Bất ngờ phía sau CCG - công ty làm nhà máy nước Dung Quất gần 1.500 tỷ đồng
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã chủ trì nghe báo cáo đề xuất đầu tư xây dựng dự án nhà máy nước Dung Quất 2 tại xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh.
Tại cuộc họp, nhà đầu tư Công ty TNHH Đầu tư phát triển CCG (gọi tắt là Công ty CCG) cho biết, mục tiêu xây dựng máy nước Dung Quất 2 là để kịp thời đáp ứng nhu cầu dùng nước sạch của khu vực Khu kinh tế Dung Quất, bao gồm các khu đô thị, khu công nghiệp, du lịch và dịch vụ một cách an toàn, liên tục.
Khu kinh tế Dung Quất là trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của đất nước |
Đồng thời, doanh nghiệp khẳng định sẽ ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm hiệu quả tài nguyên nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Vẫn theo Công ty CCG, nhà máy nước Dung Quất 2 sử dụng công nghệ lọc nước DynaSand của hãng Nordric Water Thụy Điển. Đây là công nghệ đang sử dụng rất hiệu quả cho hệ thống cấp nước nhà máy nước kênh Đông, TP. Hồ Chí Minh, có rất nhiều ưu điểm về mặt bằng và giá thành.
Nhà đầu tư báo cáo, nhà máy xây dựng trên diện tích hơn 38ha, quy mô công suất cấp nước 100.000m3/ngày đêm, với tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1, công suất cấp nước dự kiến đạt 50.000m3/ngày đêm, lộ trình năm 2026 bắt đầu cấp nước cho 103.000 người dân, 820ha đất công nghiệp thuộc phân khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Thanh và phân khu đô thị - dịch vụ đông nam Dung Quất.
Giai đoạn 2, công suất cấp nước là 50.000m3/ngày đêm, dự kiến năm 2030 hoàn thành, cấp nước cho 16.000 người dân, 1.403ha đất công nghiệp thuộc phân khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Thanh và khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Dung Quất 2.
Sau khi lắng nghe báo cáo đề xuất đầu tư, UBND tỉnh thống nhất về chủ trương với đề xuất dự án của nhà đầu tư. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đề xuất ý tưởng đầu tư dự án nên UBND tỉnh chưa có cơ sở cho ý kiến về dự án này.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan rà soát lại toàn bộ các nội dung có liên quan đến dự án nêu trên, đặc biệt là các quy hoạch: Quy hoạch tỉnh; quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045; quy hoạch cấp nước; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng… cho phù hợp.
Đề xuất đầu tư dự án nhà máy nước Dung Quất 2 của Công ty CCG đang là tâm điểm theo dõi của nhân dân địa phương. Các thông tin về nhà đầu tư đang được lùng sục tìm kiếm trên không gian mạng.
Theo tìm hiểu của Báo Công Thương, Công ty TNHH Đầu tư phát triển CCG là doanh nghiệp đăng ký hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực lưu trú ngắn ngày (kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, resort nghỉ dưỡng), ra đời ngày 14/6/2018 tại quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.
"Cơ trưởng" của Công ty CCG là ông Phạm Văn Tuấn, doanh nhân sinh năm 1974, Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Vốn điều lệ của công ty là 68 tỷ đồng, tuy nhiên, doanh nghiệp hoạt động khá cầm chừng khi vài năm gần đây không phát sinh doanh thu.
Duy nhất năm 2019 có doanh thu nhưng chỉ "lác đác" hơn 3 tỷ đồng. Mỗi năm, Công ty CCG báo lỗ vài triệu vì chi phí vận hành cơ bản.
Thoạt nhìn, dễ thấy năng lực và kinh nghiệm của Công ty CCG khó lòng đáp ứng được yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Ngãi đối với một chủ đầu tư dự án cấp nước cả nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ông Phạm Văn Tuấn chính là nhân vật có tiếng trong cộng đồng năng lượng tái tạo Việt Nam, là Chủ tịch Hội đồng quản trị của nhóm doanh nghiệp mang thương hiệu "CCG" từng "làm mưa làm gió" với những dự án nhà máy phong điện công suất hàng trăm MW.
Ví dụ vào tháng 11/2019, dư luận xôn xao trước thông tin HBRE Group - "đế chế" năng lượng của ông Hồ Tá Tín và CCG Group cùng hợp tác và triển khai đầu tư ở nhiều lĩnh vực, trong đó trọng tâm là phát triển, đầu tư các nguồn năng lượng tái tạo, tiêu biểu là các dự án điện gió tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Hà Tĩnh.
Nổi bật nhất trong CCG Group là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển SG CCG (Công ty SG CCG), đây là chủ đầu tư nhà máy điện gió Duyên Hải tại vị trí V2.2, V2.3, V2.4, V2.5, V2.8 (Trà Vinh) với tổng diện tích 4.045 ha, tổng vốn là 4.000 tỷ đồng. Công suất đầu tư dự kiến của dự án là 220MW.
Ông Phạm Văn Tuấn còn là cổ đông lớn nhất tại Công ty TNHH Phát triển đầu tư hạ tầng Trà Vinh với tỷ lệ sở hữu chi phối. Doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Cổ Chiên (Trà Vinh) với tổng diện tích gần 200ha.
Ngoài ra, ông Tuấn được cho là có mối quan hệ mật thiết với Công ty Cổ phần Quang Điện Phú Khánh, chủ sở hữu Nhà máy điện mặt trời Xuân Thọ 1 và Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thọ 2 (cùng tại Phú Yên).