GS.TS Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Vinh quang và áp lực của ngành y
GS.TS - Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Quốc Anh
Thành tựu lớn trong gây mê hồi sức
Giáo sư - Tiến sĩ - Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Quốc Anh đã có gần 30 năm công tác và gắn bó với bệnh viện Bạch Mai – một bệnh viện hạng đặc biệt cấp quốc gia đạt nhiều thành tựu đột phá về công tác khám chữa bệnh, nhất là các bệnh hiểm nghèo.
Một trong những đóng góp đáng kể nhất của TS Nguyễn Quốc Anh là gây dựng và phát triển Khoa Gây mê hồi sức của bệnh viện, áp dụng và triển khai các kỹ thuật mới vào điều trị bệnh nhân. TS Nguyễn Quốc Anh kể lại, trước những năm 2000, khi công tác gây mê hồi sức còn hạn chế, mỗi ngày cả bệnh viện chỉ phẫu thuật được 5-6 ca, trong khi nhu cầu phẫu thuật lại rất cao. Nhờ sự tiến bộ của công tác gây mê hồi sức đã nâng con số ca phẫu thuật lên con số 50-60 ca như hiện nay, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người bệnh.
Bên cạnh đó, phải kể đến một số tiến bộ trong kỹ thuật như đặt sonde carlen, đánh xẹp phổi trong mổ đốt hạch giao cảm chữa bệnh ra mồ hôi tay.
Trong lĩnh vực tim mạch, nhờ những tiến bộ trong gây mê hồi sức đã giúp cho các đội ngũ phẫu thuật viên triển khai được rất nhiều kỹ thuật chuyên sâu, áp dụng vào trong phẫu thuật mổ tim hở thành công. Đến nay, phẫu thuật tim mạch mở tại Bệnh viện Bạch Mai đã trở thành thường quy và cứu sống được rất nhiều bệnh nhân nặng, trở thành một trong những đơn vị phẫu thuật tim lớn của cả nước với con số lên đến 1200 ca mỗi năm.
Người bác sĩ - người lính hết lòng vì người bệnh
Chúng tôi phải rất khó khăn khi đặt lịch hẹn làm việc với ông bởi người đứng đầu một bệnh viện lớn liên tục bận rộn. Mỗi ngày làm việc của ông không chỉ là 8 giờ mà có khi là 12-13 giờ. Vừa làm công tác chuyên môn, vừa lo công tác quản lý, chuyện ông về đến nhà vào lúc 9-10h tối là bình thường.
TS Nguyễn Quốc Anh sinh năm 1959 tại xã Trung Đông - huyện Trực Ninh - tỉnh Nam Định. Ông theo học tại trường Đại học Y Hà Nội. Năm 1983, khi vừa thi xong tốt nghiệp, còn chưa kịp lấy bằng thì ông đã được điều động đi chiến dịch ở Campuchia. Sư đoàn nơi ông đóng quân là nơi khốc liệt nhất của chiến trường, nằm ở giáp biên giới giữa Campuchia và Thái Lan. Không chỉ có bom đạn, ông và các đồng đội còn phải chiến đấu với dịch sốt rét ác tính. Bản thân ông cũng là thương binh hạng 2/4, đang phải ‘gánh’ trên người những vết thương của chiến tranh. “Trong chiến tranh, khi hành quân di chuyển cả hàng ngàn người, cứ người trước đặt chân đâu thì người sau đặt đúng như vậy, đặt lệch ra là cụt giò như chơi”, ông kể lại. Thời đó, hầm dã chiến nơi ông đóng quân cách nơi diễn ra chiến sự chỉ hơn một cây số. Ông và các đồng đội đều ăn dưới hầm, ngủ dưới hầm, mổ dưới hầm, trong điều kiện thiếu thốn cả về nhân lực, thuốc men, cơ sở vật chất. Thế nhưng, những bác sĩ - chiến sĩ thời ấy vẫn vượt qua. Năm 1987, ông quay trở lại và gắn bó với Bệnh viện Bạch Mai từ đó đến bây giờ.
Gần 30 năm gắn bó với bệnh viện, vị trí nào ông cũng đã trải qua. Vẫn với vẻ chân tình, hiền dịu, ông tâm sự: Hạnh phúc lớn nhất đối với ông cũng như với người làm nghề y đó là cứu sống được những ca nặng mà tưởng chừng phải bó tay. “Những lúc như thế, chính chúng tôi cũng cảm ơn bệnh nhân, những người đã chung tay cùng chống chọi lại với bệnh tật và cùng chúng tôi chiến thắng. Đó là niềm vui, niềm an ủi và động viên lớn đối với người làm nghề y như chúng tôi”.
Ông và các đồng nghiệp thấm thía rằng, cứu sống được bệnh nhân khi đã đến nơi ‘cuối cùng’ của chiến tuyến là một phần thưởng không gì lớn bằng. Bệnh viên Bạch Mai lúc nào cũng đông, mà đa phần là bệnh nhân nặng tuyến cuối chuyển về nên các y bác sỹ phải căng hết sức để cứu chữa bệnh nhân. Ông tâm sự, có lúc mình rất thương cán bộ của mình bởi lịch làm việc dày đặc: Đi làm từ 5h30, đón tiếp bệnh nhân từ 6h30, thậm chí còn trước 6h. Cả bệnh viện đặt chỉ tiêu cùng phấn đấu để khám hết số bệnh nhân trong ngày, không để bệnh nhân vì chưa đến lượt mà phải để sang ngày hôm sau, nhất là các bệnh nhân ở tỉnh xa. Có những khoa đặc biệt như khoa khám bệnh theo yêu cầu phải 7h30 tối các bác sĩ mới xong việc, cá biệt có những ca phải đến 9h tối mới xong. Còn những nơi là ‘tâm bão’ như Khoa Cấp cứu A9 của bệnh viện thì các bác sĩ làm việc không kể ngày đêm. Một ngày làm việc mười mấy tiếng, có khi không kịp nghỉ ngơi ăn trưa, chỉ có một mẩu bánh mì, một chai nước và lại tiếp tục với hàng chục bệnh nhân nặng đang chờ là chuyện bình thường.
Vinh quang đi cùng áp lực
Bệnh viện thực chất là một xã hội thu nhỏ. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai điều trị hơn 4.000 bệnh nhân nội trú, 6.000 bệnh nhân ngoại trú. Đi kèm theo đó là người nhà bệnh nhân, học sinh sinh viên, nhân viên, khách… với lưu lượng vào ra lên tới 25.000-30.000 người. Không chỉ vậy, bệnh viện còn phải ‘tuyên chiến’ với nạn cò mồi, trộm cắp, lừa đảo….
Lao động của ngành y có đặc thù riêng. Các ngành nghề khác có khi chỉ vất vả đơn thuần trí óc hoặc sức vóc, còn cán bộ y tế vừa vất vả về sức vóc lại vừa rất căng thẳng về trí não. Bởi vì, trước họ là tính mạng người bệnh, họ luôn phải căng thẳng trước quyết định dùng thuốc gì, dùng phương pháp gì để cứu người bệnh trong một bệnh cảnh rất gấp gáp, rất hiểm nghèo.
Chúng tôi mong tất cả mọi người hiểu và thông cảm được công tác đặc thù của ngành y. Có thể đâu đó trách họ không tươi cười, có thể đâu đó trách cứ họ chưa đáp ứng được những câu hỏi, nhưng cái đầu tiên là y bác sĩ phải cứu người. Vì vậy, có thể đôi khi trong lúc tập trung khẩn cấp, nếu họ chưa đáp ứng được những câu hỏi của người nhà thì hãy thông cảm, tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh tâm sự.
Nguyễn Duyên