Cải thiện môi trường kinh doanh: Chính sách hỗ trợ thiết thực nhất cho doanh nghiệp
Môi trường kinh doanh cải thiện chưa bền vững
Đánh giá về kết quả cải thiện MTKD giai đoạn 2015-2020, TS Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng CIEM – cho rằng: Đây là giai đoạn Chính phủ đã liên tục ban hành các Nghị quyết 19/NQ-CP và 02/NQ-CP về cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cụ thể, từ năm 2014-2018 mỗi năm Chính phủ đều ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP và các năm 2019-2020 là Nghị quyết 02/NQ-CP với nhiều nội dung quyết liệt, sáng tạo nhằm cải thiện MTKD, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, nhờ đó MTKD của Việt Nam đã có sự cải thiện rõ rệt, nhiều chỉ số được cải thiện đáng kể, trong đó có 5 chỉ số cải thiện được vị trí.
Cụ thể, chỉ số tiếp cận điện năng năm 2020 xếp thứ 27, tăng 108 bậc so với năm 2015; nộp thuế tăng 64 bậc, từ vị trí 173 vào năm 2015 đã lên 104 vào năm 2020; bảo vệ nhà đầu tư tăng 20 bậc; tiếp cận tín dụng tăng 11 bậc; khởi sự kinh doanh tăng 10 bậc.
Cải thiện môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch mang lại ý nghĩa thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp |
Không chỉ MTKD được cải thiện, theo TS Nguyễn Đình Cung, ngay cả nhận thức của các bộ, ngành, địa phương về cải thiện MTKD cũng đã có sự thay đổi và đạt được những kết quả tích cực.
“Điển hình là Bộ Công Thương, Tổng cục Thuế đã đạt được những kết quả rất rõ nét trong cải thiện MTKD” – Ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Mặc dù đã có sự cải thiện, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, MTKD Việt Nam thiếu sự bền vững, từ năm 2020 đến nay, quá trình cải cách MTKD đang có sự chững lại, một phần do sự xuất hiện của dịch Covid-19 đã khiến Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương dành trọn sự nỗ lực, quan tâm vào kiểm soát dịch bệnh. Nếu điều này không sớm được cải thiện, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng MTKD của Việt Nam trong những năm tới.
Doanh nghiệp cần môi trường kinh doanh như “vắc-xin”
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản – cho biết: Thời điểm này, ưu tiên tập trung phòng, chống dịch Covid-19 là cần thiết, nhưng không vì thế mà “bỏ quên” cải cách MTKD.
“Bởi, chúng tôi cần MTKD thuận lợi như cần “vắc-xin” vậy” – ông Nguyễn Hoài Nam khẳng định và cho rằng, thúc đẩy cải cách MTKD cần được Chính phủ và các bộ, ngành ưu tiên sau chống dịch Covid-19.
Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Minh Thảo – Trưởng Ban Nghiên cứu MTKD và Năng lực cạnh tranh (CIEM) – nhận định: Cải thiện MTKD có ý nghĩa vô cùng quan trọng với cộng đồng doanh nghiệp, bởi những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chỉ có tác dụng trong một thời gian ngắn, còn cải thiện MTKD mới đem lại tác động lâu dài, ổn định, bền vững và mang lại những hiệu quả tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ vì tập trung phòng, chống dịch Covid-19 mà “quên” nhiệm vụ cải thiện MTKD. Bởi nếu không duy trì cải cách MTKD liên tục như giai đoạn 2014-2019, chúng ta sẽ phải mất vài năm nữa mới lấy lại đà cải cách, điều này sẽ tác động xấu đến MTKD và khả năng phục hồi kinh tế sau đại dịch. Thậm chí, có thể đi sau một số quốc gia về tốc độ phục hồi kinh tế, điều này sẽ tạo ra “thiệt đơn, thiệt kép” cho doanh nghiệp.
“Trước yêu cầu khắc phục thiệt hại do dịch bệnh và phục hồi kinh tế sau đại dịch thì cải cách lại trở nên cấp thiết hơn. Chúng ta đang cần một chương trình cải cách mà chương trình này phải mang tư duy tiến cùng thời đại, một chương trình cải cách thể chế, cải thiện MTKD sâu rộng, đột biến và sáng tạo sẽ là yếu tố không thể thiếu để phục hồi kinh tế sau đại dịch” – TS Nguyễn Đình Cung cho biết thêm.
Tuy vậy, để cải cách được MTKD theo hướng hiệu quả, bền vững, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh sự quyết liệt vào cuộc của các cấp, các ngành, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Bởi thực tế đã chứng minh, ở đâu người đứng đầu quyết liệt trong cải cách thì ở đó MTKD có sự cải thiện tích cực.
Cải cách MTKD thời gian qua đã giúp bãi bỏ thực chất hàng ngàn vướng mắc, các rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo MTKD thông thoáng, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hoạt động. |