Bình Định: Giải pháp đồng bộ phát triển công nghiệp nông thôn
Ảnh minh họa
Hỗ trợ sản xuất
Trong suốt những năm qua, Bình Định đã xây dựng, triển khai nhiều chính sách tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT phát triển. Chỉ tính riêng chương trình khuyến công, trong 4 năm (2012-2015), tỉnh đã huy động trên 9,18 tỷ đồng hỗ trợ. Nguồn kinh phí này tập trung cho cơ sở đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại nâng cao năng lực sản xuất; tổ chức các đoàn tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm trong nước; bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu.
Các chương trình, đề án đã phát huy tốt hiệu quả. Đơn cử, nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất thu hút trên 90% vốn đối ứng, vốn hỗ trợ chỉ chiếm 5-10%. Nội dung này đã kích thích cơ sở mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, giảm dần cách tổ chức sản xuất tự phát, manh mún và kém hiệu quả, giúp cơ sở chuyển dần nhận thức từ sản xuất thủ công sang bán thủ công. Hay chương trình đào tạo nghề cũng giúp cơ sở CNNT có đội ngũ lao động có tay nghề tốt, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Tiếp tục phát huy hiệu quả chương trình khuyến công mang lại, năm 2016, Bình Định cũng được phê duyệt 3 đề án khuyến công quốc gia với tổng kinh phí hỗ trợ 900 triệu đồng, gồm: Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất nhiên liệu sinh học viên nén gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Thiện Hoàng, kinh phí hỗ trợ 350 triệu đồng; ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất sản phẩm ngói màu không nung - xi măng cốt liệu tại Hợp tác xã sản xuất đá xây dựng Bình Định, kinh phí hỗ trợ 200 triệu đồng; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch không nung - bê tông nhẹ tại Công ty CP Gạch tuynen Bình Định, kinh phí hỗ trợ 350 triệu đồng.
Liên kết tìm đầu ra
Ngoài việc tích cực hỗ trợ các cơ sở CNNT đầu tư công nghệ, phát triển sản xuất, Bình Định cũng rất nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm. Hàng năm, Sở Công Thương đều tổ chức các chương trình hợp tác, liên kết phát triển vùng và hợp tác với các tỉnh, thành trên cả nước. Cụ thể, tỉnh đã thực hiện Hội nghị Giao thương kết nối giữa doanh nghiệp, nhà phân phối Bình Định - An Giang, Bình Định - Đồng Tháp, kết quả có 28 bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết. Tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các cơ sở CNNT với hệ thống phân phối khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2015, 6 biên bản ghi nhớ và 8 sản phẩm được ký kết….
Sở Công Thương cũng duy trì việc tổ chức đoàn công tác tiếp cận mô hình sản xuất kinh doanh của các cơ sở CNNT tại các địa phương khác trong khu vực, tạo điều kiện phát triển các ngành nghề truyền thống, nghề mới; cung cấp thông tin định kỳ; phát triển hoạt động quảng bá thương hiệu sản phẩm.
Theo đánh giá chung, việc hợp tác, liên kết đã giúp cơ sở CNNT quảng bá giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường; khai thác được lợi thế và tiềm năng của các địa phương trong sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, nhìn chung sản phẩm của các cơ sở CNNT vẫn đơn điệu, năng lực cạnh tranh kém, công tác quản lý còn hạn chế, khả năng tiêu thụ thấp, vì vậy máy móc sau đầu tư chưa khai thác hết công suất. Quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động khuyến công đã thấp nhưng khi xét hỗ trợ cho từng đề án chỉ bằng 50-70% so với mức quy định, chưa thực sự tạo sức hút.
Để thúc đẩy cơ sở CNNT phát triển, Bình Định sẽ tiếp tục tích cực giới thiệu các mô hình khuyến công điển hình để cơ sở học hỏi kinh nghiệm. Phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan khảo sát nghiên cứu các mô hình, tìm hiểu thị trường đầu ra, công nghệ, tạo sự đổi mới trong tư duy. Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn giúp cơ sở năng động hơn trong việc cập nhật thông tin, tìm kiếm thị trường, mạnh dạn đầu tư, tăng chi phí cho công tác quảng bá giới thiệu sản phẩm, đồng thời không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng, hình thức sản phẩm sao cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên để trao đổi kinh nghiệm trong phát triển ngành và hoạt động khuyến công.
Bình Định có hơn 22.872 cơ sở CNNT, trong đó có 2% doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn lại là hộ kinh doanh cá thể. Giá trị sản xuất công nghiệp của các cơ sở bình quân đạt khoảng 4.000 tỷ đồng/năm, chiếm 30-35% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. |
Việt Nga