Cao Thị Ngọc Dung – Người đàn bà thép trong ngành kim hoàn
Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung: "Tốt là kẻ thù của tốt nhất" PNJ khai trương Trung tâm bán sỉ trang sức và đồ mỹ nghệ kim hoàn đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh |
Bà Cao Thị Ngọc Dung sinh năm 1957 là người con tỉnh Quảng Ngãi, sinh ra trong một gia đình khá giả với truyền thống kinh doanh. Không giống tiểu thư các gia đình khác, bà Dung sớm đã phải tham gia lao động và thấm nhuần những khó khăn khi đất nước còn trong thời kì chiến tranh, bom đạn. Chính vì thế, bà hiểu hơn hết giá trị của lao động, nuôi dưỡng đam mê mãnh liệt với kinh doanh, buôn bán.
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ. |
Năm 1979 bà thi đỗ vào trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, tới năm 1982 bà tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế thương nghiệp tại đây, sau đó chính thức bắt đầu công việc đầu tiên của mình tại Công ty Thương nghiệp tổng hợp Phú Nhuận.
Trong những năm tháng làm việc, bằng sự nhanh nhẹn, nhạy bén và sẵn sàng đổi mới bản thân, bà luôn được cấp trên và đồng nghiệp yêu mến, tin tưởng, liên tục được tiến cử, đề bạt với nhiều vị trí khác nhau. Năm 1988, bà chính thức được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).
Bước đệm đưa tên tuổi của PNJ rực sáng
Khi doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung trở thành giám đốc điều hành, tài sản của công ty chỉ có 7,4 lượng vàng với vỏn vẹn 20 nhân viên. Nhưng điều đó cũng chẳng thể làm khó được nữ doanh nhân, bởi với bà, khi đã chấp nhận nhiệm vụ của người lãnh đạo, cũng là chấp nhận phải luôn chuẩn bị tinh thần đối mặt khó khăn thử thách sẽ ập tới bất kể lúc nào.
Thời điểm cuối những năm 80 khi ấy, hầu hết các công ty vàng bạc của thành phố và quận huyện ra đời đều đi theo mô hình hợp tác với tư nhân, bà Dung hoàn toàn ngược lại. Công ty của bà không hề đi theo số đông, dù cho có quá nhiều lời bình phẩm rằng quyết định này của bà không chỉ cho thấy sự ương ngạnh, cứng đầu mà còn có thể đem đến tổn thất lớn cho công ty.
Mặc những lời ra tiếng vào tiêu cực, bà vẫn dắt dẫn con thuyền PNJ năm ấy theo đúng quyết sách bản thân đã hoạch định và tới năm 1992, khi nhà nước chính thức cho tư nhân kinh doanh vàng, trong bối cảnh làn sóng các nhà buôn bỏ đi kinh doanh riêng, mô hình của công ty mà bà Dung táo bạo thực hiện đã chứng minh được tầm nhìn đúng đắn của bà.
Khi ấy các doanh nghiệp nhà nước chật vật, điêu đứng thì PNJ vẫn trụ vững, thậm chí còn nổi lên như một ngôi sao bởi không hề bị phụ thuộc và bên cạnh đó ngoài việc có xí nghiệp kim hoàn riêng, công ty còn có được đội ngũ thợ chế tác kim hoàn đã đồng hành, sát cánh từ những ngày đầu tiên.
Dấu mốc năm 1992 không chỉ là năm bà chứng tỏ được tầm nhìn của bản thân mà đây còn là một năm đầy thách thức khi thành phố giới thiệu cho công ty của bà một đối tác tại Úc với mục đích thành lập công ty liên doanh sản xuất trang sức theo hướng công nghiệp hóa.
Với bản tính cẩn thận và cầu toàn, bà Dung đã chủ động đề nghị lãnh đạo quận Phú Nhuận sang nước bạn để tận mắt chứng kiến người thật việc thật xem họ kinh doanh thế nào mới quyết định có liên doanh hay không.
Sau khi học hỏi mô hình tại nước bạn, bà càng chắc chắn cương quyết hơn với việc thế giới làm được thì bà cũng sẽ làm được, do đó nữ doanh nhân không đồng ý việc liên doanh với doanh nghiệp ngoại quốc.
“Tôi sẽ cho thế giới thấy được ngành công nghiệp kim hoàn của Việt Nam phải ngang bằng thế giới”, bà Dung từng giãi bày.
Nói là làm, ngay lập tức bắt tay vào công việc, nữ giám đốc đã cho nhập máy móc để có những sản phẩm công nghiệp đầu tiên cho ngành kim hoàn Việt Nam. Có thể nói đây là giai đoạn hết sức khó khăn với bà và toàn thể cán bộ, công nhân viên của công ty.
Khó từ khâu sản xuất, khó từ những ý tưởng chưa từng có ai làm và khó cả từ áp lực để chứng tỏ được vị thế của ngành kim hoàn Việt Nam trước những hoài nghi của biết bao con người, nhưng cuối cùng bằng sự đồng sức, đồng lòng bà và công ty đã vượt qua sóng gió. Đây được coi là bước đệm lớn đưa tên tuổi của PNJ rực sáng hơn.
PNJ đã cho ra mắt nhiều tuyệt tác khẳng định tầm vóc của một trong những thương hiệu trang sức hàng đầu thế giới. Ảnh: sưu tầm. |
Những năm tháng trên cương vị là người thuyền trưởng, chịu trách nhiệm dẫn dắt cả một con thuyền, bà Dung chưa bao giờ ngưng bồi đắp tri thức. Bà luôn tự học, làm dày thêm những kiến thức về chuyên ngành vàng bạc, đá quý để thấu hiểu hơn về lĩnh vực mà bà đang điều hành.
Ngoài ra, bà luôn là người lãnh đạo đi đầu, tiên phong trong việc học hỏi công nghệ, kỹ năng từ những nước đang phát triển. Nữ giám đốc luôn sẵn sàng chiêu mộ thêm nhiều chuyên gia tư vấn nước ngoài từ Hội đồng Vàng thế giới về để cùng bà thực hiện hóa việc xây dựng thương hiệu nữ trang cao cấp.
Để rồi từ một công ty nhỏ với số tài sản 7,4 chỉ vàng và vỏn vẹn 20 thợ kim hoàn, dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt của bà, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận ngày càng lớn mạnh hơn, số lượng công nhân tăng lên theo cấp số nhân. Đồng thời đưa PNJ trở thành thương hiệu nổi tiếng, phủ sóng toàn quốc.
Bản lĩnh người đàn bà thép
Không phải bỗng chốc nữ doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung có được một cơ ngơi đồ sộ như ngày hôm nay. Người đàn bà thép của ngành kim hoàn Việt đã từng trải qua giai đoạn thăng trầm với biết bao sóng gió.
Thời điểm cuối năm 2000, khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, bà Dung được chuẩn đoán mắc bệnh ung thư. Những tưởng sẽ suy sụp, tuyệt vọng như bao người bệnh khác, bà Dung có phần bình tĩnh và lạc quan hơn.
“Nhớ lại thời điểm đó, tôi đã nghĩ bây giờ ngồi khóc than cũng chẳng thể giúp tôi hết bệnh. Nếu tôi không thể chữa hết bệnh ung thư thì tôi sẽ chết. Vì thế, những ngày còn lại của cuộc đời tôi thì tôi sẽ phải sống ra sao và nên làm những gì” – nữ doanh nhân từng tâm sự.
Bằng nghị lực sống và niềm lạc quan của bản thân, cùng tâm thái an nhiên, tích cực phối hợp điều trị, bà Dung đã vượt qua căn bệnh ung thư. Trải qua biến cố sinh tử, thái độ sống của bà cũng thay đổi, bà chia sẻ rằng luôn tâm niệm, nhắc nhở bản thân được “trời thương” may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần, được cho cơ hội sống lại lần nữa thì phải sống sao cho xứng đáng, càng không được ngã khuỵu trước những khó khăn.
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ được vinh danh là một trong 40 biểu tượng xuất sắc nhất (Extraordinary 40) ngành kim hoàn thế giới. Ảnh: sưu tầm |
Những tưởng biến cố chỉ dừng lại ở đó, đến năm 2015, trong giai đoạn PNJ đang lên như diều gặp gió, phát triển với tốc độ chóng mặt khi định hình được nền công nghiệp kim hoàn, một lần nữa biến cố lại ập đến với cuộc đời bà, khi chồng bà (ông Trần Phương Bình) phải ra hầu tòa vì những sai phạm trong điều hành Ngân hàng Đông Á.
Thời điểm ấy, cơn bão dư luận bùng nổ, hàng loạt tin đồn lan truyền rằng PNJ đứng trước bờ vực phá sản khi là cổ đông lớn của ngân hàng này. Song, đứng trước làn sóng thách thức ấy, bằng bản lĩnh thương trường, bằng sự mạnh mẽ, bình tĩnh được tôi luyện suốt bao năm tháng của một người lãnh đạo, nữ doanh nhân vẫn vững tay chèo cầm lái con thuyền PNJ vượt giống bão, tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong sân chơi vàng bạc trang sức.
Có thể thấy được thành công của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) ngày nay đều nhờ sự dẫn dắt, chỉ đạo tài giỏi và bản lĩnh của “người đàn bà thép” Cao Thị Ngọc Dung. Một nữ tướng dám đương đầu với sóng gió, bứt phá vươn lên trước những thăng trầm, biến cố lớn trong đời để đưa PNJ hiện thực hóa giấc mơ “đế chế” bán lẻ vàng bạc trang sức số 1 châu Á.