẩu...